Dự "sắc phong" GS, TS danh dự: Doanh nhân tiết lộ chi phí, ngộ ra chỉ là tờ giấy

05/06/2024 09:33
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo tìm hiểu, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Việt Nam được GTTCI chào mời đến 3 lần, mức phí tham gia gần nửa tỷ đồng.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Lãnh đạo doanh nghiệp rầm rộ nhận "sắc phong" GS, TS danh dự từ ĐH nước ngoài". Bài viết đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả.

Các sự kiện buổi lễ sắc phong danh hiệu viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học ở nước ngoài được thực hiện thông qua sự kiện của của tổ chức có tên Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ được quảng bá rầm rộ. Đáng nói, người nhận các bằng danh dự này đều là các doanh nhân, không ít người nhận "sắc phong" về nước còn làm lễ rình rang và thông tin được đăng tải khắp nơi.

Đáng nói, khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi tên các trường này cho một số giáo sư, tiến sĩ người Việt đang làm việc tại Mỹ, họ tỏ ra bất ngờ vì họ chưa từng nghe tên và cũng không nghe giới học thuật nhắc đến tên bao giờ.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ với "người trong cuộc" từng tham gia làm hồ sơ nhận "sắc phong" để có thêm thông tin khách quan.

Screenshot_20240605_092044_Microsoft 365 (Office).jpg
Ảnh cắt từ tờ tiếp thị của đơn vị tổ chức gửi cho một lãnh đạo doanh nghiệp.

Chào mời nhận "sắc phong" viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ danh dự

Phóng viên liên hệ tìm hiểu từ một lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại miền Nam (người này có bản đăng ký tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ trong sự kiện xúc tiến thương mại vào ngày 23/4) được biết, mức phí chi trả cho một lần tham gia sự kiện sắc phong này được tính bằng đô la Mỹ.

Cụ thể, người này cho biết: "Mức giá đưa ra vào khoảng 13.000 USD đến 17.000 USD gì đó. Nếu tính theo tỷ giá đô la Mỹ thì vào khoảng hơn 400 triệu đồng bao gồm cả chi phí ăn ở, đi lại".

Không những thế, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, không phải đơn vị này có nhu cầu đăng ký mà công ty này được chào mời tham gia.

"Công ty của tôi có 2 nghìn rưỡi nhân viên, tôi có bằng đại học, doanh nghiệp của tôi lớn mạnh rồi nên tôi đâu có cần đến mấy cái đó. Họ mời doanh nghiệp tôi tham gia đến 3 lần trong 3 năm liền nhưng tôi cứ đắn đo mãi là có nên tham gia hay không.

Cuối cùng, vì con cháu tôi nói giờ tôi cũng lớn tuổi rồi thì đi nhận cái này để nhận danh dự cho gia đình chứ thực ra nó không có tác dụng gì đến hoạt động của công ty hết mà còn tốn tiền nhiều, đến gần nửa tỷ.

Tôi khuyên bạn khoan hãy tốn tiền vô ích, chứ bạn có làm cũng không ai tin đâu, bằng tiến sĩ, giáo sư danh dự đó chỉ là tấm giấy, chứ thực lực của doanh nghiệp mình ra sao thì cộng đồng sẽ đánh giá khác. Có khi người ta còn nói mình dùng bằng giả", vị doanh nhân này thành thật tư vấn cho người viết.

Pháp nhân Hội đồng thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ ở Việt Nam là một công ty

Trước nhiều thông tin băn khoăn về Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ - đơn vị tổ chức các buổi xúc tiến thương mại, trong đó có hoạt động trao bằng danh dự "viện sĩ - giáo sư - tiến sĩ" của các trường đại học nước ngoài cho các doanh nhân người Việt Nam, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ văn phòng đại diện của tổ chức này tại Việt Nam.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ đã có văn bản phúc đáp một số nội dung phóng viên nêu. Bà Đặng Thị Thanh thay mặt GTTCI VN ký.

Cụ thể, 5 nội dung câu hỏi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi đi kèm theo giấy giới thiệu đến Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) được phúc đáp lại như sau:

Nội dung thứ nhất: Pháp nhân của Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ cụ thể là gì? Tổ chức này có được cấp phép thực hiện các hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hay không? Nếu có, đề nghị cung cấp bản sao các văn bản minh chứng.

GTTCI phúc đáp: GTTCI có trụ sở tại Laxmi Nagar S.O, Laxmi Nagar, East Delhi, Delhi, India là tổ chức có pháp nhân thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ, có thành viên trên toàn cầu. GTTCI được thành lập với tầm nhìn thúc đẩy thương mại song phương giữa Ấn Độ và các quốc gia trên thế giới về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công nghệ, đối ngoại nhân dân.

Nội dung thứ hai: Đại diện chính thức tại Việt Nam của Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ là đơn vị nào? (là Công ty Cổ phần Hội đồng thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ hay Công ty Cổ phần Phát triển báo chí Việt Nam).

Các hoạt động của đại diện tại Việt Nam có được Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ ủy quyền và thông qua hay không? Nếu có, đề nghị cung cấp văn bản minh chứng.

GTTCI phúc đáp: Tại Việt Nam GTTCI có pháp nhân chính thức là Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ. Trụ sở đặt tại tầng 5, tòa tháp VCCI. Giấy phép đăng ký hoạt động với các mã ngành như (mã ngành chính 8230 tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; mã ngành 8560 dịch vụ hỗ trợ giáo dục...).

Bên cạnh đó, các hoạt động của đại diện tại Việt Nam đều được Hội đồng Thương mại và và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ ủy quyền chính thức (Thạc sĩ Đặng Thị Thanh - Trưởng đại diện GTTCI tại Việt Nam, ông Phan Thanh Long - Phó đại diện GTTCI tại Việt Nam...).

Trường trao bằng GS, TS danh dự đều là các trường đào tạo từ xa

Nội dung thứ ba: Có thông tin cho rằng, người muốn có bằng danh dự là viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học nước ngoài chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí mà không cần học tập, đào tạo có đúng hay không?

Nếu đúng thì việc này có nằm trong các quy định được cho phép đối với cấp bằng danh dự của trường đại học nước ngoài cho người Việt Nam hay không? Đề nghị cung cấp văn bản minh chứng.

GTTCI phúc đáp: Thông tin cho rằng, người muốn có bằng danh dự là viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học nước ngoài chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí mà không cần học tập, đào tạo là hoàn toàn không chính xác.

Hàm danh dự là một danh hiệu được trao tặng bởi một trường đại học đối với các đóng góp, cống hiến của cá nhân. Đây là danh hiệu được duyệt bởi Ủy ban cấp bằng danh dự của trường và được trao bởi trường đại học phù hợp với các tiêu chí của một trường đại học nhưng không nhất thiết phải qua chương trình học tập và đào tạo của trường đó, điều này rất phổ biến ở các nước.

Việc phong hàm danh dự nhằm mục đích tôn vinh, ghi nhận công lao, đóng góp của ứng viên cho cộng đồng và xã hội.

Đây còn là sự tự hào, kết giao tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn trong sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp nghiên cứu khoa học hay các đóng góp thực tiễn khác cho cộng đồng xã hội và hướng đến mục tiêu vì hòa bình và phát triển.

Các ứng viên có thể tự nguyện, tùy tâm đóng góp vào quỹ khuyến học hoặc quỹ phát triển của nhà trường.

Quan điểm cho rằng Trường Đại học Apolos (Hoa Kỳ) và Trường Đại học Quốc tế mở và trực tuyến Cambridge (Canada) là trường đào tạo hoàn toàn từ xa, không được bất cứ tổ chức uy tín nào xếp hạng đại học là một quan điểm chưa đúng.

Trường Đại học Apolos và Trường Đại học Mở và trực tuyến Cambridge được thành lập theo hình thức đào tạo từ xa. Đào tạo trực tuyến hay đào tạo từ xa là xu thế tất yếu toàn cầu hiện tại và tương lai, đi cùng với xu hướng dịch chuyển của nền công nghiệp 4.0.

Một điểm cộng lớn nhất của các chương trình đào tạo trực tuyến đó là tính tiện lợi. Hệ thống đào tạo online được lập trình sẵn với những tính năng hữu ích như đăng khóa học, lưu tài liệu hoặc theo dõi quá trình học của mình,... Ngoài ra, yếu tố "học mọi lúc mọi nơi" chính là ưu điểm mà các học viên, sinh viên quan tâm. Điều này giúp cho họ tiết kiệm thời gian, công sức cũng như có trải nghiệm mới lạ hơn so với cách học truyền thống.

Việc tham gia xếp hạng đại học là dựa trên nhu cầu chủ trương của trường đại học chứ nó không phải là quy định bắt buộc. "Nếu xét trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới như QS, THE, ARWU hay THE Impact Ranking... Các quốc gia trên thế giới cũng chưa có nhiều trường được xếp hạng. Điều này có thể thấy đó như là hình thức để các trường giải trình với xã hội xem họ đang đứng ở đâu trong khu vực và trên thế giới.

Ảnh chụp Màn hình 2024-05-26 lúc 09.05.26.png
Đường link tra cứu thông tin về Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ được cho sẵn bị báo lỗi khi phóng viên truy cập. Ảnh: Chụp màn hình

Nội dung thứ tư: Pháp nhân khi đứng ra ký hợp đồng tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đứng tên trong hóa đơn, con dấu khi thu phí cấp bằng danh dự là đơn vị nào?

Giá trị pháp lý của những tấm bằng danh dự được áp dụng ra sao trong thực tế?

GTTCI phúc đáp: Pháp nhân đứng ra ký hợp đồng tổ chức hoạt động truyền thông, quảng cáo, xúc tiến thương mại và đứng tên trong hóa đơn là Công ty Cổ phần Phát triển báo chí Việt Nam và Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ T&A.

Không có con dấu hoặc đơn vị nào trong các tổ chức của chúng tôi thu phí bằng danh dự như câu hỏi của Tạp chí nêu. Việc áp dụng bằng danh dự trong thực tế, là niềm vinh dự tự hào đối với cá nhân người được nhận bằng. (Bằng danh dự không thay thế văn bằng khác của Việt Nam).

Nội dung thứ năm: Được biết, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ cũng đã có các buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang để hợp tác phát triển kinh tế và du lịch.

Vậy hiện tại đã có sản phẩm, kết quả cụ thể nào sau các buổi làm việc phục vụ yêu cầu phát triển của các địa phương đó hay chưa?

GTTCI phúc đáp: Trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ được tổ chức vào tháng 3 tại Hà Nội. Đoàn công tác của GTTCI cũng đã phối hợp với Viện Phát triển du lịch Châu Á, Viện Khoa học Phát triển nhân tài và Trí tuệ đã có buổi làm việc trao đổi với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về kết nối hợp tác phát triển kinh tế, phát triển du lịch trên địa bàn.

Các đại biểu dự buổi làm việc đã thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn. Đoàn đã đi trải nghiệm, khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Hiện nay, dự án bộ phim quảng bá du lịch tại Na Hang - Tuyên Quang đã chính thức bấm máy.

Ngoài ra, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ đã giới thiệu, quảng bá du lịch Tuyên Quang trên các phương tiện truyền thông và Tạp chí GTTCI tại Ấn Độ.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang: "Chưa có triển khai gì"

Sau khi nhận được văn bản phúc đáp của Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy, một số nội dung vẫn chưa được đơn vị này cung cấp đầy đủ theo đề nghị.

Với nội dung Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ khẳng định đã được Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ ủy quyền. Tuy nhiên, đơn vị này cũng không cung cấp các văn bản minh chứng ủy quyền theo đề nghị của phóng viên.

z5219611456173d559ee3ac9f465b0e2a80dcdd9c1be5e.jpg
Ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu trong buổi làm việc với Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ ngày 5/3/2024. Ảnh: tuyenquang.gov.vn

Với nội dung phản hồi liên quan hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội ở Tuyên Quang , GTTCI cho biết: "Hiện nay, dự án bộ phim quảng bá du lịch tại Na Hang - Tuyên Quang đã chính thức bấm máy". Công văn phúc đáp Tạp chí của GTTCI ký vào ngày 9/5.

Tuy nhiên trước đó, khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/4 liên quan đến việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho hay: "Chưa có triển khai gì".

Phóng viên đề cập, trong đợt làm việc với đoàn của Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ hồi tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang có tham gia ký kết triển khai các dự án liên quan gì hay không?

Về việc này, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang nói: "Cái đó tôi không được làm việc nên tôi không nắm rõ".

Được biết, tại buổi làm việc của Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang vào tháng 3/2024 được một số cơ quan báo chí đăng tải, ông Hoàng Việt Phương là đại diện của địa phương đã có phát biểu để giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang.

3-5678.jpg
Trang web của Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group), có đăng tải bài viết về Chủ tịch Hội đồng quản trị Meey Group Hoàng Mai Chung (áo đỏ) nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Proptech. (Ảnh: cắt màn hình)

Trên trang web của Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group), có đăng tải bài viết về Chủ tịch Hội đồng quản trị Meey Group Hoàng Mai Chung nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Proptech của Đại học Apollos (Mỹ).

Trong bài viết, ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch Meey Group chia sẻ: “Nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Apollos (Mỹ) là sự ghi nhận quốc tế đầu tiên cho những nỗ lực của cá nhân tôi và hệ sinh thái công nghệ - tài chính bất động sản phát triển bởi Meey Group.

Chúng tôi luôn muốn có thêm nhiều cơ hội để hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường kinh doanh, trong đó có Ấn Độ. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ nói chung và công nghệ bất động sản như Meey Group nói riêng”.

Để có thêm thông tin khách quan từ người trong cuộc, phóng viên đã liên hệ được với ông Hoàng Mai Chung và gửi ông Chung câu hỏi liên quan đến việc ông nhận Giấy chứng nhận Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Apollos. Tuy nhiên, ông Chung không trả lời câu hỏi.

Mạnh Đoàn

Trung Dũng