LTS: Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, diễn đàn an ninh khu vực quan trọng nhất vừa kết thúc chiều qua 5/6. Diễn đàn năm nay để lại nhiều dư âm xung quanh những căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là phát biểu của trưởng đoàn Trung Quốc ông Tô Kiến Quốc, cũng như hoạt động của đoàn này trong khuôn khổ đối thoại.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử bài phân tích của ông về sự kiện này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Vài năm trở lại đây, Biển Đông luôn là chủ đề nóng bao trùm các kỳ Đối thoại Shangri-la vì những hành vi leo thang, phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các siêu cường, năm nay cũng không có gì khác. Trước khi Đối thoại Shangri-la diễn ra, đã có những học giả nhận định lập trường của Trung Quốc sẽ không có gì thay đổi.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ảnh do ông cung cấp. |
Do đó mọi sự chú ý đổ dồn về phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó nổi bật nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản - hai quốc gia đặc biệt quan tâm, lo ngại trước hành vi chà đạp luật pháp quốc tế, phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đồng thời dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến lập trường của Việt Nam với tư cách bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ và một phần, đang bị Bắc Kinh quân sự hóa nhanh chóng thành các pháo đài quân sự kiên cố.
Vừa hợp tác, vừa đấu tranh
Theo dõi bài phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và là trưởng đoàn tham gia Đối thoại Shangri-la năm nay, kể cả trong phát biểu chính thức lẫn trả lời báo chí, người viết nhận thấy nổi lên mấy điểm đáng chú ý.
Thứ nhất là những căng thẳng leo thang trên Biển Đông theo đánh giá của đoàn Việt Nam là do những khác biệt về lợi ích, tham vọng và cạnh tranh chiến lược theo hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp; Nói một đằng làm một nẻo, sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp; Cách hành xử áp đặt vì lợi ích vị kỷ hẹp hòi, không tính đến lợi ích các nước khác cũng như khu vực và quốc tế.
Thứ hai, ông Vịnh đã làm rõ hơn quan điểm vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc trong việc đảm bảo hòa bình ổn định, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. Đài BBC ngày 5/6 bình luận: "Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên cụm từ ‘đấu tranh’ được đặt bên cạnh 'hợp tác' trong bài phát biểu của người đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng của Việt Nam."
Lần đầu tiên tại một kỳ Đối thoại Shangri-la, trưởng đoàn Việt Nam đã làm rõ hơn lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông, tranh chấp song phương thì có thể giải quyết bằng đàm phán song phương. Còn các tranh chấp đa phương, bắt buộc phải giải quyết thông qua cơ chế đa phương với sự có mặt của tất cả các bên liên quan.
Đây là một bước mới cụ thể hóa các nguyên tắc xử lý tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông mà Việt Nam chủ trương.
Quan trọng hơn là ông Vịnh nhấn mạnh, dù hợp tác hay đấu tranh cũng phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và lấy đó làm chuẩn mực để giải quyết tranh chấp, bất đồng, giảm nguy cơ xung đột.
Tướng Vịnh khẳng định, nước nào cũng đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở (pháp lý) vững chắc và cần đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các nước khác, khu vực và quốc tế.
Người viết đánh giá cao nhận định này. Vấn đề còn lại là làm sao để triển khai, áp dụng hiệu quả vào thực tế.
Trả lời báo điện tử Zing ngày 5/6, tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Trong đấu tranh Việt Nam phải giữ vững quan điểm chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc là tiên quyết. Cơ sở để đấu tranh là luật pháp quốc tế, trên tinh thần xây dựng và tìm ra giải pháp các bên chấp nhận được."
Thứ ba, nhấn mạnh khía cạnh hợp tác với Trung Quốc. Trong bài phát biểu chính thức ông Vịnh cho biết: "Vẫn phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan nhằm xây dựng và củng cố lòng tin, tìm ra những điểm chung trong lợi ích chiến lược, đồng thời thẳng thắn đấu tranh trên tinh thần xây dựng."
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời báo chí quốc tế bên lề Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, ảnh: BBC. |
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Zing, tướng Vịnh nói rõ hơn: "Chúng ta hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề trên bộ, biên phòng, hợp tác trao đổi nghiên cứu chiến lược, hợp tác về đào tạo, gìn giữ hòa bình…
Việt Nam và Trung Quốc cũng hợp tác tuần tra chung về hải quân và cảnh sát biển trên vùng Vịnh Bắc Bộ là vùng biển đã được phân định. Đây đều là những hợp tác hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cả 2 bên."
Tuy nhiên, người viết còn cảm thấy băn khoăn rằng làm sao để hợp tác không triệt tiêu đấu tranh hoặc ngược lại, bởi lẽ Trung Quốc thì muốn chỉ tập trung vào các vấn đề hợp tác, còn lại đưa tranh chấp Biển Đông về đàm phán song phương với từng nước, gạt ASEAN cũng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước có lợi ích ở Biển Đông ra ngoài.
Đối thoại Shangri-la là một diễn đàn an ninh mở có sự tham gia của hầu hết các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các cường quốc toàn cầu. Bởi vậy cá nhân tôi cho rằng đây là môi trường cực kỳ thuật lợi cho đối thoại, cho chúng ta triển khai các hoạt động "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Đây cũng là diễn đàn quan trọng cho các bên thể hiện lập trường của mình, lắng nghe quan điểm các nước khác trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo vệ hòa bình ổn định, tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nhưng đã có những cơ hội bị bỏ lỡ.
Thứ nhất, Đối thoại Shangri-la đã bỏ lỡ cơ hội đối thoại, tranh luận về cách diễn giải luật pháp quốc tế.
Tướng Vịnh cho biết: "Hiện nay, ai cũng nói về luật pháp quốc tế, nhưng vì sao nó không được thực hiện? Lý do đầu tiên nằm ở cách hiểu và diễn giải luật pháp khác nhau, có thể do vô tình, nhưng thường là do cố ý diễn giải để có lợi cho mình."
Người viết cho rằng nhận định này rất chính xác.
Trung Quốc họ vẫn khăng khăng nói rằng, các hành động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và thậm chí kéo vũ khí ra Hoàng Sa, Trường Sa là "hợp pháp, chính đáng trong khu vực chủ quyền" của họ, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ mới là bên gây căng thẳng ở Biển Đông.
Theo tường thuật của đài VOA ngày 4/6, ông Giả Khánh Quốc, một học giả Trung Quốc đã phát biểu tại Đối thoại Shangri-la cùng ngày:
"Chính nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã làm cho căng thẳng leo thang qua việc đưa máy bay quân sự và chiến hạm tiến vào khu vực gần lãnh thổ của các nước khác dưới danh nghĩa “tự do hàng hải".
Tại sao lại tập trung chú ý vào Trung Quốc trong lúc các nước khác cũng có những hoạt động lấp biển lấy đất tại những hòn đảo có tranh chấp?"
Câu hỏi của ông Khánh về việc tại sao dư luận tập trung lên án Trung Quốc về hành vi bồi đắp đảo nhân tạo mà không phải các nước khác thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, tướng Nguyễn Chí Vịnh và nhiều học giả quốc tế đã trả lời, xin không nhắc lại.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm nay. Ảnh: AP. |
Nhưng lập luận của ông Khánh về cái gọi là việc đưa máy bay quân sự và chiến hạm tiến vào khu vực gần lãnh thổ của các nước khác dưới danh nghĩa “tự do hàng hải" thì chưa thấy ai làm rõ.
Tạm gác vấn đề "chủ quyền, lãnh thổ" của các thực thể này thuộc về nước nào sang một bên, Hoa Kỳ nên giải thích rõ căn cứ pháp lý của các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông thời gian qua để Trung Quốc và dư luận thấy rõ, Trung Quốc họ đã vi phạm điều khoản nào trong luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Lâu nay Trung Quốc vẫn cố tình nhập nhằng, đánh tráo khái niệm "yêu sách chủ quyền" với "yêu sách hàng hải".
Những vấn đề Mỹ và khu vực đang đề cập đến trong Đối thoại Shangri-la lần này là thuộc phạm trù áp dụng, giải thích UNCLOS, đặc biệt là quy chế các vùng biển áp dụng cho những thực thể tranh chấp ở Biển Đông có hay không lãnh hải 12 hải lý, có hay không vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, tàu chiến máy bay quân sự qua lại những khu vực này theo quy định nào...
Tất cả không liên quan gì đến "yêu sách chủ quyền, lãnh thổ". Tiếc rằng điều này đã bị bỏ qua.
Thứ hai, bỏ lỡ cơ hội bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bảo vệ UNCLOS và phán quyết của PCA
Các bên đều nhấn mạnh sự cấp bách và cần thiết của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Vậy thì vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA tới đây sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS ở Biển Đông, thu hẹp đáng kể tranh chấp. Phán quyết của PCA có ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện Biển Đông, cần những cuộc đối thoại và làm rõ.
Tuy nhiên Đối thoại Shangri-la lần này đã thiếu những tiếng nói mạnh mẽ và thuyết phục bảo vệ UNCLOS, bảo vệ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông hết sức phức tạp, diễn biến khó lường.
Cá nhân người viết cho rằng, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn rất tốt cho Việt Nam, Philippines và các bên liên quan nêu bật ý nghĩa, giá trị, vai trò và ứng dụng của UNCLOS ở Biển Đông.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng các học giả quốc tế phân tích ý nghĩa, vai trò của các biện pháp xử lý, giải quyết tranh chấp trong việc áp dụng và giải thích UNCLOS bao gồm giải quyết thông qua cơ quan tài phán, trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS của các thành viên Công ước, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội này.
Rõ ràng Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm vụ kiện từ "giải thích và áp dụng UNCLOS" sang "tranh chấp chủ quyền", rõ ràng Trung Quốc chà đạp UNCLOS bằng yêu sách đường lưỡi bò với lập luận về "quyền lịch sử", một khái niệm mơ hồ không có trong luật pháp quốc tế.
Tại những diễn đàn an ninh khu vực quan trọng như Đối thoại Shangri-la, các bên cần phải tự mình làm rõ, đồng thời yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò.
Mặt khác đó cũng là cơ hội để phản bác các lập luận sai trái của họ, đặc biệt là Việt Nam với tư cách là một bên liên quan bị tác động và ảnh hưởng trực tiếp bởi việc này.
Giải pháp trọng tài quốc tế và cụ thể là vụ kiện của Philippines cũng như phán quyết của PCA không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà còn có lợi cho cả khu vực và cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS để xử lý tranh chấp, thu hẹp đáng kể tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội quý.
Thứ ba, bỏ lỡ cơ hội làm rõ hành vi leo thang quân sự hóa, phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông
Tại Đối thoại Shangri-la năm nay cá nhân người viết thấy rằng mới chỉ có những câu trả lời mang tính nguyên tắc chung từ Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và tướng Nguyễn Chí Vịnh xung quanh lập luận của Trung Quốc rằng, các bên yêu sách ở Trường Sa cải tạo trước, họ làm sau, tại sao lại chỉ lên án Trung Quốc.
Ông Tôn Kiến Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-la năm nay, ảnh: Reuters / BBC. |
Tuy nhiên bản chất những hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông như bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa tạo thành các tiền đồn quân sự, phá hủy nghiêm trọng hệ môi trường sinh thái, đe dọa an ninh hàng hải hàng không, đe dọa không gian an ninh quốc gia và phòng thủ của các nước ven Biển Đông thông qua việc kéo máy bay, tên lửa, ra đa quân sự cao tần ra các thực thể này thì chưa được quan tâm đúng mức.
Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, chúng ta vì lý do nào đó chưa dám nói thẳng chính Trung Quốc gây ra các hành động này, trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước không có yêu sách trực tiếp ở Biển Đông lại chỉ rõ Trung Quốc là thủ phạm, đó là sự thật mười mươi.
Điều này về mặt đối nội sẽ khiến dư luận băn khoăn không biết chúng ta sẽ "đấu tranh" với Trung Quốc như thế nào khi những vấn đề hết sức cụ thể, nóng hổi và cấp bách lại không được đề cập, nước nào quân sự hóa Biển Đông không được chỉ rõ.
Về mặt đối ngoại, điều này có thể làm cho các nước muốn hợp tác với chúng ta để bảo vệ hòa bình ổn định, tự do hàng hải hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, hoạt động gắn liền với lợi ích sát sườn của Việt Nam, phải lăn tăn, không biết chúng ta suy nghĩ và tính toán như thế nào.
Cũng xin khẳng định rõ, Việt Nam không theo nước này chống nước kia, Việt Nam không chống Trung Quốc.
Việt Nam cũng như bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới có trách nhiệm phải bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế trong khu vực, ở đây cụ thể là Biển Đông.
Những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông cần phải lên án và chống lại, điều đó không có nghĩa là "chống Trung Quốc". Điều này được phản ánh quá rõ trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Phê phán đúng đối tượng và hành vi một cách khách quan, xây dựng trên tinh thần luật pháp quốc tế thay vì nói chung chung thiết nghĩ đó mới là biểu hiện cụ thể nhất của phương châm "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Chúng ta không để hợp tác triệt tiêu mất đấu tranh vì điều đó chính là cái bẫy Trung Quốc đang muốn chúng ta hướng tới, nó có thể dẫn đến những bất lợi cho chúng ta như tướng Vịnh cũng đã lưu ý.
Còn ai đó lo ngại rằng, hiện nay các nước mới chỉ nhấn mạnh đấu tranh với Trung Quốc mà quên mất hợp tác, cá nhân người viết cho là chưa phản ánh đúng thực tế.
Việt Nam vẫn hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực hai nước có chung quan tâm và lợi ích, Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng vậy. Biểu hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ quốc tế ngày nay là khá rõ nét. Không quốc gia nào có thể một mình một chiếu, đóng cửa không chơi với ai.
Trong vấn đề Biển Đông, biểu hiện của hợp tác cũng rất rõ ràng, đó là những hoạt động đối thoại song phương giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ, hay Trung Quốc với các bên liên quan, Hoa Kỳ với các bên liên quan làm sao để tránh xung đột đối đầu, tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp và chống leo thang, chống bành trướng.
Đối thoại Shangri-la hay các diễn đàn đối thoại khác trong khu vực về Biển Đông là một ví dụ tiêu biểu cho hợp tác.
Bỏ lỡ cơ hội thứ tư, bác bỏ chính thức yêu sách "chủ quyền" phi lý và chiêu trò đánh tráo khái niệm của Trung Quốc
Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn |
Trong phát biểu chính thức tại Đối thoại Shangri-la, tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất."
Tuy nhiên trước thông tin Trung Quốc cho người phát tờ rơi là một tập tài liệu mỏng bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc về các dữ kiện lịch sử mà nước này nhiều lần nêu ra để chứng minh cho yêu sách "chủ quyền" của họ với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội phản bác và làm rõ âm mưu đó, bất luận ai rải truyền đơn.
Tướng Vịnh trả lời BBC về việc này rằng: "Tôi chưa nghiên cứu và cũng chưa biết chắc ai làm việc này, nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế vì đây [Đối thoại Shangri-La] là diễn đàn mở, công khai minh bạch và tất cả các nước đều lắng nghe nhau một cách tôn trọng."
Theo ông: "Nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ của mình thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch trước cộng đồng thế giới, tốt hơn là phát các tờ rơi, nhất là các tờ rơi gây tranh cãi".
Người viết chia sẻ với tướng Vịnh rằng, hành động phát tờ rơi ấy là không đàng hoàng, không phù hợp, không minh bạch. Thậm chí cá nhân tôi tin là, có thể nhiều người Việt Nam chúng ta coi đây là hành động "tiểu nhân", không đáng mặt nước lớn, hay "không thèm chấp".
Tuy nhiên trên bình diện quan hệ quốc tế người viết cho rằng, trong trường hợp này Việt Nam cần lập tức có tiếng nói phản đối ngay tại Đối thoại Shangri-la với 2 nội dung:
Một là Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phản đối nội dung nêu trong tờ rơi, bất luận do ai tung ra cho các đại biểu dự hội nghị. Những nội dung tờ rơi này là bịa đặt, xuyên tạc sự thật và không có giá trị.
Hai là, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn an ninh quan trọng của khu vực, thậm chí là toàn cầu, là nơi các nước chia sẻ lập trường của mình, lắng nghe quan điểm của các nước khác về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông và nóng nhất cũng là Biển Đông.
Tuy nhiên, nội dung, đối tượng cần làm rõ về Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la hay các diễn đàn tương tự, không phải là tranh chấp chủ quyền, mà là việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, giải thích và áp dụng luật pháp.
Do đó bất kỳ nước nào tranh thủ các diễn dàn này để tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền là không phù hợp, làm rối trọng tâm thảo luận và không tìm ra được chìa khóa giải quyết vấn đề.
Người viết cho rằng, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" hiệu quả với Trung Quốc, bảo vệ được hòa bình và ổn định, đồng thời đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán và nói chuyện đúng trọng tâm, tránh được cái bẫy tảng lờ, đánh tráo khái niệm của họ.
Thiết nghĩ đó cũng là cách chúng ta bảo vệ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung một cách văn minh nhất, hiệu quả nhất mà không gây phương hại tới các lợi ích khác.
Đó cũng là cách thiết thực nhất để tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân về chiến lược, sách lược bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc trên Biển Đông.
Tất nhiên đó cũng mới là cách để bạn bè khu vực và quốc tế hiểu đúng về chúng ta, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.