Diễn biến trận chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 1975

20/04/2015 07:49
ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Năm 1975, sau chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, kế hoạch quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam bao gồm cả các đảo và quần đảo Trường Sa, Côn Đảo...

LTS: Còn 10 ngày nữa là đến ngày kỉ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Bắt đầu từ hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài chào mừng 40 năm mốc son lịch sử oai hùng ấy.

Loạt bài được thực hiện bởi phóng viên, các cộng tác viên, các tướng lĩnh, quân nhân và cả các nhân chứng lịch sử.

Hôm nay, là bài đầu tiên của tác giả Đặng Việt Thủy, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kiêm Giám đốc Trung tâm phát hành sách Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị). 

Ông cũng đồng thời là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Năm 1975, sau chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, trong kế hoạch quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam bao gồm cả các đảo và quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc... Nhiệm vụ này được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Quân chủng Hải quân, Quân khu 5, Binh chủng Đặc công.

Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 4 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân "nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng" (Mật điện số 990B/TK lúc 17 giờ 30 phút ngày 4 tháng 4 năm 1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu  và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5).

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh,  ngày 4 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm đánh chiếm quần đảo Trường Sa: "Bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng quần đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước đảo của ta". 

Lực lượng gồm các tàu của Đoàn vận tải quân sự 125, Đoàn 126 đặc công, Tiểu đoàn 471, Đặc công khu 5 và Tiểu đoàn 407, lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hòa. Thứ tự mục tiêu đánh đảo Song Tử Tây trước, làm bàn đạp và rút kinh nghiệm để đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa...

Ngày 10 tháng 4 năm 1975, các tàu 673, 674, 675 Trung đoàn 125 cấp tốc từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, đón các đơn vị đặc công lên tàu. Hồi 4 giờ sáng ngày 11 tháng 4, quân ta rời cảng ra khơi. Đảo Song Tử Tây cách bờ 450km, Đoàn vừa ra khơi thì gặp cơn dông lớn. Suốt cả ngày 11, máy bay trinh sát lượn trên đầu, đoàn vẫn cho tàu chạy đúng lộ trình.

Hồi 17 giờ ngày 11 tháng 4 năm 1975, tàu 673 cách đảo Song Tử Tây 3 hải lý. Địch liên tục bắn pháo sáng và súng cối. Tàu lượn quanh đảo cách chừng nửa hải lý rồi tắt máy, để trôi và quan sát. Trên đảo có lô cốt cắm cờ ba sọc vàng, lính gác tuần tra, nhiều công sự, nhà tạm của địch. Tàu ta lui ra xa, chờ đội hình chuẩn bị tấn công.

Đến 19 giờ ngày 13 tháng 4, tàu 673 tiếp cận đảo, tàu 674 và 675 vòng phía bắc và nam đảo yểm hộ. Lệnh tấn công phát ra, lập tức các xuồng, phao hạ thủy, sau chừng một giờ thì bộ đội ta tiếp cận đảo. Tên lính gác trên lô cốt soi đèn xuống mép nước, biết bị lộ, bộ đội ta nổ súng tiêu diệt.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14 tháng 4, trận đánh bắt đầu. Hỏa lực các cỡ của ta nã tới tấp vào trung tâm và lô cốt chỉ huy. Địch rút về phía đông để chống cự.  Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt và bắt 39 tên thuộc tiểu đoàn bảo an 371 quân đội Sài Gòn, giải phóng đảo Song Tử Tây. 

Chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ trên đảo, xác định chủ quyền của Tổ quốc vào lúc 5 giờ ngày 14 tháng 4 năm 1975. Địch điều các tàu HQ16, HQ402 ra phản kích, nhưng thế trận tan rã, chúng quay về đảo Nam Yết, trung tâm quần đảo Trường Sa để phòng thủ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Lúc này trên vùng biển Trường Sa có nhiều tàu và máy bay lạ xuất hiện. Quân ta tiếp tục củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm chiến đấu.

Đúng 4 giờ sáng ngày 21 tháng 4, lực lượng tấn công đợt 2 bắt đầu rời cảng Đà Nẵng hành quân lên đường, chiều ngày 24 tháng 4 bộ đội đến vị trí tập kết. Đêm 24 tháng 4, tàu 673 định đổ quân chiếm đảo Nam Yết, nhưng gặp tàu khu trục địch, yếu tố bí mật không còn nữa, tàu ta quay về đảo Song Tử Tây chờ thời cơ.

Tàu 641 tiến về đảo Sơn Ca, lúc 21 giờ 30 phút thì cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, lần thứ nhất đổ bộ không thành công do nước chảy xiết. Chờ đến lúc 23 giờ 30 phút nước đứng, lần đổ bộ thứ hai bắt đầu, sau 30 phút bộ đội đã đặt chân lên đảo. Địch trên đảo có 4 lô cốt, hai dãy nhà tôn, các chòi canh, có hàng rào thép gai bao quanh. 

Sáng ngày 25 tháng 4, trận đánh bắt đầu. Địch trên đảo ngoan cố chiến đấu cầm cự, nhưng sau 2 giờ thì bị bộ đội ta tiêu diệt, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Sơn Ca. Các tàu tuần dương, khu trục của địch lượn quanh các đảo nhưng không làm gì được bèn quay lại đảo Nam Yết.

Lúc 8 giờ 45 phút ngày 26 tháng 4, ta bắt được điện của địch ra lệnh cho quân rút khỏi đảo Nam Yết, Sở chỉ huy ta ra lệnh cho tàu 673 lập tức nhổ neo. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, thấy lực lượng ta ồ ạt lên đảo, toàn bộ sĩ quan, binh lính địch hoảng loạn bỏ chạy. Bộ đội ta nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ đảo.

Ở đảo Sinh Tồn, sáng sớm ngày 27 tháng 4 địch bỏ chạy khỏi đảo, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn.Ngày 28 tháng 4 ta giải phóng đảo Trường Sa và An Bang. Hồi 9 giờ sáng ngày 29 tháng 4, phân đội cuối cùng của Trung đoàn 126 đặc công hải quân đổ bộ lên hòn đảo cuối cùng của quần đảo Trường Sa. Toàn bộ quân địch trên các đảo bị bắt làm tù binh. Bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quân ủy Trung ương khen ngợi "Hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giải phóng quần đảo Trường Sa, phần đất xa nhất của Tổ quốc, quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

* Nguồn trích dẫn:

      - "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, 2005, trang 786-787.

- "Năm 1975- những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, trang 329-331.

- "Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945-1975) Hỏi và đáp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, trang 267- 270.

ĐẶNG VIỆT THỦY