LTS: Như đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa phê duyệt đề án trị giá 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đề án, với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ GTVT ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng.
Thông tin này đang làm nóng dư luận với sự tham gia phân tích của rất nhiều chuyên gia kinh tế và Đại biểu Quốc hội. Mới đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được ý kiến của tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT về cùng vấn đề. Sau đây là nội dung trao đổi.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện phó Viện Quản lý và Quy hoạch giao thông vận tải |
Ông Hùng nhấn mạnh, đề án này được Bộ trưởng Đinh La Thăng mới phê duyệt, nhưng nếu có triển khai thì cũng phải vài năm nữa. Và thời gian của đề án cũng kéo dài trong 10 năm. Mặt khác, 223.000 tỷ đồng này được chi cho rất nhiều lĩnh vực và kéo dài trong 10 năm thì hoàn toàn không phải con số lớn.
Điều làm người ta bàn cãi nhiều nhất là vấn đề con số, nhưng, theo ý kiến của tôi khi đưa ra con số, Bộ GTVT đã có sự tư vấn của nhiều Bộ ngành liên quan, đồng thời đã có sự tính toán theo tiêu chuẩn định mức bao gồm đơn giá, diện tích làm việc tiêu chuẩn cho một cán bộ, đơn giá, thiết bị thông tin liên lạc…. Con số này là kết quả của sự tính toán ấy.
Nhiều ý kiến lo ngại đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiệu quả công việc chưa chắc đã tăng, tôi cho rằng lo ngại này không phải vô căn cứ. Nhưng quan điểm của tôi, nhất định hiệu quả công việc sẽ được nâng cao. Vấn đề là nâng cao bao nhiêu. Nếu bỏ ra 12.000 tỷ đồng mà hiệu quả công việc tăng 30% thì không hề đắt. Chúng ta cũng từng đầu tư xây dựng tòa nhà Quốc hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Đại biểu quốc hội làm việc đó thôi.
Nếu ai đã từng tới trụ sở làm việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng hiện tại thì đều thấy đó là nơi rất bình thường, không có gì đặc biệt.
Có đại biểu Quốc hội của ta liên hệ tới trụ sở làm việc giản dị của Thủ tướng Anh là điều rất hay. Thủ tướng Anh làm việc trong căn nhà 3 tầng, với diện tích không lớn. Tuy nhiên, họ chưa nhắc tới việc, sở dĩ ông ấy ngồi đó là vì đây là một công trình mang tính biểu tượng về quyền lực và lịch sử- văn hóa xã hội hàng trăm năm của cả quốc gia này.
Hơn nữa, diện tích đó tuy bình thường, nhưng chắc chắn đủ diện tích cho một nguyên thủ làm việc với các thư lý và Bộ trưởng của ông ta, đồng thời trụ sở làm việc này cũng có những tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn theo tiêu chuẩn của Anh Quốc.
Điều đáng bàn cãi bây giờ là con số đề xuất 12.000 tỷ đồng này liệu có thực hiện được không? Bản thân tôi cho rằng rất khó có thể huy động được. Vấn đề này Bộ tài chính và những Bộ liên quan sẽ là cơ quan xem xét và quyết định xem ngân sách có đáp ứng được không.
Chúng ta đang bàn tới chuyện tiết kiệm, giảm chi tiêu công, tuy nhiên cắt giảm không có nghĩa là không làm gì. Tiết kiệm ở đây nên hiểu là từng đồng, từng hào của ngân sách sẽ được quản lý, giám sát chặt chẽ. Còn việc Bộ GTVT lên kế hoạch là điều vẫn phải làm. Vì đó là kế hoạch lâu dài, không phải công bố kế hoạch là làm ngay.
Hơn nữa, dư luận liên tiếp phản đối những đề xuất của ông Thăng, tại sao không nghĩ ngược lại. Việc Bộ Giao thông công khai đề xuất là một tín hiệu mới về cách hành xử của các cơ quan quyền ở nước ta. Nếu đề án phê duyệt xong, “đút túi quần” thì ai biết mà phản đối?
Có rất nhiều bộ đã di chuyển, xây xong trụ sở như Bộ Công an, Bộ Tài chính… Nhưng tại sao dư luận không hỏi xem họ xây trụ sở hết bao nhiêu tiền? Giữa một bên công khai, một bên không thì ai minh bạch hơn?
Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, thay vì gạt đi, hay lui lại chuyện di dời, chúng ta nên bàn tới việc điều chỉnh con số sao cho phù hợp hơn và làm trước những hạng mục ưu tiên trong đề án thay vì làm toàn bộ…