Hội là dịp để người dân làng La Phù tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi.
Theo truyền thuyết xưa kia trước khi lên đường đi đánh giặc, Tĩnh Quốc Tam Lang lại mổ lợn, thổi xôi khao quân, người dân trong làng thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng Làng.
Ông được Vua Lê Đại Hành, Vua Trần Thái Tông, Vua Lê Thái Tổ và Vua Quang Trung ban sắc phong. Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng.
Từ đó, cứ đến ngày 13 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân và tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.
"Ông lợn" trên kiệu để rước ra Đình làng. Ảnh: Tùng Dương. |
Ngay từ đầu năm, mỗi xóm chọn một gia đình, nhà đó phải là người có đức, tài, con cái trong nhà phải có đủ gái và trai, không có tang, kinh tế khá giả, để nuôi lợn phục vụ cho Hội rước.
Thường thì vào tháng 2 hàng năm, các xóm sẽ chọn lợn, tiêu chuẩn lợn phải cân đối, đẹp mã và nặng khoảng 30 kg. Lợn từ lúc nuôi được dân làng gọi là “ông lợn”,chi phí nuôi được cả xóm đó góp lại.
Những “ông lợn” được nuôi theo chế độ ăn đặc biệt như trứng, cháo gạo nếp, rau củ tươi. Cám phải là cám gạo trộn với ngô xay hoặc gạo nếp được nấu chín, khi cho ăn rau cũng phải được rửa sạch, chậu ăn và chuồng nuôi luôn được phun rửa.
“Ông lợn” được tắm rửa hàng ngày, được mắc màn chống muỗi, lắp cả quạt mát khi trời nóng. Mùa đông thì tắm ít hơn(bằng nước ấm), những hôm trời quá lạnh thì phải đốt lò than sưởi.
Nếu có “ông lợn” nào bỏ ăn, ốm là gia đình được chọn nuôi phải mang lễ ra Đình làng cầu khấn mong “ông lợn” khỏe lại.
Đặc biệt trước ngày Hội, “ông lợn” sẽ được ăn cháo chay để đảm bảo thanh tịnh, thường thì đến lúc tế lễ trọng lượng mỗi “ông lợn” khoảng 300 kg.
Người dân trong làng trang trí "ông lợn" chuẩn bị dự thi. Ảnh: Tùng Dương. |
Đầu giờ chiều ngày 13 tháng Giêng, các bô lão sẽ đến làm lễ tại nhà người nuôi “ông lợn” và tắm rửa sạch sẽ cho ông. Những người hóa kiếp “ông lợn” không được dùng dây trói mà phải dùng tay để giữ, sau đó đặt lên chiếc kiệu và tạo dáng như lúc còn sống.
Mỗi người dân trong xóm đều góp sức vào việc trang trí, từ tỉa hoa, tô son, làm mắt, tai cho đến bóc những tấm mỡ lá để phủ lên mình lợn, mỗi người một việc và ai cũng vui vẻ.
Mỗi xóm trang trí “ông lợn” theo một cách khác nhau nhưng phải oai phong, đẹp nhất thì mới mong giật giải của làng.
Điều không thể thiếu là toàn bộ lòng, nội tạng của “ông lợn” cũng được luộc chín và xếp gọn vào trong bụng.
Từ chập tối, các làng rước “ông lợn” ra Đình, có 10 xóm tham gia vào lễ Hội với 17 “ông lợn”, sở dĩ có 17 ông là vì có xóm đông người nên nuôi 2 “ông lợn”.
Theo lệ, xóm nào gần Đình làng sẽ rước trước, xa rước sau và cứ đi chậm chậm ra đình, xóm này nối xóm kia, mỗi đội rước được sắp xếp tuần tự: Đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân và một tốp múa sênh tiền.
Tiếp theo sẽ là bàn với đủ đồ thờ như đèn, hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến đòn khiêng mâm xôi, cuối đoàn là kiệu của "ông lợn" được khiêng bởi những thanh niên được tuyển chọn trong làng.
Tất cả nội tạng của "ông lợn" đều được luộc chín và đưa lại vào bụng. Ảnh: Tùng Dương. |
Trước mỗi đoàn rước "ông lợn" đều có đoàn nhạc với kèn, sáo và trống. Ảnh: Tùng Dương. |
Hội rước "ông lợn" trong không khí thành kính, trang nghiêm. Ảnh: Tùng Dương. |
Các xóm rước "ông lợn" tập trung tại cửa Đình đợi đến lượt được vào. Ảnh: Tùng Dương. |
Từng kiệu rước "ông lợn" tiến vào trong Đình làng. Ảnh: Tùng Dương. |
Mỗi "ông lợn'" có trọng lượng trên dưới 300 kg. Ảnh: Tùng Dương. |
Các kiệu rước "ông lợn" tại sân đình làng La Phù. Ảnh: Tùng Dương. |
Trong đám rước "ông lợn" không thể thiếu kiệu khiêng quả xôi. Ảnh: Tùng Dương. |
Các thiếu niên xã La Phù với điệu múa sênh tiền trong hội rước. Ảnh: Tùng Dương. |
Các vị bô lão trong làng làm lễ tại hội rước "ông lợn" đêm 13 tháng Giêng. Ảnh: Tùng Dương. |
Những "ông lợn" đợi đến lượt vào lễ tại hậu cung của Đình. Ảnh: Tùng Dương. |
21h ngày 13 tháng Giêng, các “ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của các bậc cao niên.
Khi vào trong đình, các kiệu rước “ông lợn” được bày quay ngang trước cửa hậu cung, đợi các bô lão trong làng làm lễ và chấm giải.
12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế kéo dài đến 2h sáng hôm sau. Khi làm lễ xong, các xóm sẽ rước “ông lợn” trở lại nhà và chia lộc cho các gia đình.
Tiêu chí chấm giải là "ông lợn" nào to, trang trí đẹp, oai vệ sẽ đoạt giải của làng.
Thông tin cần biết: 1. Làng La Phù thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lễ Hội tổ chức vào 18h tối ngày 13 Tết hàng năm. 2. Làng La Phù cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km. Từ Hà Nội đi qua cầu Hà Đông, rẽ phải đi thẳng khoảng 10 km là đến làng. |