Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết đều đạt và vượt, nhiều điểm sáng trong chính sách người có công, an sinh xã hội.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Nghị quyết đặt ra 26 chỉ tiêu, đến nay, có 24/26 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu về đích trước 2 năm, 16 chỉ tiêu đạt vào năm 2020.
Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bình quân hằng năm đã giải quyết việc làm trong nước cho 1,5-1,6 triệu người và đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, khoảng 2-2,2%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%.
Phát triển BHXH có sự đột phá, đến nay, chiếm khoảng 32% lực lượng lao động. Riêng BHXH tự nguyện năm 2019 có thêm gần 300.000 người tham gia, đưa tổng số người tham gia lên khoảng 574.000 người, bằng 10 năm thực hiện trước đó.
Đến hết năm 2019, số người tham gia BHYT đạt trên 85,3 triệu người, chiếm 90% dân số, cơ bản đã bao phủ toàn dân, vượt trước 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết. Về chính sách trợ giúp xã hội, hiện có gần 3% dân số được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng, trong đó có 1,65 triệu người cao tuổi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh Thống Nhất TTXVN. |
Ước tính đến giữa năm 2020, cả nước có 85.428 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ gần 89% dân số. Với con số này, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Năm 2020 là năm thứ sáu triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều quy định mới có tính đột phá, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển chính sách BHYT và thể hiện sự quyết tâm trong tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Ngày 28/6/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1167/QĐ-BYT về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố.
Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao tỉ lệ bao phủ BHYT năm 2017 là 82,2%, năm 2018 là 85,5%, năm 2019 là 88,1% và năm 2020 là 90,7%.
Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện nghiêm Quyết định số 1167/QĐ-BYT của Thủ tướng.
Kết quả, đến hết năm 2019 có 85,945 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số; ước tính đến tháng 6/2020 có 85,428 triệu người tham gia BHYT, tăng 828.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 517.000 người so với thời điểm hết năm 2019, đạt tỉ lệ bao phủ gần 89% dân số.
Nguyên nhân được chỉ ra là do dịch bệnh COVID-19 nên người lao động tại một số doanh nghiệp không có việc làm.
Với kết quả này, Bộ Y tế nhận định, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, trước mắt, Thủ tướng yêu cầu, phát huy mọi nguồn lực chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015 với nỗ lực của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thành các nội dung chuyên môn kỹ thuật.
Như: ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong KCB và thanh toán BHYT (đã có 6 phiên bản), chuẩn dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí BHYT...
Theo thông tin từ Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ ngày 1/1/2020 tỉ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 96,5% (12.328 cơ sở KCB gửi dữ liệu/12.773 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT).
Tỉ lệ hồ sơ gửi đúng ngày người bệnh ra viện trong toàn quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 92,3%; đã có hơn 63 triệu hồ sơ của 12.328 cơ sở KCB gửi lên Cổng tiếp nhận, với tổng số chi phí KCB tương ứng trên 43.000 tỷ đồng.
Trong số hơn 63 triệu hồ sơ có hơn 62,9 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 42.900 tỷ đồng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng và triển khai Hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân.
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của chính mình.
Khi đi KCB, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, bác sĩ sẽ được cung cấp tiền sử bệnh tật và quá trình KCB một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, đồng thời giảm bớt chi phí KCB không thực sự cần thiết.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, qua sơ kết cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, nhiều điểm sáng trong chính sách người có công, an sinh xã hội.
Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Số lượng người có công ở Việt Nam rất lớn và được quan tâm liên tục. Diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người yếu thế trong xã hội ngày càng được mở rộng. Thu nhập của người lao động tăng.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các đối tượng, triển khai chưa đồng bộ. Ở một số nơi, một số cấp chưa quyết liệt. Vẫn còn 2 chỉ tiêu cần phấn đấu hơn nữa để đạt được là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia.
Trong bối cảnh hiện nay, theo Thủ tướng, chúng ta đang phải đối diện nhiều thách thức như già hóa dân số, cuộc cách mạng 4.0, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan hiện nay, thì càng thấy thách thức lớn đối với lĩnh vực xã hội. Vì vật không chỉ phát triển kinh tế mà không phát triển xã hội, phải phát triển song hành, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
Về giải pháp, Thủ tướng nêu rõ việc tiếp tục kế thừa quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5, nhấn mạnh quan điểm con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa với phát triển kinh tế. Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm theo Nghị quyết Trung ương 5 là chính sách xã hội phải bảo đảm phát triển bao trùm, toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng phát triển con người, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho mọi người.
Kiểm soát tốt hơn nữa phân hóa giàu nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội, đạt bình đẳng giới. Ở Việt Nam, phải xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm, tập trung giải quyết nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. An sinh xã hội phải phát triển toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng và triển khai Hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, trước mắt, Thủ tướng yêu cầu, phát huy mọi nguồn lực chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, phải cố gắng tối đa thực hiện một số nội dung và nghiên cứu đề án về chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030 để trình Ban Chấp hành Trung ương; cố gắng tối đa để thực hiện 2 chỉ tiêu chưa đạt được.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đánh giá các chính sách trên từng lĩnh vực để có cơ sở đề xuất, bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế chính sách mới phù hợp.
Tiếp tục nâng cao, mở rộng, thực hiện đầy đủ chính sách người có công, giải quyết tốt vấn đề tồn đọng. Phải bảo đảm không còn hộ nghèo có thành viên là người có công.
Thủ tướng cũng lưu ý việc phát triển, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản. Trợ giúp xã hội linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của người dân và cộng đồng sau thiên tai, thảm họa với tinh thần bảo đảm hỗ trợ kịp thời người yếu thế, thiệt thòi khắc phục rủi ro, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và tình hình hiện nay đặt ra vấn đề đào tạo, sử dụng hiệu quả nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, cơ cấu lại nội dung sao cho nổi bật, nhất là phải nêu được các trở ngại về thể chế, chính sách, những mô hình, cách làm, vai trò của chính quyền địa phương, cơ sở.
Một số vấn đề về tiêu chí xã hội cần toàn diện hơn như môi trường, đạo đức xã hội. Phân bổ nguồn lực cho các chính sách xã hội cần chặt chẽ, sát sao hơn.
Thủ tướng cũng cho rằng, nên có hội nghị toàn quốc ở thời điểm phù hợp để tổng kết toàn diện các vấn đề chính sách xã hội để từ đó, lắng nghe thêm ý kiến, có chính sách xã hội 10 năm tới tốt hơn.