TS Nhưỡng: Phải mạnh tay dẹp kẻ 'chống lưng', doanh nghiệp 'sân trước, sân sau'

21/04/2022 06:34
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Vấn đề về “sân trước, sân sau” hay “ tư bản thân hữu” hoặc các dự án “bất bình thường” đã được nhìn ra từ lâu", Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán đang được đông đảo nhân dân quan tâm và ủng hộ.

Bởi lẽ, trong thời gian qua không ít doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở, móc ngoặc với cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước để tham ô, lũng đoạn, trục lợi gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và bức xúc trong dư luận.

Các chuyên gia nhận định, việc ra đời của Kết luận 12 trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và kịp thời để loại bỏ tình trạng “sân trước, sân sau”, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Cần nâng cao vai trò giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: “Đã từ lâu, vấn đề này được nhắc đến nhiều trong các văn kiện của Đảng và các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo nhà nước.

Đó là những vấn đề về “sân trước, sân sau”, “tập đoàn nọ, tập đoàn kia”, hay “ tư bản thân hữu” hoặc các dự án “bất bình thường”.

Hiện tại, các cơ quan nhà nước cũng đang rất tích cực vào cuộc để xử lý.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trung Dũng

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ảnh: Trung Dũng

Có thể nói rằng, dù sai phạm của lãnh đạo một số doanh nghiệp như FLC hay Tân Hoàng Minh mới chính thức được cơ quan điều tra công bố và tiến hành khởi tố, thế nhưng, trước đó nhiều dấu hiệu sai phạm của một số doanh nghiệp này đã từng bị cơ quan báo chí lên tiếng cảnh tỉnh.

Điều khiến dư luận bức xúc chính là, dù báo chí đã cảnh tỉnh nhưng các lãnh đạo của các doanh nghiệp này vẫn không hề hấn gì hoặc cùng lắm chỉ là phạt hành chính.

Điều này có nguyên nhân một phần là do cơ chế trong thực hiện việc phòng, chống tham nhũng tiêu cực của chúng ta vẫn chưa thực sự hoàn hảo.

Hoặc cũng có thể, do quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc thực hiện Luật Khiếu nại tố cáo, giải quyết đơn thư, tiếp công dân vẫn chưa đến nơi đến chốn.

Như vậy, có thể nhiều thông tin khiếu nại về tiêu cực, tham nhũng của cử tri và người dân gửi lên có thể đã bị bỏ qua hoặc không được đánh giá đúng.

Cũng một phần chúng ta còn quá nặng nề khâu thủ tục hành chính, hình thức nên không đi đến cùng của vấn đề, sự việc”.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh thêm về vai trò của việc chú trọng xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại dưới dạng “đơn thư nặc danh”.

Hiện tại, dạng kiến nghị này của công dân vẫn bị coi nhẹ, mất quá nhiều thời gian để xem xét, thậm chí là bị bỏ qua. Từ đó, nhiều vấn đề liên quan đến tố cáo sai phạm của các cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước cũng dễ bị bỏ lọt.

“Chúng ta cũng cần thực hiện nghiêm cơ chế giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức xã hội, của báo chí. Đặc biệt là phát huy vài trò của đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh.

Đồng thời, các cơ quan này cần vào cuộc một cách công khai, toàn diện và không viện lý do về mật, tối mật. Tôi chắc chắn rằng, nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ loại trừ ngay từ ban đầu tư duy hoặc dự kiến thành lập nên doanh nghiệp “sân trước, sân sau” trong tương lai.

Nếu làm tốt việc này, còn góp phần làm tiêu tan đi những nghi ngại về công cuộc phòng chống tham nhũng mà chúng ta đã cố gắng thực hiện bao nhiêu năm qua.

Tôi cũng đã từng phát biểu tại nghị trường nhiều lần về vấn đề này. Đó là, Quốc hội không chỉ xem xét và yêu cầu giải trình đối với các cơ quan nhà nước mà còn yêu cầu các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng phải giải trình về các vấn đề sản xuất, kinh doanh.

Bởi vì, gọi là doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng chính họ cũng đang sử dụng tài nguyên của nhà nước, đang làm việc trong phạm vi chịu ảnh hưởng của pháp luật.

Việc yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngoài nhà nước giải trình trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng sẽ đảm bảo cho các vấn đề về an ninh, trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế được giữ vững.

Ngoài ra, nó cũng sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp ngoài nhà nước đi đúng hướng và cũng cũng cố thêm năng lực quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp này.

Chúng ta vừa cảnh tỉnh, nhưng có thể phát hiện được tiêu cực trong quá trình cấp phép các dự án, thu ngân sách, sử dụng lao động hay trong hợp tác kinh doanh.

Từ đó sẽ làm lành mạnh các hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh tế nói riêng. Có như vậy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có nhiều hiệu quả hơn”, vị Phó Trưởng ban Dân nguyện nêu quan điểm.

Mạnh tay diệt nạn “sân trước, sân sau” để làm trong sạch nền kinh tế

Nhận định về tầm quan trọng của sự đời của Kết luận số 12, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Đây là một văn bản ra đời trong bối cảnh nước ta đang có nhiều vấn đề liên quan đến những hoạt động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Nó hết sức cần thiết trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung, sau 5 năm chúng ta thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị.

Điều này khẳng định rằng, Đảng ta đang có một sự quan tâm rất lớn đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Lãnh đạo của tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh đều đã bị bắt và khởi tố vì những vi phạm trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu. Ảnh: FLC

Lãnh đạo của tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh đều đã bị bắt và khởi tố vì những vi phạm trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu. Ảnh: FLC

Đặc biệt hơn, tại Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, chúng ta còn nhấn mạnh việc tăng cường vai trò sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của cá nhân các Đảng viên và các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ công chức.

Việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, cũng bởi từ lâu chúng ta đã xác định rằng, tham nhũng chính là “tử huyệt”, không chỉ làm thái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ Đảng viên mà có thể gây ra những hệ lụy rất lớn về công tác quản lý cán bộ và quản lý nhà nước.

Vì thế, nếu vẫn còn đội ngũ cán bộ nhà nước tiếp tục nhũng nhiễu, bắt tay và cho doanh nghiệp làm “sân sau” hay “chống lưng” cho các cá nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước để thu vén lợi ích cá nhân hoặc cài cắm các lực lượng để sử dụng quyền lực, tham nhũng lâu dài thì cực kỳ nguy hiểm”.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhận định rằng, dù nước ta đã có hệ thống luật pháp chặt chẽ, nhưng thực tiễn cho thấy, mỗi một thời kỳ, mỗi luật chỉ phát huy được sức mạnh ở một vị trí nào đó.

Điều này chưa tạo ra được những bước đột phá mạnh mẽ để quét sạch vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi các cơ quan đơn vị trong và ngoài nhà nước.

Qua đó, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc Bộ Chính trị cho ra đời Kết luận số 12 được ví như là đang căng sợi đàn trong dàn nhạc hợp xướng, để bản nhạc về phòng chống tham nhũng của chúng ta thêm hào hùng, khí thế, quét sạch và diệt tận gốc vấn nạn tham nhũng.

Trung Dũng