Hiện tại, một số cơ sở giáo dục đại học ở khu vực miền Bắc đã công bố các phương thức tuyển sinh năm 2025.
Theo thông tin đăng tải trên website nhà trường, năm 2025 Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh đại học hình thức chính quy với 3 phương thức. Cụ thể:
Phương thứ 1 là xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu như năm 2024). Phương thức 2 là xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024). Phương thức 3 là xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024).
Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường giữ ổn định 3 nhóm bao gồm: nhóm 1 là các thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT) chiếm 5% chỉ tiêu;
Nhóm 2 xét tuyển các thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (48% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024).
Nhóm 3 là các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường (30%).
Đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024. Các tổ hợp nhà trường không sử dụng xét tuyển nữa bao gồm: B00, C03, C04, D09, D10.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Cụ thể, năm 2025 là năm đầu tiên nhà trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đại học. 6 phương thức xét tuyển nhà trường sử dụng bao gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ).
Phương thức 3: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phương thức 4: Xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Phương thức 5: Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Phương thức 6: Các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục thể chất, Quản lý thể dục thể thao sử dụng các phương thức xét tuyển trên nhưng trong các tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu do cơ sở giáo dục khác tổ chức).
Trong khi đó, Trường Đại học FPT bổ sung thêm phương thức tuyển sinh năm 2025, bên cạnh 3 cách thức cũ như các năm trước. Cụ thể, nhiều năm qua Trường Đại học FPT duy trì 3 phương thức xét tuyển gồm: xét kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông; kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển thẳng. Năm 2025, nhà trường xét tuyển thêm 1 phương thức là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả của các kỳ thi này.
Bên cạnh đó, năm 2025, Trường Đại học FPT tiếp tục mở rộng danh mục đào tạo. Nhiều chuyên ngành đang "khát nhân lực" và có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%; chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
Với kỳ thi đánh giá tư duy, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến mở rộng điểm tổ chức để thí sinh vùng sâu vùng xa vẫn có thể thuận lợi tham gia kỳ thi này. Theo kế hoạch tổ chức thi đánh giá tư duy năm nay nhà trường đã công bố, kỳ thi dự kiến tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có 3-4 kíp thi tại 30 điểm thi.
Trường Đại học Thương mại dự kiến năm 2025 sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như xét kết quả điểm thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Tuy nhiên mức giảm này sẽ đảm bảo vừa phải, không giảm nhanh, bởi phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được toàn xã hội coi là thang đo chung để so sánh giữa các trường. Trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Đối với Trường Đại học Hà Nội trong 10 năm trở lại đây, nhà trường luôn duy trì ổn định 3 phương thức thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm 2025, nhà trường vẫn duy trì 3 phương thức nêu trên.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã có lộ trình để không phụ thuộc quá nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cụ thể, nhà trường giảm dần chỉ tiêu xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực (kỳ thi SPT) do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm.
Năm 2025, thí sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển vào hơn 20 cơ sở giáo dục đại học. Thời gian thi dự kiến là ngày 17-18/5/2025 (thứ bảy và chủ nhật).
Với bài thi này, thí sinh được đăng ký thi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trên cả nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thêm một địa điểm thi tại Trường Đại học Vinh. Như vậy năm 2025 có 4 địa điểm thi SPT trải dài ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.