Thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, Hà Nội yêu cầu di dời một số cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô. Nhưng đến nay, nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi di dời, trong đó có Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Công đoàn,...
Trước thực tế này, có đề xuất Hà Nội cần cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học đang nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cơ sở giáo dục trong diện di dời.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, nhà trường chưa bàn đến lộ trình di dời vì Trường Đại học Mở Hà Nội đến nay chưa có quỹ đất ở nơi chuyển đến.
“Vừa rồi, nhà trường có công văn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và nhận được phản hồi (cách đây khoảng 1 tháng) là thành phố bố trí cho trường quỹ đất ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) với diện tích 23,57ha để di dời đến.
Tuy nhiên, để tiếp cận và triển khai dự án còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Hiện trường cũng chưa có hướng dẫn cụ thể (ví dụ như quỹ đất thành phố bố trí cho trường nằm ở vị trí nào của huyện Chương Mỹ,...), chưa có lộ trình di dời, kinh phí để chi cho xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng mới ra sao”, thầy Sơn chia sẻ.
Tiến sĩ Bùi Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: website nhà trường. |
Di dời cơ sở giáo dục và đào tạo trong nội đô ra các khu, cụm ở ngoại thành Hà Nội là một chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực làm giảm mật độ dân số và giải quyết vấn đề dân sinh như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị,...
Từ góc độ của cơ sở đào tạo, thầy Sơn bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội nhưng điều dễ thấy nhất là nếu để trường theo cơ chế tự chủ phải tự di dời sẽ rất khó thực hiện.
“Việc di dời một số cơ sở giáo dục đang được khởi động lại thời gian gần đây nhưng chưa có kế hoạch chi tiết. Nhà trường cũng mong muốn có cơ ngơi trường học rộng, khang trang hơn nhưng Trường Đại học Mở Hà Nội muốn di dời cần phải có quỹ đất, có đầu tư cơ bản ban đầu cho cơ sở mới.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa có thêm những thông tin liên quan đến địa điểm sẽ di dời đến trong tương lai, kèm theo đó là quy mô của dự án cũng như các điều kiện đảm bảo xây dựng trường”, thầy Sơn chia sẻ.
Thêm nữa, việc di dời cơ sở giáo dục cũng liên quan đến thu hút sinh viên, do đó, thầy Sơn cho rằng, tất cả các trường đại học ở nội thành Hà Nội nên di dời đến khu, cụm ở ngoại thành nhằm tạo sự công bằng trong tuyển sinh, bởi sinh viên thường thích học trường ở trung tâm thành phố hơn là trường ở địa phương, ngoại thành Hà Nội.
Cùng chia sẻ, Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho hay, đề xuất Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội di dời ra khỏi khu vực nội đô có từ cách đây hơn chục năm, nhưng đến nay chưa thực hiện vì nhà trường chưa được phân đất ở địa điểm mới (dự kiến di dời đến Hòa Lạc).
Đối với cơ sở giáo dục đào tạo y có đặc thù là sinh viên phải thực tập tại các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc.
Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội với chương trình đào tạo có 70% thời lượng là thực hành, thực tập tại cơ sở nên sinh viên phải đến bệnh viện thường xuyên để học thực tế, thực tập. Trong khi đó, các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc lớn tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành Hà Nội.
“Nhà trường tổ chức cho sinh viên thực tập ở khoảng 40 cơ sở bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc ở Hà Nội. Do đó, khi trường di dời ra khỏi nội đô Hà Nội đồng nghĩa với việc trường cách xa các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc này.
Sau khi di dời đến địa điểm mới, sinh viên của trường có thể sẽ thiếu nơi để thực tập gần trường vì các bệnh viện, trung tâm y tế chủ yếu ở nội thành Hà Nội. Muốn đi thực tập ở bệnh viện, nhà thuốc, trung tâm y tế lớn, các em sẽ phải di chuyển quãng đường xa trong khi thời lượng thực hành của các em là 70% chương trình đào tạo”, thầy Tân chia sẻ.
Cũng theo thầy Tân, nhà trường tuyển sinh ổn định, hiện quy mô đào tạo của trường khoảng 7.000 sinh viên. Tuy nhiên, sau khi di dời, công tác tuyển sinh chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng. Bởi, sinh viên trẻ thường thích tập trung ở nơi nhộn nhịp nên sẽ chọn học trường ở thành phố. Chưa kể, tâm lý chung của nhiều giảng viên là muốn đi làm gần trường trong khi gia đình các thầy cô đang hầu hết tập trung ở nội thành Hà Nội.
“Thực hiện chủ trương chung, nhà trường vẫn sẽ di dời theo pháp lệnh. Nhưng vấn đề đặt ra là dùng kinh phí ở đâu để trường có thể di dời?
Chưa kể, việc di dời tất cả lực lượng của trường đến địa điểm mới cũng là khó khăn cho cán bộ giảng viên và sinh viên. Thay vì di dời toàn bộ, nhà trường mong muốn có thêm cơ sở hạ tầng mới để tăng địa điểm thực tập và các hoạt động giáo dục khác, nhất là những nội dung có thể tổ chức cho sinh viên vừa học lý thuyết, vừa thực tập ngay tại trường.
Giữ trụ sở hiện tại ở Hà Nội và có thêm cơ sở mới cũng sẽ giúp nhà trường giảm số lượng sinh viên tập trung ở nội thành”, thầy Tân bày tỏ mong muốn.
Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2021 Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: "Phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên.
Xây dựng mới 3.500 - 4.500 ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm khoảng 200 - 250 ha (5 - 6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600 - 650 ha (8 - 10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300 - 350 ha (4 - 5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000 - 1.200 ha (12 - 15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600 - 650 ha (8 - 10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100 - 120 ha (1,5 - 2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150 - 200 ha (2 - 3 vạn sinh viên).
Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô; quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị".