Hiện nay, xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành Thương mại điện tử cũng cũng đặt ra yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhằm góp phần giải quyết vấn đề trên, nhiều cơ sở giáo dục đã tiên phong trong việc đào tạo nhân lực ngành Thương mại điện tử.
Trong đó, Trường Đại học Thương mại là cơ sở giáo dục đầu tiên trong cả nước mở chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử nằm trong ngành Quản trị kinh doanh từ năm 2005.
Ngành Thương mại điện tử phát triển là xu thế tất yếu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại nhận định, sự phát triển của ngành Thương mại điện tử đã phản ánh nhu cầu mạnh mẽ về nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại, marketing và quản lý doanh nghiệp.
Theo thầy Hưng, sinh viên ngành Thương mại điện tử sẽ được học từ cơ bản đến chuyên sâu các kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực này, bao gồm: Quản trị, sử dụng và vận hành các mô hình kinh doanh điện tử (các website kinh doanh) sinh lời trên Internet; các kiến thức và kỹ năng về quản trị và thực hành marketing điện tử, marketing mạng xã hội; kỹ năng sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet; kiến thức và kỹ năng thanh toán điện tử; kiến thức và kỹ năng về thực hiện các hoạt động thương mại thông qua các thiết bị di động; kiến thức và kỹ năng về khai thác các ứng dụng điện toán đám mây để thực hiện hoạt động chào hàng, bán hàng, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng; kiến thức về phát triển hệ thống thông tin thương mại điện tử; kiến thức và kỹ năng về quản trị tác nghiệp các hoạt động bán lẻ B2C, bán buôn B2B và chuỗi cung ứng trên Internet; kiến thức và kỹ năng về quản trị chiến lược thương mại điện tử, an toàn thông tin và quản trị rủi ro thương mại điện tử, phát triển hệ thống thương mại điện tử, pháp luật thương mại điện tử và chính phủ điện tử...
Đặc biệt, chương trình đào tạo Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại luôn được sửa đổi và cập nhật theo xu hướng, gắn đào tạo với đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, chương trình đáp ứng được tính hiện đại và yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể xin việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.
Trong đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm những vị trí công việc như: Chuyên viên digital marketing; chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh online tại doanh nghiệp; chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển Thương mại điện tử và kinh tế số; cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành; giảng viên ngành Thương mại điện tử tại các trường đại học, học viện, viện, cao đẳng và trung cấp... Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể khởi nghiệp, bởi hiện nay, bất kỳ việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nào đều được áp dụng các mô hình bán hàng trên nhiều nền tảng, đa kênh.
“Tùy thuộc vào vị trí và kinh nghiệm cá nhân sẽ có mức lương phù hợp. Đơn cử đối với các công việc như quản lý marketing, vận hành website hay quản lý sản phẩm, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể nhận mức lương dao động từ 10-20 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, nhiều sinh viên ra trường lựa chọn làm tự do (freelancer) trong lĩnh vực quảng cáo, marketing có thể kiếm tiền không giới hạn, thậm chí đến cả 100 triệu đồng/ tháng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn về lĩnh vực Thương mại điện tử không chỉ tuyển dụng nhân viên trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho sinh viên có khả năng ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp tốt. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, sinh viên cần không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn, cập nhật các xu hướng công nghệ mới và có thái độ làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động”, thầy Hưng bày tỏ.
“Chìa khóa” giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chia sẻ về lý do khởi nghiệp, ông Nguyễn Trường Phi - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Maxbuy Việt Nam, một trong những cựu sinh viên ngành Thương mại điện tử, khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại, cho biết: “Thương mại điện tử hiện nay không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu trong kinh doanh. Năm 2010, tôi đã bắt đầu khởi nghiệp khi thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam còn rất mới mẻ.
Thành công đến với tôi từ việc nhận biết đúng thời điểm, nắm bắt cơ hội và không ngừng học hỏi. Ngay từ khi còn học tại trường, tôi đã nhận thức được đây sẽ là ngành tiềm năng và không thể thiếu trong tương lai. Từ đó, tôi đã mạnh dạn thử sức. Tuy nhiên, tôi thấy may mắn khi là một trong những người bắt đầu chinh phục thị trường này từ sớm nên sẽ có những lợi thế nhất định.
Theo tôi, ngành Thương mại điện tử sẽ còn phát triển hơn trong 5-10 năm tới, đặc biệt với sự kết hợp của công nghệ AI, blockchain và dữ liệu lớn (big data)”.
Theo ông Phi, ngành Thương mại điện tử mang đến nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Tại doanh nghiệp của ông, nhân sự thuộc ngành Thương mại điện tử thường đảm nhận các vị trí liên quan đến marketing số, vận hành nền tảng Thương mại điện tử hoặc phân tích dữ liệu người tiêu dùng. Thông thường, mức lương để chi trả cho nhân sự mới ra trường trong ngành này trung bình dao động từ 8-10 triệu đồng/ tháng đối với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, tùy vào năng lực của từng nhân sự, doanh nghiệp sẽ cân nhắc điều chỉnh mức lương tương xứng.
“Mặc dù tỷ lệ nhân sự Thương mại điện tử trong tổng số nhân sự của công ty chưa chiếm tỷ lệ quá lớn, nhưng tính riêng trong khối văn phòng, các vị trí này chiếm đến 50%. Từ đó, chúng ta cũng cần hiểu rõ được tầm quan trọng của ngành này trong một bộ máy hoạt động ở doanh nghiệp hiện nay”, ông Phi cho biết.
Để nâng cao trình độ chuyên môn và thu nhập, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Maxbuy Việt Nam nhấn mạnh 3 yếu tố mà sinh viên ngành Thương mại điện tử cần rèn luyện, trau dồi thường xuyên.
Thứ nhất, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các kiến thức được học trong trường cần được sinh viên áp dụng linh hoạt vào thực tế. Trong đó, những kỹ năng như quản lý và vận hành nền tảng Thương mại điện tử, phân tích dữ liệu và khả năng sử dụng các công cụ marketing kỹ thuật số vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi vào làm việc trực tiếp, quy trình vận hành nền tảng số của từng doanh nghiệp sẽ có sự khác biệt tùy thuộc vào quy mô hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, do đó, sinh viên cần trau dồi khả năng thích nghi nhanh và ứng biến linh hoạt.
Thứ hai, bên cạnh những kiến thức chuyên ngành được học trên trường, sinh viên cần chủ động hơn trong việc trau dồi, trang bị kỹ năng mềm. Trong đó, sinh viên đặc biệt chú trọng đến khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và tư duy sáng tạo. Bởi đây là một trong những yếu tố rất cần thiết và được sử dụng thường xuyên trong quá trình làm việc tại môi trường chuyên nghiệp.
Thứ ba, kỹ năng sử dụng mạng xã hội và khả năng đánh giá xu hướng thị trường là một trong những yếu tố then chốt giúp sinh viên có thể phát triển, thăng tiến trong lĩnh vực này. Hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm nhân sự có chuyên môn, mà còn cần những người có khả năng bắt kịp và thậm chí dẫn đầu các xu hướng mới. Do đó, sinh viên nên tham gia các dự án thực tế, các khóa học bổ sung từ sớm để tích lũy thêm kiến thức và kỹ năng.
“Hiện tại, tôi và doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trường Đại học Thương mại. Đặc biệt, tôi thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ, tập huấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Thông qua chương trình, sinh viên không chỉ hiểu rõ hơn về yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, mà còn được tạo cơ hội tiếp cận với những dự án thực tế ngay từ khi còn học.
Ngành Thương mại điện tử đang mở ra một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía sinh viên và nhà trường. Tôi tin, với định hướng đúng đắn, tinh thần học hỏi và khả năng thích ứng, sinh viên hoàn toàn có thể vươn xa hơn trong ngành này. Bởi trong bối cảnh thị trường hiện nay, cơ hội sẽ luôn rộng mở cho những ai sẵn sàng đón nhận và nắm bắt nó”, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Maxbuy Việt Nam bày tỏ.
Còn theo quan điểm của ông Phạm Hải Văn, cựu sinh viên khóa 41I3 thuộc chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại, hiện đang là Giám đốc Công ty Cổ phần Boxi và Công ty Cổ phần Quỹ Đầu tư BB Capital chia sẻ: “Hiện nay, Thương mại điện tử không còn là khái niệm mới mẻ mà đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống và hoạt động kinh doanh. Hầu hết các giao dịch mua bán đều được thực hiện qua mạng Internet. Đây cũng là ngành học tạo ra cơ hội việc làm rộng mở cho các bạn sinh viên”.
Theo ông Văn, với sự phát triển của các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến, sinh viên hoàn toàn có thể khởi nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường thông qua các mô hình kinh doanh online. Đây là hình thức kinh doanh không yêu cầu vốn lớn, không cần mặt bằng mà vẫn có thể mang lại thu nhập nếu các bạn trẻ biết nắm bắt cơ hội. Chưa kể, các bạn có thể tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội bằng cách sáng tạo nội dung bổ ích, thu hút người theo dõi. Sau đó, khi kênh chia sẻ phát triển ổn định, các bạn hoàn toàn có thể áp dụng hình thức tiếp thị liên kết (affiliate) thông qua hoạt động giới thiệu sản phẩm và hưởng hoa hồng trên số lượng người mua hàng.
“Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành Thương mại điện tử vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, số lượng sinh viên được đào tạo bài bản theo hệ chính quy trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các bạn phải tự bổ sung kiến thức hoặc chuyển đổi từ các ngành khác sang Thương mại điện tử.
Ngoài ra, mặc dù lĩnh vực này mang lại cơ hội việc làm rộng mở, nhưng để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, sinh viên cần trang bị nhiều kỹ năng, trong đó khả năng sáng tạo nội dung, quản lý kênh phân phối và khai thác các công cụ công nghệ là vô cùng quan trọng. Hiện nay, ngay cả những nhân sự lớn tuổi, có kinh nghiệm cũng phải trau dồi, thích nghi với các nền tảng công nghệ mới. Trong khi đó, các bạn trẻ có lợi thế hơn về khả năng nhạy bén, học hỏi nhanh để nắm bắt xu hướng, từ đó nghiên cứu được nhu cầu của khách hàng”, ông Văn nêu quan điểm.
Chia sẻ về quá trình học tập tại Trường Đại học Thương mại, ông Văn cho biết, bản thân là một trong những sinh viên khóa đầu tiên được đào tạo bài bản về Thương mại điện tử tại Việt Nam. Năm 2005, ngành này còn rất mới mẻ và chưa nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi tham gia học tại nhà trường, anh cùng các bạn học đã được tiếp cận với những mô hình Thương mại điện tử tiên tiến từ nước ngoài.
“Tôi cảm thấy may mắn khi được học và nghiên cứu những mô hình Thương mại điện tử từ rất sớm. Đây chính là cơ sở giúp tôi quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực này và đạt những thành tựu nhất định như hiện tại. Do đó, tôi cùng nhiều cựu sinh viên khác đã từng khởi nghiệp đều gắn bó với nhà trường để hỗ trợ sinh viên trong quá trình kiến tập, thực tập.
Với mong muốn giúp các em được cọ xát trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, trên vai trò là đơn vị sử dụng lao động, tôi khuyến khích sinh viên nên trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết để sẵn sàng bước vào thị trường lao động và tăng sức cạnh tranh”, ông Văn bày tỏ.