“Bước đột phá mới”
Học kỳ I năm nay, ở bậc THPT nhiều môn cơ bản học sinh toàn tỉnh Quảng Ngãi thi theo đề chung của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi. Điểm đáng chú ý nhất là việc tổ chức thi môn Ngoại ngữ Tiếng Anh lớp 10. Mọi năm, học sinh chỉ thi viết (bao gồm ngữ pháp và đọc hiểu), thì nay thêm hai kỹ năng nữa là nghe và nói.
Đây là chủ trương đổi mới cách dạy và học môn ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thi môn ngoại ngữ bậc THPT theo hình thức mới.
Phần thi viết môn tiếng Anh tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) |
Dư luận chung cho rằng sự thay đổi này là cần thiết, là một hướng đi tốt.
“Những năm trước, chỉ kiểm tra, đánh giá kiến thức ngoại ngữ của học sinh (ngữ pháp và đọc hiểu)”, thầy giáo Nguyễn Trọng Nguyễn, giáo viên ngoại ngữ trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nói. “Còn theo hình thức mới thì không chỉ đánh giá kiến thức mà quan trọng hơn là nhằm đánh giá năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh”.
Việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá sẽ tác động tích cực đến việc đổi mới cách dạy ngoại ngữ của giáo viên và cách học ngoại ngữ của học sinh. Từ chỗ học sinh chỉ học để thi, thậm chí là học để… đối phó với giáo viên, thì bây giờ học sinh được rèn luyện năng lực sử dụng ngoại ngữ để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
“Em nghĩ cách thi này nói chung là tốt, giúp cho chúng em có kỹ năng Tiếng Anh toàn diện, có thể giao tiếp được trong thực tế”. Em Trương Thị Mỹ Dung, học sinh lớp 10A4, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nói. “Nhưng em thấy cách thi này hơi khó cho học sinh chúng em”, Dung cho biết thêm.
Trên mạng xã hội Facebook cũng có nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ cách thi mới.
Một bạn có tên facebook là Cá Hồi, hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh, cho rằng đây là “một bước đột phá mới trong giảng dạy bộ môn ngoại ngữ”.
“Giai đoạn đầu có lẽ sẽ có khó khăn cho học sinh về giao tiếp (nhìn chung là điểm yếu của học sinh các tỉnh lẻ)”, Cá Hồi viết, “nhưng khi đã bắt đầu và được tạo tiền đề vững chắc lúc còn học ở bậc phổ thông thì sau này sẽ dễ dàng cho các em học môn này ở các bậc học như: cao đẳng, đại học...và xin việc sau này”.
Một bạn khác có tên facebook là Huyen Huyen Tran cũng đồng quan điểm với bạn Cá Hồi, khi cho rằng “học sinh từ tỉnh lên có kỹ năng nói tiếng Anh, giao tiếp rất tệ”, và cách thi mới sẽ có tác dụng tốt để rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.
Bình luận của một thành viên trên mạng xã hội Facebook |
Thầy và trò đều… lúng túng
Do là lần đầu tổ chức thi môn ngoại ngữ theo hình thức mới nên bên cạnh những ghi nhận tích cực cũng còn một số bất cập, cần có thời gian để hoàn thiện hơn. Nhiều học sinh và ngay cả một số giáo viên cảm thấy bỡ ngỡ với cách thi mới. Dù Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã có công văn thông báo trước cho các trường về sự thay đổi này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thời gian chuẩn bị như vậy là còn ít.
Thầy Nguyễn Trường Trang, giáo viên trường THPT Vạn Tường (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng cách thi mới là tốt nhưng khâu tổ chức có phần gấp gáp, chưa có sự chuẩn bị thỏa đáng, nên hiệu quả chưa cao.
“Theo tôi, việc này cần phải được thông báo trước đến giáo viên và học sinh, ít nhất là một năm”, thầy Trang nói.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế cũng ảnh hưởng không ít đến kỳ thi. Theo lời thầy Trang, do số máy cát-xét ít, trường phải đi mượn thêm, nhưng cũng phải chia thành 4 ca nối tiếp nhau để thi phần kỹ năng nghe.
Số lượng giáo viên ngoại ngữ ít so với số lượng học sinh dự thi dẫn đến phần thi kỹ năng nói (kỹ năng sử dụng ngôn ngữ) kéo dài, làm cho học sinh mệt mỏi vì chờ lâu.
Thi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng |
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có 13 giáo viên ngoại ngữ, trong đó có 2 cô giáo nghỉ sinh, còn lại 11 người làm công việc tổ chức thi phần kỹ năng nói cho hơn 400 học sinh, trung bình mỗi giáo viên phải “phỏng vấn” khoảng 40 học sinh. Buổi thi bắt đầu lúc 13h nhưng đến 17h vẫn chưa xong phần thi kỹ năng cuối cùng trong bốn kỹ năng: viết, đọc, nghe, nói. Được biết trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi) thì tỉ lệ thí sinh dự thi trên mỗi giáo viên ngoại ngữ còn lớn hơn.
Đề thi chưa hợp lý
Một số học sinh cho rằng đề thi của phần kỹ năng nói đã “làm khó” các em. Em Trương Thị Mỹ Dung, học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng nói “em thấy chủ đề nói về bản thân thì dễ nói, còn chủ đề về phương tiện tuyền thông thì em không hiểu lắm, và chúng em cũng thiếu vốn từ nữa”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Trà, một giáo viên ngoại ngữ làm giám khảo cuộc thi, cho rằng các chủ đề của phần thi nói có mức độ dễ, khó khác nhau, không tương đương về độ khó. Vì vậy, em nào “may mắn” bốc thăm trúng chủ đề dễ thì sẽ thuận lợi, còn em nào bốc trúng chủ đề khó là gần như “bó tay”! Cô cũng cho rằng chủ đề về “phương tiện truyền thông” trong đề thi là khó đối với đa số học sinh.
“Các em không hiểu được chủ đề phương tiện truyền thông. Nếu cho học sinh trình bày chủ đề này bằng tiếng Việt, tôi nghĩ các em cũng chưa chắc nói được, huống chi là trình bày bằng tiếng Anh (!)” Cô Trà bình luận.