Di dời trường ĐH khỏi nội đô: Tâm tư của trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật

30/01/2024 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đào tạo lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng, môi trường học tập phải ở khu vực trung tâm văn hóa, nghệ thuật.

Tại dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Hà Nội dự kiến di dời một số đại học ra đô thị vệ tinh, xây dựng trường mới theo mô hình khu đại học tập trung, phân bố theo cụm ngành, nghề đào tạo. [1]

Theo đó, những trường đại học có diện tích dưới 2ha sẽ thuộc diện di dời, ngược lại nếu có diện tích trên 2ha hoặc trường "đặc thù" có diện tích nhỏ hơn 2ha nhà trường sẽ được giữ nguyên, cải tạo, nâng cấp.

Cuối tháng 12/2023, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. [2]

Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học; ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố để hoàn thiện nội dung của Đồ án, báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Theo khảo sát của phóng viên, có một số trường đại học với diện tích trường nhỏ hơn 2ha. Trong số đó, có Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (được thành lập năm 1949, hiện trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) có diện tích khoảng 1,8ha và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (được thành lập năm 1925, hiện trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có diện tích khoảng 1ha.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đối với Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam xung quanh việc di dời cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô.

Đào tạo lĩnh vực nghệ thuật phải gắn với trung tâm văn hóa, nghệ thuật

Đánh giá về chủ trương di dời các trường đại học, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho hay, đây là chủ trương chung nhằm quy hoạch quy hoạch giao thông đô thị, quy hoạch hệ thống các trường đại học để đảm bảo đạt chuẩn.

Song đối với các trường đào tạo nghệ thuật đặc thù sẽ có những khó khăn, vướng mắc nhất định. So với các trường đại học khác, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có quy mô nhỏ, đào tạo nghệ thuật nên việc ảnh hưởng tới giao thông trong khu vực là không đáng kể.

Trên thực tế diện tích nhà trường trước kia là khoảng 2.5ha, do xây khu tập thể dành cho giảng viên nên diện tích chỉ còn khoảng 1,8ha.

Là một trường đào tạo về lĩnh vực mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng, nếu phải di dời đến khu vực Thị xã Sơn Tây sẽ gặp phải nhiều bất cập.

Đào tạo lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng, môi trường học tập phải ở khu vực trung tâm văn hóa, nghệ thuật.

"Người học cần được hòa mình vào thực tiễn đời sống, trải nghiệm qua các hoạt động, các sự kiện nghệ thuật để hình thành tư duy sáng tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc giảng dạy và học tập của sinh viên luôn gắn liền với thực hành, ứng dụng thực tế.

Nếu chuyển địa điểm đào tạo ra ngoại thành, cơ hội tiếp cận với các sự kiện, đời sống văn hóa nghệ thuật của người học sẽ hạn chế đi rất nhiều. Nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và tính ứng dụng, cập nhật văn hoá nghệ thuật của người người học", thầy Cường cho hay.

Đường rẽ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Đường rẽ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Thầy Cường chia sẻ, việc đào tạo của nhà trường là một chuỗi cung ứng công cụ học tập và thực hành (giấy vẽ, bút, màu vẽ, bảng giá, đất, sơn mài, men gốm, vàng bạc trang sức…). Những học cụ mang tính đặc thù này chỉ có thể được đảm bảo cung cấp tốt nhất, thuận tiện nhất khi nhà trường ở nội đô. Thậm chí, ở nội đô cũng chỉ có một số địa chỉ cung cấp nhất định.

"Nếu chuyển tới khu vực Thị xã Sơn Tây sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công tác giảng dạy và học tập của nhà trường bởi chỉ cần thiếu một học cụ mà không được cung ứng kịp thời thì việc đào tạo sẽ bị gián đoạn.

Việc chuyển địa điểm đào tạo ra xa trung tâm sẽ ảnh hưởng nhiều đến đội ngũ giảng viên, những người làm chuyên môn về lĩnh vực nghệ thuật. Theo đó, thời gian di chuyển đến địa điểm mới sẽ hạn chế đi việc nghiên cứu sáng tác, cập nhật những kiến thức văn hoá nghệ thuật mới nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường có bề dày đào tạo về lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, uy tín, chất lượng, truyền thống đã gắn liền với địa điểm đào tạo. Nếu thay đổi địa điểm sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh", thầy Cường chia sẻ.

Nếu di dời sẽ xoá đi địa chỉ đào tạo nghệ thuật có gần 100 năm

Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho hay, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thuộc diện trường có lịch sử lâu đời (tương đương Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội), dự kiến được bảo tồn và cải tạo nâng cấp.

"Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là một trong số ít trường trọng điểm về đào tạo nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là một cơ sở đào tạo đặc thù về mỹ thuật tạo hình với lịch sử gần 100 năm.

Nhà trường đang chuẩn bị hồ sơ, lập đề án công nhận di sản quốc gia để bảo tồn khu nhà này với nơi lưu giữ không gian hiện hữu những bức phù điêu có giá trị đặc biệt của mỹ thuật hiện đại, mang dấu ấn của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương", cô Lan chia sẻ.

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, tuy là ngôi trường có diện tích hẹp, quy mô đào tạo không lớn nhưng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là trường đào tạo đặc thù, có vai trò trụ cột trong việc định hình và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Lịch sử nhà trường gắn liền với lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Do vậy nếu phải di dời đến địa điểm khác sẽ phá hủy di sản này, có khả năng xóa đi một địa chỉ đào tạo nghệ thuật có lịch sử gần 100 năm.

Nếu căn cứ vào diện tích, quy mô để đánh giá một cơ sở đào tạo đặc thù là không hợp lý. Trên thế giới, các trường mỹ thuật, nghệ thuật đều có diện tích và quy mô nhỏ hơn nhiều so với các trường đào tạo các ngành nghề đại trà.

Và chưa một quốc gia hay thành phố nào ở Pháp, Anh, Nga, Trung, Mỹ… di dời các trường nghệ thuật ra khỏi trung tâm thành phố, nhất là với các trường có lịch sử lâu đời như Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

"Về cơ học, đây là trường đào tạo đặc thù, có quy mô nhỏ nên không gây áp lực hạ tầng đô thị.

Về tinh thần, trường nghệ thuật phải gắn với hệ sinh thái văn hóa nghệ thuật chính yếu của một đô thị, nên không thể nằm ngoài vùng hoạt động văn hóa nghệ thuật chính yếu của thành phố - thường là khu vực trung tâm với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ngoại giao, chính trị quan trọng của thành phố và đất nước (nếu đô thị là Thủ đô)", Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói.

Link bài viết tham khảo:

1) https://vnexpress.net/ha-noi-tinh-di-doi-truong-dai-hoc-theo-cum-4682478.html

2) https://laodongthudo.vn/thong-qua-do-an-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thu-do-ha-noi-den-nam-2045-tam-nhin-2065-164241.html

Mạnh Đoàn