Khu vực Đông Nam Á, với vị trí địa chiến lược quan trọng của mình, luôn là tâm điểm của sự can dự và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 vừa kết thúc tại Singapore sẽ được nhớ đến như một sự kiện tầm cỡ khu vực mà ở đó quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cho thấy những diễn biến căng thẳng, phức tạp.
Bài viết sẽ cung cấp một số nhận định về việc làm thế nào để các nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục thể hiện được vai trò của mình trong bối cảnh trật tự khu vực và quốc tế không ngừng biến động.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Anh, Singapore, New Zealand và Malaysia họp bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 1/6 (Ảnh: Straitstimes). |
Sự can dự của Mỹ-Trung ở khu vực Đông Nam Á
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2019, quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan muốn khẳng định rằng Mỹ là “người nhà” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á là tâm điểm.
Ông Shanahan đã đề cập tới vị trí địa lý chung và sự hiện diện tự nhiên của Mỹ tại khu vực.
Quyền Bộ trưởng Shanahan cho biết: “Chúng tôi là một nước Thái Bình Dương. Chúng tôi là một cường quốc tại đây với các mối liên kết sâu sắc về kinh tế, văn hóa và con người, gắn kết chặt chẽ với sự tăng trưởng và sức mạnh của khu vực năng động nhất thế giới này”.
Đối với Trung Quốc, Đông Nam Á là khu vực địa chính trị trọng yếu và là một phần thiết yếu trong vấn đề nan giải về khái niệm trật tự khu vực của Trung Quốc được thể hiện trong chiến lược Vành đai và con đường (BRI).
Cũng với những lý do địa chính trị quan trọng tương tự, Nhật Bản cũng coi Đông Nam Á là khu vực mà họ có lợi ích chiến lược.
Ngoài việc Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng cường đáng kể hợp tác an ninh với các nước trong khu vực này.
Tần suất các chuyến thăm cấp cao giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Kết thúc Đối thoại Shangri-la 2019, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng |
Ở Mỹ, chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama đã xác định các nước thành viên ASEAN là một trong những mục tiêu hợp tác mạnh mẽ hơn.
Dựa trên sự tái cân bằng này, Mỹ đã tuyên bố rằng sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác mới bên cạnh các liên minh truyền thống trong khu vực như Philippines và Thái Lan.
Hiện tại, các nước Đông Nam Á đang bị mắc kẹt trong hai chiến lược Vành đai và con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở do bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ dẫn dắt.
Các nước Đông Nam Á không thể lựa chọn
Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không nên kéo theo việc gây sức ép, buộc các nước nhỏ phải lựa chọn đứng về một trong hai bên.
Nhắc lại lịch sử thuộc địa kéo dài gần 200 năm của khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết các nước nhỏ không muốn chịu sức ép về việc phải đứng về phía nào trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
“Tôi nhắc lại lịch sử để chứng minh rằng Đông Nam Á không xa lạ với trò chơi lớn của các nước và cũng để đưa ra một số góc nhìn lịch sử cho bối cảnh chiến lược hiện nay”.
Đông Nam Á chiếm một vị trí quan trọng về mặt địa chính trị như một ngã ba giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Khu vực này cũng bao gồm các tuyến đường biển quốc tế lớn như Biển Đông và eo biển Malacca.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không nên kéo theo việc gây sức ép, buộc các nước nhỏ phải lựa chọn đứng về một trong hai bên (Ảnh: Reuters). |
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết lập trường của Singapore đối với chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc cũng như chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Mỹ là công bằng và nhất quán.
Nhà lãnh đạo Singapore cho rằng các chương trình phát triển của Mỹ và Trung Quốc, cũng như các sáng kiến hợp tác khu vực khác nên củng cố thay vì chia rẽ, các mối quan hệ trong khu vực.
Trong các tranh chấp với các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc đã dùng sức mạnh kinh tế của nước này để theo đuổi chính sách “chia để trị”.
Lịch sử cho thấy chính sách này của Trung Quốc đã gây nên những cuộc xung đột không đáng có bên trong nội khối ASEAN khi nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung để phản ứng trước những động thái chèn ép của nước này.
Tháng 7/2012, khi Campuchia đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN không ra được tuyên bố chung do có những bất đồng về giải quyết vấn đề.
Cạnh tranh Mỹ-Trung hiện đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng và trở nên phức tạp, các nước thành viên ASEAN cần nhận thức được tầm quan trọng của mình là một khối khu vực, có vị trí năng động về địa chính trị toàn cầu.
Thực tế là không có quốc gia nào thực sự chiếm ưu thế trong khối ASEAN và không có quốc gia nào trong ASEAN có sức mạnh độc lập về địa chính trị chiến lược được lắng nghe trên thế giới.
ASEAN là cách duy nhất cho một nhóm các nước tương đối nhỏ tập hợp thành một cường quốc trung gian trên thế giới.