Donetsk và Luhansk hôm 12/5 đã tuyên bố là một quốc gia có chủ quyền dựa trên kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng khu vực này một ngày trước đó, trong đó gần như toàn bộ người dân tham gia bỏ phiếu đều trả lời là "có" cho câu hỏi "Bạn có ủng hộ hành động thành lập nhà nước tự chủ không?"
Tại buổi công bố kết quả trưng cầu dân ý, Denis Pushilin - lãnh đạo của "Cộng hòa nhân dân Donetsk" cho biết Donetsk hiện đã là một nhà nước độc lập và sẽ đệ đơn gia nhập Liên bang Nga.
Xe bọc thép với các tay súng ủng hộ Nga tuần hành trên đường phố Slaviansk. |
"Người dân Donetsk luôn luôn là một phần của Nga. Đối với chúng tôi, lịch sử của Nga là lịch sử của chúng tôi. Dựa trên ý chí của người dân và sự khôi phục lịch sử, chúng tôi yêu cầu Liên bang Nga xem xét đề nghị sáp nhập Cộng hòa nhân dân Donetsk vào Liên bang Nga", Pushilin nói.
Tại Luhansk, các nhà lãnh đạo khu vực này cho biết họ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc gia nhập Liên bang Nga giống như Crimea.
Donetsk và Luhansk có 6,5 triệu dân tạo ra khoảng 1/3 sản lượng công nghiệp của Ukraine. Những người đòi ly khai ở Donetsk cho biết, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hơn 80% cử tri ủng hộ độc lập, trong khi tỷ lệ này ở Luhansk là hơn 96%.
Chính phủ Kiev và đồng minh phương Tây tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý mà họ cho rằng thiếu cơ sở pháp lý và minh bạch. Kiev cũng đã bày tỏ quyết tâm ngăn chặn ly khai làm dấy lên lo ngại rằng có thể đẩy Ukraine rơi vào một cuộc nội chiến hoặc một cuộc xung đột với láng giềng Nga.
Không giống như ở Crimea, Moscow đã không công nhận tuyên bố độc lập của Luhansk và Donetsk, cũng như im lặng trước đề nghị xin gia nhập Liên bang Nga của họ. Tổng thống Vladimir Putin thậm chí hồi cuối tuần vừa qua còn kêu gọi hoãn cuộc trưng cầu dân ý ly khai.
Người biểu tình Đông Ukraine ủng hộ ly khai. |
Tuy nhiên, Moscow hôm 12/5 nhấn mạnh rằng dự định sử dụng các kết quả của cuộc trưng cầu để gây áp lực lên chính phủ tại Kiev để họ thừa nhận rằng những người biểu tình ly khai ở Đông Nam Ukraine là một đại diện hợp pháp trong các cuộc đàm phán quốc tế về việc giải quyết khủng hoảng tại quốc gia này. Moscow cũng cáo buộc chính phủ Kiev thiếu sự sẵn sàng đối thoại với người dân của họ.
Thị trưởng của Slaviansk, một thành phố nhỏ ở khu vực Donetsk nhưng là trung tâm của chiến dịch trấn áp người biểu tình ly khai của Kiev, cho biết quân đội Ukraine hiện đang chiếm đóng thị trấn và kêu gọi quân đội Nga tới giúp bảo vệ khu vực này.
"Họ nên đi (quân đội Ukraine). Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi cần quân đội Nga để đảm bảo sự ổn định và một cuộc sống yên bình trong tương lai của khu vực", Vyacheslav Ponomaryov cho biết.
Người dân ở Luhansk và Donetsk cũng tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/5 tới ở Ukraine và bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập Liên bang Nga.
"Mảnh đất này chưa từng thuộc về Ukraine... Chúng tôi nói tiếng Nga," ông Ponomaryov.
Khi được hỏi về một cuộc trưng cầu thứ hai gia nhập Liên bang Nga, ông nói: "Hiện chưa có quyết định, nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị".
Nguyễn Hường