Chiều ngày 24/8, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức Nguyễn Thị Tốt, Trưởng phòng Nội vụ Lê Thị Trong đã làm việc với cô Lý Kim Liên – GV trường tiểu học Đặng Văn Bất xung quanh các ý định chuyển trường của cô.
Sau buổi gặp này, tiếp xúc với VTC News, cô Liên thông tin với chúng tôi: Ban đầu, cô Liên đã đồng ý viết đơn xin được dạy lại tại trường cũ (trường Đặng Văn Bất) theo đề nghị của lãnh đạo quận, và mang lá đơn ấy lên nộp cho cô Tốt và cô Trong vào đầu buổi làm việc.
Thế nhưng, trong khi đang làm việc, theo lời kể của cô Liên, bất ngờ cô Trong nhận được 1 cuộc điện thoại từ 1 vị lãnh đạo quận Thủ Đức. Lúc ấy cô Trong lại nói không nhận đơn xin ở lại trường Đặng Văn Bất của cô Liên nữa, mà sẽ đưa cho cô Liên quyết định điều chuyển cô sang trường Nguyễn Văn Banh. Đây là ý của lãnh đạo quận Thủ Đức.
Trường Tiểu học Đặng Văn Bất |
Lí do của việc này, lãnh đạo quận Thủ Đức liên tục đọc các thông tin trên báo chí do cô Liên cung cấp cho các PV về việc này. Những người có trách nhiệm của quận Thủ Đức đã nói với cô Liên rằng, sự việc không có gì nhưng cô Liên cứ thông tin suốt cho báo chí, làm lớn chuyện. Tuy nhiên, cô Liên khẳng định rằng mình chỉ cung cấp toàn bộ sự thật, không hề giấu giếm hay nói sai trái điều gì. Song song đó, cô Liên vẫn đề nghị cô Tốt và cô Trong nhận đơn xin dạy lại ở trường Đặng Văn Bất của mình, rồi trình lên lãnh đạo UBND quận Thủ Đức xem xét kĩ càng, rồi trả lời lại cho cô Liên trong ngày thứ 2 tuần tới. Sau đó, cô Tốt và cô Trong cũng đã đồng ý với phương án nói trên.
TS Trịnh Hòa Bình: "Học sinh chửi tục, nói bậy vì người lớn dối trá"
Các ông bố bà mẹ đang "tiếp tay" cho con cái chửi bậy, nói tục
Trong một diễn biến khác có liên quan đến vụ việc này, chia sẻ ý kiến cá nhân của mình qua điện thoại với chúng tôi vào chiều 24/8, Phó GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đã nhận được báo cáo vụ việc từ Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức. Bên cạnh đó, thầy Đạt cho rằng sau sự việc này, có thể thấy công tác tư tưởng của những người làm tổ chức ở quận Thủ Đức chưa tốt. Đồng thời, thầy Đạt cũng nói thêm, hành động tự tử của cô Liên cũng không được. “Bởi lẽ người giáo viên luôn dạy các học sinh của mình phải biết kiềm chế cảm xúc. Đằng này cô Liên lại đi tự tử như vậy…” – thầy Đạt nói. Khi chúng tôi đề cập đến việc luân chuyển cô Liên trong vòng 5 năm đã luân chuyển tới 3 trường, mà hoàn toàn không có báo trước, tham khảo ý kiến của người nhận quyết định, thầy Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: Quy trình luân chuyển giáo viên mà quận Thủ Đức đã làm là không sai. Thông thường, 1 năm thì mỗi quận luân chuyển khoảng từ 50 – 60 giáo viên. Đối với việc này, Phòng GD&ĐT các quận chỉ cần mời Hiệu trưởng các trường lên, trao quyết định rồi Hiệu trưởng về trường phải có trách nhiệm báo lại cho giáo viên. Luật viên chức quy định rõ, việc luân chuyển cán bộ thì viên chức phải chấp nhận, nếu không có nghĩa là chống lại, và hoàn toàn có thể bị buộc thôi việc vì chống lại lệnh phân công công tác. Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, dù quận Thủ Đức làm không sai, nhưng đây là trường hợp đặc biệt của quận. “Trường hợp đặc biệt chúng ta cũng phải có cách giải quyết đặc biệt. Bởi vì, theo báo cáo từ dưới, cô Liên đã rất nhiều lần vi phạm, phải làm kiểm điểm ở những ngôi trường cũ” – thầy Đạt nhấn mạnh. Các quyết định phân công, luân chuyển cán bộ là trong lĩnh vực hành chính, nếu cảm thấy không hài lòng, cô Liên hoàn toàn có thể khiếu nại lên Phòng GD&ĐT hay UBND quận Thủ Đức. Còn nếu cảm thấy chưa được nữa, cô Liên có thể nộp đơn khiếu nại ra tòa. Thông thường tòa chỉ xử đối với các trường hợp bị mất việc, còn cô Liên không bị mất việc, chỉ bị luân chuyển. Trước đó, cho rằng quyết định luân chuyển mình về dạy trường tiểu học là bất bình thường, cô Liên đã uống thuốc rầy tự tử ngay trước mặt Trưởng phòng GD quận Thủ Đức, TP.HCM.
Trước thực trạng học sinh nói tục, chửi bậy tràn lan, nhiều người cho rằng, lâu nay khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã bị lãng quên?