ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo chuyên gia Công nghệ Giáo dục bắt nhịp chuyển đổi số

14/04/2025 07:22
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đặt mục tiêu xây dựng ngành Công nghệ Giáo dục trở thành một trong những "điểm sáng" của nền giáo dục Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của học tập trực tuyến (E-learning), học tập kết hợp (Blended learning) cùng sự xâm nhập sâu rộng của trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tạo ra một cuộc cách mạng trong phương thức giảng dạy và học tập, ngành Công nghệ Giáo dục nổi lên như một "mũi nhọn" chiến lược, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng kiến tạo và vận hành nền giáo dục số hóa.

Tại Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nhanh chóng "bắt nhịp" xu hướng, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo ngành Công nghệ Giáo dục và thu hút đông đảo sinh viên theo học. Một trong những cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành Công nghệ Giáo dục phải kể đến là Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Công nghệ Giáo dục - ngành học xu hướng tất yếu của tương lai

Chia sẻ về quyết định theo đuổi ngành Công nghệ Giáo dục, em Trần Ánh Thảo, sinh viên K24 ngành Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hào hứng nói: "Em chọn học ngành Công nghệ Giáo dục vì đây là một lĩnh vực mới, hơn nữa em cũng có niềm yêu thích với công việc giảng dạy”.

Thảo.jpg
Em Trần Ánh Thảo, sinh viên K24 ngành Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Trong quá trình học tập tại trường, Thảo thích thú trước những trải nghiệm học tập mới mẻ và hấp dẫn. Đặc biệt, ấn tượng mạnh mẽ đối với Thảo là chương trình đào tạo ngành Công nghệ Giáo dục được thiết kế bài bản, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với các xu hướng công nghệ giáo dục mới nhất, mở ra nhiều phương pháp học tập hiệu quả hơn so với cách truyền thống.

Trong khi đó, em Lê Thị Hồng Đào - sinh viên cùng khóa với Thảo khẳng định, Công nghệ Giáo dục là ngành học xu hướng tất yếu của tương lai và bản thân em luôn yêu thích khám phá điều mới mẻ. Trước khi lựa chọn ngành học, em đã nghiên cứu kỹ về tiềm năng phát triển cũng như cơ hội nghề nghiệp mà ngành Công nghệ Giáo dục mang lại.

Không chỉ học lý thuyết, sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục còn có nhiều cơ hội thực hành. Việc được trực tiếp trải nghiệm các nền tảng học tập số giúp Đào hiểu rõ hơn về cách công nghệ thay đổi phương thức giảng dạy, từ đó ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.

"Em tin rằng đây là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Vì vậy, nếu bạn trẻ nào đam mê sáng tạo và yêu thích sự đổi mới thì hoàn toàn có thể thử sức với ngành học này", Đào nói.

Đào 1.jpg
Em Lê Thị Hồng Đào, sinh viên K24 ngành Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Cùng chia sẻ về trải nghiệm học tập, em Phan Đặng Hoàng Anh - sinh viên K24 ngành Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận xét: "Ngành Công nghệ Giáo dục đã mang lại cho em nhiều trải nghiệm học tập thú vị và hấp dẫn. Đặc biệt, em ấn tượng với đội ngũ giảng viên nhiệt tình và thân thiện, luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên để các em có cơ hội học tập và phát triển tốt hơn".

Chương trình đào tạo linh hoạt, thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tế

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Bùi Thị Việt - Trưởng khoa Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, ngành Công nghệ Giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục thông qua ứng dụng công nghệ vào các hoạt động dạy học, quản lý và truyền thông giáo dục.

ngành Công nghệ giáo dục.jpg

Chia sẻ về chương trình đào tạo ngành Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tiến sĩ Việt nhấn mạnh, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được sống trong môi trường thực hành chiếm đến 45,7% tổng thời lượng.

Với ba chuyên ngành "sát sườn" thực tiễn gồm: Ứng dụng công nghệ trong giáo dục; Thiết kế và phát triển công nghệ giáo dục; Quản trị công nghệ giáo dục, sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục được dẫn dắt để trở thành người làm chủ công nghệ trong từng bài giảng, từng phương pháp đổi mới.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành học này còn chú trọng tăng cường thực tập và trải nghiệm thực tế. Sinh viên sẽ trực tiếp “lăn xả” vào các dự án tại doanh nghiệp, trường học hay tổ chức phi lợi nhuận – nơi các em học cách biến công nghệ thành công cụ kiến tạo tương lai giáo dục. Đặc biệt, sinh viên sẽ được hướng dẫn trực tiếp bởi giảng viên và chuyên gia tại các đơn vị thực tập, đảm bảo phát triển cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng quản lý​.

"Sinh viên sẽ được tiếp xúc với những xu hướng công nghệ đặc thù như trí tuệ nhân tạo AI, VR, thực tế tăng cường AR, học liệu số, hệ thống giáo dục thông minh... Đây là những khái niệm tưởng chừng xa vời nhưng sẽ trở thành bài học thực hành thú vị ngay trên giảng đường", cô Việt chia sẻ.

Hơn nữa, theo cô Việt, toàn bộ chương trình đào tạo của ngành được thiết kế theo các chuẩn đầu ra PLOs (gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ và trách nhiệm của sinh viên khi tốt nghiệp), sát với nhu cầu xã hội và định hướng chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực mũi nhọn như: Phát triển nội dung số – thiết kế học liệu đa phương tiện, trò chơi giáo dục; Quản trị công nghệ giáo dục – vận hành hệ thống học tập trực tuyến (LMS); Tư vấn và triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.

Ngành học góp phần xây dựng nền giáo dục thông minh

Cô Việt dự đoán, trong 5 - 10 năm tới, nhu cầu nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ giáo dục sẽ gia tăng nhằm đáp ứng việc thiết kế và triển khai các giải pháp học tập thông minh, góp phần hỗ trợ học sinh tiếp cận kiến thức linh hoạt, hiệu quả mà không phụ thuộc vào dạy thêm truyền thống. Lý giải cho xu hướng này, cô Việt chỉ ra 4 yếu tố chính:

Thứ nhất, nhờ sự thúc đẩy của chính sách Nhà nước và nhu cầu từ xã hội, các nền tảng học trực tuyến, mô hình học kết hợp (blended learning) và tài nguyên giáo dục mở (OER) ngày càng phổ biến, mở ra cơ hội học tập cho tất cả mọi người, từ học sinh thành phố đến học sinh vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng nền giáo dục thông minh, nơi giảng dạy, học tập và quản lý đều được số hóa. Để thực hiện mục tiêu này, ngành giáo dục cần lực lượng nhân sự trẻ, có chuyên môn về số hóa học liệu, xây dựng nền tảng học tập và triển khai các công cụ hỗ trợ giảng dạy – tất cả đều là những kỹ năng cốt lõi của sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục.

Thứ ba, sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực công nghệ giáo dục đang mở ra hàng loạt cơ hội việc làm hấp dẫn. Các doanh nghiệp giáo dục công nghệ hiện không chỉ dừng ở phần mềm dạy học mà đang phát triển những hệ sinh thái học tập tích hợp AI, VR, AR, phương pháp STEAM…

Thứ tư, khi quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì hoạt động giáo dục càng phải thay đổi để không để học sinh tụt lại phía sau. Với khả năng cá nhân hóa hành trình học tập qua hệ thống AI, kho học liệu số và các công cụ học tập tương tác, công nghệ giáo dục chính là lời giải để mang đến chất lượng dạy và học. Sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục chính là những người sẽ đồng hành cùng giáo viên và học sinh trong việc tạo nên môi trường học tập hiện đại, hiệu quả.

Theo cô Việt, sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có cơ hội việc làm rộng mở nhờ vào chương trình đào tạo tiên tiến kết hợp với hợp tác doanh nghiệp sâu rộng. Những kỹ năng và kiến thức mà sinh viên được trang bị không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phù hợp với xu hướng phát triển dài hạn của thị trường lao động trong lĩnh vực giáo dục số.

Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh (2048 x 1365 px) (1).png

Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm cao, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đặt mục tiêu xây dựng ngành Công nghệ Giáo dục trở thành một trong những "điểm sáng" của nền giáo dục Việt Nam. Để đạt được điều đó, nhà trường xác định các định hướng then chốt, bao gồm: tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, mở rộng cơ hội thực hành cho sinh viên; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập và thực tiễn; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chuyên gia; đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức về ngành; phát triển môi trường học tập hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; định hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.

"Những nỗ lực của nhà trường trong việc phát triển ngành Công nghệ Giáo dục không chỉ nhằm mục đích đào tạo ra những chuyên gia Công nghệ Giáo dục có năng lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần kiến tạo một nền giáo dục số hóa tiên tiến, hiện đại, bắt kịp xu thế của thế giới", cô Việt bày tỏ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có thể đảm nhận các vị trí công việc tại các trường học, trung tâm đào tạo và công ty công nghệ giáo dục, cụ thể:

Chuyên viên phát triển nội dung số trong giáo dục: Thiết kế học liệu số (E-learning, MOOCs), sản phẩm truyền thông đa phương tiện phục vụ giảng dạy.

Chuyên gia chuyển đổi số giáo dục: Triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ giảng dạy, xây dựng hệ thống quản lý học tập (LMS) và hệ thống quản lý đào tạo (SIS).

Quản trị viên hệ thống giáo dục số: Vận hành và quản lý các nền tảng học trực tuyến, thư viện số, phòng học thông minh.

Chuyên viên tư vấn và triển khai giải pháp công nghệ giáo dục: Hỗ trợ các tổ chức giáo dục trong ứng dụng công nghệ, khảo thí hiện đại, quản trị học tập bằng AI.

Giảng viên, chuyên gia đào tạo: Tham gia giảng dạy, tập huấn về công nghệ giáo dục cho giáo viên các cấp và các tổ chức giáo dục.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp công nghệ giáo dục hàng đầu, mở ra cơ hội kiến tập, thực tập và tuyển dụng cho sinh viên như Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Đại Trường Phát, Công ty Cổ phần Công nghệ Getfly Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục DOTB,….

Ngọc Mai