Dạy học 2 buổi/ngày đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích triển khai tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo nhà trường, chủ trương này chỉ thật sự hiệu quả nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến kế hoạch giáo dục cụ thể.
Tăng chất lượng chứ không tăng áp lực
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bày tỏ: “Dạy 2 buổi/ngày là một hướng đi tích cực, giúp học sinh được giáo dục toàn diện hơn, phát triển đồng đều cả tri thức, kỹ năng lẫn nhân cách. Học sinh sẽ có những buổi hoạt động thú vị, hấp dẫn, mở mang thêm hiểu biết”.
Tại Trường Trung học phổ thông Lục Nam, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hiện chưa được thực hiện. Theo cô Lan, thời điểm hiện tại đã gần cuối năm học, học sinh đặc biệt là khối 12 cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc triển khai vội vàng mà chưa có hướng dẫn sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình ôn luyện.

“Để bắt đầu dạy 2 buổi/ngày, nhà trường cũng cần có sự chỉ đạo từ cấp trên. Nếu có định hướng cụ thể, trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, khảo sát và xin hướng dẫn thực hiện. Hiện tại, các hoạt động học tập, trải nghiệm tại trường vẫn đảm bảo cho học sinh, không bị bỏ sót hay thiếu hụt”, cô Lan chia sẻ.
Vị nữ hiệu trưởng nhận định, mục tiêu của buổi học thứ hai trong ngày không phải là gia tăng khối lượng kiến thức, mà là tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực cá nhân và rèn luyện kỹ năng mềm.
Do đó, các trường không nên đặt nặng việc học thêm kiến thức. Ngược lại, buổi chiều nên là khoảng thời gian học sinh được trải nghiệm, tham gia câu lạc bộ, học kỹ năng sống, làm quen với các ngành nghề, hoạt động thể thao, văn nghệ... để các em đến trường với tinh thần thoải mái và chủ động hơn.
“Với những trường đã sẵn sàng về điều kiện, mô hình này là một cơ hội tốt. Nhưng với các trường còn thiếu thốn cơ sở vật chất hay đội ngũ giáo viên, việc triển khai có thể khiến cả thầy và trò gặp áp lực. Vì vậy, cần sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để các trường có căn cứ tổ chức hợp lý, hiệu quả, đúng tinh thần mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn”, cô Lan nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Trần Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc triển khai gần như giữ nguyên qua từng năm, chưa có nhiều cải tiến hay điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu thực tế”.
Theo thầy Phong, tại thành phố Hồ Chí Minh, học sinh được học 2 buổi/ngày, trong đó khoảng 50% thời lượng buổi chiều dành cho các chuyên đề, củng cố kiến thức, còn lại là các hoạt động phát triển năng lực, kỹ năng như sinh hoạt câu lạc bộ, năng khiếu. Đây là mô hình đã quen thuộc với hầu hết các trường trên địa bàn.

“Khác với buổi sáng học tập trung theo lớp, buổi chiều học sinh không cần học theo lớp cố định. Ở buổi thứ hai này, các em học theo chuyên đề, theo nhu cầu cá nhân, vì vậy không bắt buộc phải học cùng lớp như buổi sáng.
Cách tổ chức này giúp nhà trường chủ động hơn trong việc sử dụng phòng học và sắp xếp lịch học linh hoạt. Học sinh cũng thoải mái trải nghiệm hoạt động mà cá nhân cảm thấy hứng thú, không bị gò bó”, thầy Phong chia sẻ.
Cần xác định rõ nguồn lực để tổ chức dạy 2 buổi/ngày
Thầy Trần Thanh Phong nhận định, ngoài chương trình học thì các yếu tố như cơ sở vật chất, nhu cầu học sinh, kinh phí chi trả cũng cần được đưa lên bàn cân nếu muốn dạy 2 buổi/ngày.
Vị hiệu trưởng này cho hay, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày tại các trường công lập ở thành phố Hồ Chí Minh đã có quy định mức thu cụ thể. Các trường thu đúng, thu đủ theo hướng dẫn, cân đối thu, chi rõ ràng, minh bạch nên việc triển khai dạy học cả ngày không gặp khó.
Như vậy, kinh phí hiện tại không phải là rào cản với mô hình dạy học 2 buổi/ngày ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thầy Phong cũng nhấn mạnh, nếu các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước đang hướng tới mô hình dạy học cả ngày, cần có sự hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý để tổ chức hiệu quả và thống nhất.

“Trường học không thể tự ý triển khai nếu không có chỉ đạo. Sau khi có khung hướng dẫn chung, mỗi trường mới có thể căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để linh hoạt tổ chức.
Mô hình học 2 buổi/ngày đã chứng minh được tính hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng việc áp dụng đại trà trên cả nước cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, giáo viên và đặc biệt là cách tổ chức nội dung học trong buổi thứ hai”, thầy Phong nhấn mạnh.
Thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng bày tỏ, để thực hiện dạy 2 buổi/ngày, cần có hướng dẫn cụ thể, các trường mới có thể triển khai được.
Theo thầy Phi, những yếu tố mà các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đặc biệt cần được hướng dẫn bao gồm: buổi thứ hai tổ chức những hoạt động gì, thời lượng là bao nhiêu, yêu cầu gì về chất lượng buổi học; cơ sở vật chất cần đảm bảo những gì tối thiểu ngoài phòng học; đội ngũ giáo viên có cần bồi dưỡng thêm chứng chỉ hay văn bằng nào để tổ chức các hoạt động khác không…
Đặc biệt, thầy Phi nhấn mạnh: “Để tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, trường cần xây dựng kế hoạch vô cùng chi tiết. Trong đó, việc chi trả kinh phí như thế nào, vận hành ra sao cũng là điều đáng lưu tâm. Đến nay, không ít trường do chưa xác định được kinh phí, chương trình dạy nên cũng chưa thể triển khai mô hình học này”.
Liên quan đến kinh phí, vấn đề mà nhiều trường còn e ngại, cô Nguyễn Phương Lan gợi ý, nếu chương trình học vẫn giữ nguyên về số tiết và chỉ tổ chức lại theo hai buổi sáng - chiều thì trường hoàn toàn có thể đáp ứng mà không phát sinh thêm chi phí.
“Về cơ bản, các trường vẫn sử dụng đội ngũ giáo viên hiện có. Nếu chỉ điều chỉnh thời khóa biểu, dồn các tiết trải nghiệm vào buổi chiều, thì không cần thêm kinh phí. Vào buổi chiều, học sinh có thể tham gia câu lạc bộ, tự sinh hoạt, tham gia các hoạt động trải nghiệm mà giáo viên tổ chức.
Nếu trường sử dụng định mức tiết hoạt động trải nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để triển khai vào buổi chiều, sẽ không gây tăng định mức tuần, không phát sinh chi phí vượt định mức. Nhưng trong trường hợp có chỉ đạo mới, yêu cầu bổ sung tiết học, tăng số lượng hoạt động trải nghiệm thì khi đó, việc tài chính cần được làm rõ”, cô Lan phân tích.
Bên cạnh đó, theo cô Lan, đội ngũ giáo viên cũng là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Để triển khai dạy 2 buổi/ngày liên tục trong tuần, đội ngũ giáo viên hiện tại cần đảm bảo đủ chỉ tiêu, đặc biệt là các giáo viên chủ nhiệm sẽ phải đồng hành với học sinh cả sáng lẫn chiều.
Theo cô Lan, việc tổ chức buổi thứ hai không chỉ đơn thuần là kéo dài thời lượng giảng dạy, mà còn đòi hỏi giáo viên có năng lực tổ chức hoạt động, kỹ năng hướng dẫn học sinh trong các chương trình trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, nghề nghiệp.
“Giáo viên ngoài năng lực chuyên môn cũng cần trau dồi thêm các kỹ năng khác để mang đến trải nghiệm phong phú hơn cho học sinh. Đây là yêu cầu mới nhưng tất yếu trong bối cảnh giáo dục toàn diện”, cô chia sẻ thêm.