Không ít GV mừng vì Thông tư 29 giúp thầy cô không bị phụ huynh "nghi oan"

30/03/2025 06:50
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thông tư 29 giúp tôi tự tin, dạy thật, đánh giá thật, không phải lo bị người khác nghi ngờ mình đang ép học sinh đi học thêm.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được ban hành đến nay đã thực hiện được gần 2 tháng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có các đoàn kiểm tra việc triển khai tại một số địa phương. Là giáo viên, quá trình tiếp xúc với phụ huynh đa số đều mong chờ thông tư sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm.

Ở đâu đó, có giáo viên mất đi nguồn thu nhập lớn từ dạy thêm học sinh chính khóa sẽ có bức xúc nhưng với nhiều đồng nghiệp, Thông tư 29 thực sự mang lại cho nhiều thầy cô sự tự tin với nghề.

day them.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Một đồng nghiệp chia sẻ với người viết: “Ngày trước, cứ mỗi lần tôi đánh giá học sinh 7 hay 8 điểm, y như như rằng tối hôm đó phụ huynh sẽ gọi điện, kèm theo đó là câu hỏi cô có dạy thêm không, cho cháu học thêm cô với.

Thật buồn lòng, nhưng biết làm sao, tôi chỉ biết trả lời ậm ừ cho qua chuyện. Phụ huynh cứ nghĩ con cái mình điểm thấp, chưa đạt điểm 9, điểm 10 là do không đi học thêm với giáo viên. Thậm chí, có lúc tôi gọi điện trao đổi về tình hình học tập của học sinh yếu, phụ huynh lại hiểu lầm vì con mình không đi học thêm tôi. Và rồi họ hứa sẽ cho con đi học thêm ngay. Điều đó khiến tôi không khỏi chạnh lòng.

Hình ảnh của tôi trong mắt phụ huynh mà tôi cảm nhận, cảm thấy xấu xí, phụ huynh coi việc giáo viên dạy thêm càng xấu xí hơn. Có lẽ không ít phụ huynh coi giáo viên dạy thêm chẳng khác gì đang làm tiền học sinh.

Từ ngày Thông tư 29 có hiệu lực đến nay, tôi thấy khác hẳn. Thông tư 29 giúp tôi tự tin, dạy thật, đánh giá thật, không phải lo bị người khác nghi ngờ mình đang ép học sinh đi học thêm. Bản thân tôi thấy thoải mái, tự tin hơn khi đánh giá học sinh trung thực, đúng năng lực của mỗi học sinh. Học sinh dù bị đánh giá điểm thấp cũng không về nói với ba mẹ như thể thầy cô "trù dập" vì không đi học thêm. Tôi cũng không thấy phụ huynh gọi điện thoại mắng vốn như trước đây nữa.

Tôi quan sát, thấy học sinh không phải đi học thêm, ngủ đủ giấc, tinh thần, thái độ đều tốt hơn hẳn, dù chưa đạt điểm cao nhưng các em không phải "lăn tăn" rằng có lẽ do không đi học thêm nên chưa được điểm cao. Tôi tự hỏi, tại sao Thông tư 29 bây giờ mới có, nếu có sớm hơn thì hay biết bao.

Vừa qua, tôi thấy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn có dự kiến giáo viên không dạy thêm ngoài nhà trường trong giờ hành chính. Tôi thấy đây là một đề xuất phù hợp, công bằng cho cả giáo viên và học sinh. Nếu được góp ý, tôi thấy giờ dạy thêm, học thêm nên dừng lại trước 20 giờ 30 phút là phù hợp”.

Thầy giáo Hồ Đông ở Kiên Giang cho rằng: “Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29, tôi thấy học sinh, phụ huynh phấn khởi, bản thân tôi cũng rất đồng thuận.

Sau khi có Thông tư 29 tôi cảm thấy rất tự do trong thực hiện nhiệm vụ của mình, dạy thật và dám đánh giá thật, không còn lo ngại bị học sinh, phụ huynh cho rằng mình có hành vi ép học sinh học thêm. Học sinh nhìn giáo viên cũng khác hẳn, có sự chuyển biến tích cực trong học sinh khi nghĩ về thầy cô.

Thông tư 29 đã làm rõ hơn một câu hỏi mà từ trước tới nay còn nghi ngờ, nhu cầu dạy thêm, học thêm là của ai. Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, giáo viên tất bật đi làm giấy phép hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm, còn học sinh vui vẻ, phấn khởi như được tiếp tục nghỉ Tết đã nói lên tất cả.

Tôi đã tham khảo dự thảo quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tôi thấy dự thảo về quy định dạy thêm, học thêm của Sở Bà Rịa – Vũng Tàu rất cụ thể, chi tiết, minh bạch, làm người dân hiểu rõ hơn Thông tư 29, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng, đem lại lợi ích chính đáng cho người học.

Đặc biệt, đề xuất không dạy thêm ngoài nhà trường trong giờ hành chính sẽ giúp giáo viên không dùng giờ hành chính để đi dạy thêm bên ngoài. Thầy cô có thể dùng thời gian không lên lớp tập trung làm công việc liên quan giảng dạy, hạn chế bớt việc phải làm việc chuyên môn vào buổi tối.

Chương trình 2018 hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học, học sinh và cả giáo viên cũng phải có thời gian, không gian để tự học, tự trải nghiệm”.

Theo người viết, để học sinh không phải đi học thêm, không khó, nhưng phải đồng bộ làm được việc sau:

Thứ nhất, phụ huynh đừng bao bọc con em mình quá, đừng bắt con mình thực hiện ước mơ của mình, ép con đi học thêm mà không biết các em có tiếp thu được thêm không. Phụ huynh cần tin tưởng vào chất lượng giảng dạy của thầy cô. Học sinh không đi học thêm vẫn có thể làm bài kiểm tra đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, hãy hướng dẫn con mình tự học, đừng lấy điểm số làm thước đo thành đạt của của con mình.

Thứ hai, mỗi giáo viên lên lớp giờ chính khóa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, hiểu được rằng học sinh không phải đi học thêm, học sinh hạnh phúc cũng là hạnh phúc đang đến với thầy cô và phụ huynh; tự học, đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học sinh tự học.

Thứ ba, cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm, có hình thức kỉ luật thích đáng với chủ cơ sở kinh doanh, giáo viên, nếu vi phạm quy định của Thông tư 29.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh