Dù ngành Lâm học chỉ lấy 15-20 điểm nhưng số thí sinh đăng ký chưa nhiều

28/03/2025 23:27
Khánh Vân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2024, điểm chuẩn ngành Lâm học ở một số cơ sở giáo dục tương đối thấp. Có trường điểm chuẩn ngành này chỉ ở mức 15 điểm, có trường cao nhất 20 điểm. 

Lâm học là ngành học cung cấp kiến thức chuyên sâu về hệ sinh thái rừng, trồng và bảo vệ rừng, điều tra và quản lý tài nguyên rừng. Người học sẽ được trang bị kỹ năng điều tra, đánh giá, quy hoạch lâm nghiệp, quản lý đất rừng và có khả năng nghiên cứu, ứng dụng cũng như chuyển giao công nghệ lâm nghiệp. Qua đó, cử nhân tốt nghiệp ngành học này có đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc trong các lĩnh vực liên quan.

Theo Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, nhóm ngành Lâm nghiệp bao gồm các ngành: Lâm học (mã ngành 7620201), Lâm nghiệp đô thị (mã ngành 7620202), Lâm sinh (mã ngành 7620205) và Quản lý tài nguyên rừng (mã ngành 7620211).

Ở một số cơ sở giáo dục đại học, cùng mã ngành 7620201, có trường tên là ngành Lâm học, có trường sử dụng tên ngành Lâm nghiệp.

Nhằm giúp thí sinh có thêm thông tin về ngành Lâm học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và thống kê tổng quan về điểm chuẩn, học phí và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành học này những năm gần đây ở một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Điểm chuẩn đa dạng

Tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Lâm học tuyển sinh 50 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển bao gồm: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông, xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế.

thumb.jpg
Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi học. Ảnh: website nhà trường.

Về điểm chuẩn, cả 3 năm (2022, 2023 và 2024), ngành Lâm học tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông) đều là 16 điểm.

Theo thông báo mức thu học phí học kỳ 2 năm học 2024-2025, học phí khối ngành V (trong đó có ngành Lâm học) dao động từ 415.000 - 1.116.000 đồng/tín chỉ tùy chương trình đại trà hoặc chương trình nâng cao.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Lâm học có việc làm sau 1 năm ra trường là 100%.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (nay là Trường Đại học Nghệ An) theo đề án tuyển sinh năm 2025, ngành Lâm học tuyển sinh 30 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh, xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngành Lâm học, từ năm 2022-2024 lần lượt là 15,5; 20; 18 điểm.

Mức học phí của trường năm học 2024-2025 là 295.000 đồng/tín chỉ. Học phí cho sinh viên nước ngoài có thông báo riêng.

Trong khi đó, theo báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 về công khai tài chính của cơ sở giáo dục, mức học phí khối ngành Nông, Lâm, Ngư của trường là 11,8 triệu đồng/năm học, tương đương học phí toàn khóa là 45,725 triệu đồng.

Nội dung đoạn văn bản của bạn.jpg
Điểm chuẩn ngành Lâm học tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (nay là Trường Đại học Nghệ An), theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2022-2024. Ảnh: KH

Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, nhà trường tuyển sinh 1.720 chỉ tiêu, trong đó ngành Lâm nghiệp tuyển 30 chỉ tiêu. Nhà trường xét tuyển theo hai phương thức là xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông và xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Về điểm chuẩn, cả 3 năm 2022, 2023 và 2024, ngành Lâm nghiệp tại Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế (theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông) đều ở mức 15 điểm.

Theo quyết định về việc quy định mức thu học phí năm học 2024-2025 của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, học phí ngành Lâm nghiệp của trường là 451.000 đồng/tín chỉ. Với hình thức niên chế, học phí ngành Lâm nghiệp của trường là 16.400.000 đồng/sinh viên/năm học.

snapedit_1742670464043.jpeg
Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong một buổi học. Ảnh: Website Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế.

Ngành Lâm học trước thách thức tuyển sinh

Chia sẻ với phóng viên về ngành Lâm học, Tiến sĩ Phan Minh Xuân – Trưởng Bộ môn Lâm sinh, Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học, đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ, không thấp hơn 20%, và từ năm 2030 không thấp hơn 30%; đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, không thấp hơn 40%, và từ năm 2030 không thấp hơn 50%. Hiện tại, 40,3% giảng viên Khoa Lâm nghiệp có trình độ tiến sĩ, vượt mức yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Với tỷ lệ giảng viên này, khoa Lâm nghiệp có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao sẽ trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc, kỹ năng thực hành tốt và cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường cũng được đầu tư, đảm bảo tương đối đầy đủ về trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu, cùng trại thực nghiệm ngoài trời giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận thực tiễn, rèn luyện kỹ năng thực hành, thực tập góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành Lâm học".

6122a3d5ca137a4d2302.jpg
Tiến sĩ Phan Minh Xuân – Trưởng Bộ môn Lâm sinh, Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh NVCC.

Tiến sĩ Phan Minh Xuân chia sẻ thêm, trong những năm gần đây, thí sinh lựa chọn và đăng ký vào học ngành Lâm học chưa được cao, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do bối cảnh xã hội và nhu cầu thực tiễn của người học.

Nhận thức chung của xã hội về ngành học này còn khá hạn chế. Một số người cho rằng, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ làm những công việc thường gắn liền với rừng núi, điều kiện làm việc vất vả. Quan điểm này khiến thí sinh e ngại khi đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong bối cảnh các ngành có liên quan đến công nghệ, kinh tế đang nhận được sự quan tâm lớn hơn.

Ngoài ra, nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động cũng có ảnh hưởng đáng kể, ngành Lâm học chưa có nhiều vị trí việc làm rõ ràng theo quan sát của thí sinh. Mặc dù có nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực Lâm nghiệp vẫn có nhu cầu về tuyển dụng nhân lực, nhưng chưa có sự kết nối hiệu quả với các trường đại học để thu hút sinh viên. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của ngành đối với thí sinh.

Nhiều người vẫn lo ngại về điều kiện làm việc và mức thu nhập trong ngành Lâm học, dẫn đến việc sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về những cơ hội nghề nghiệp ngành này mang lại. Trong khi sau tốt nghiệp, sinh viên không chỉ giới hạn làm việc tại các khu rừng mà còn có thể có cơ hội làm việc tại các khu đô thị, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Lâm nghiệp trên cả nước (các Sở, ban ngành, trường, viện, các chi cục liên quan), các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực Lâm nghiệp như công ty cây xanh hoặc các công ty khác có liên quan đến Lâm nghiệp.

Chia sẻ thêm về tình hình tuyển sinh của nhà trường, Tiến sĩ Phan Minh Xuân cho biết, mặc dù đội ngũ giảng viên đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thu hút thí sinh, nhưng số lượng đầu vào vẫn chưa đạt mức kỳ vọng.

Để cải thiện tình hình này, khoa Lâm nghiệp đang triển khai một số hướng đi mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Lâm học. Trước hết là giới thiệu, kết nối và quảng bá các cựu sinh viên thành đạt nhằm tạo động lực và cung cấp minh chứng rõ ràng hơn về cơ hội nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên quan tâm đến ngành Lâm học.

Bên cạnh đó, khoa cũng chủ động thu thập thông tin liên quan đến nhu cầu tuyển dụng từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng như các tổ chức hợp tác từ nước ngoài trong lĩnh vực Lâm nghiệp và môi trường nhằm giúp các em có cái nhìn thực tế hơn về thị trường lao động. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin rõ ràng về cơ hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sinh viên theo học ngành này.

"Dự kiến năm 2025, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh khoảng 60 – 80 thí sinh ngành Lâm học. Con số cụ thể có thể thay đổi theo tình hình thực tế và chính sách tuyển sinh của nhà trường", thầy Xuân chia sẻ.

3b9c7d1850d9e087b9c8.jpg
Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Theo Tiến sĩ Phan Minh Xuân, dù mong muốn nhưng việc nâng điểm chuẩn đầu vào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng là một thách thức dù thách thức này không xuất phát từ đầu vào, chất lượng giảng dạy hay cơ sở vật chất, mà chủ yếu do bối cảnh xã hội và xu hướng lựa chọn ngành học của thí sinh. Vì vậy, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành còn hạn chế.

Trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh có dấu hiệu khả quan hơn, cho thấy những nỗ lực quảng bá và thay đổi nhận thức về ngành đang dần mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để duy trì, ngành học vẫn cần những chiến lược quảng bá hiệu quả và các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hình ảnh, tránh nguy cơ suy giảm sức hút trong tương lai.

Khánh Vân