Bám biển để khẳng định chủ quyền biển, đảo tổ quốc
Mặc dù liên tục bị tàu lực lượng liên ngành Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn xảo trá để bắt giữ tàu và người, khi các ngư dân tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang đánh bắt trên ngư trường của nước mình. Không những vậy lực lượng liên ngành Trung Quốc còn ép buộc người thân của các ngư dân này trả tiền mới thả người và tàu về. Nhưng khi được thả về họ không hề sợ hãi trước những hành động xảo trá đó của lực lượng liên ngành Trung Quốc mà họ lại còn quyết tâm bám biển hơn trước.
Ngay cả ở thời điểm này khi Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam khiến tình hình trên Biển Đông càng căng thẳng. Nhưng khi được hỏi các ngư dân đều cho biết quyết tâm bám biển đến cùng dù bất kỳ chuyện gì xảy ra.
Sau khi bị lực lượng liên ngành Trung Quốc dùng trò xảo trá bắt giữ, được thả về, ngư dân Nguyễn Đình Thắng và Đậu Văn Quân tiếp tục bám biển ra khơi đánh bắt hải sản |
Ngư dân Bùi Duy Phương (trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) bị lực lượng liên ngành Trung Quốc tạo chứng cử giả để bắt giữ. Nhưng sau khi được thả về anh lại tiếp tục bám biển với những chuyến đi đánh bắt xa bờ. Khi chúng tôi gặp anh cũng là lúc anh vừa trở về sau một chuyến đánh bắt xa bờ.
“Dù thế nào đi nữa chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển chứ không vì những hành động xảo trá của lực lượng liên ngành Trung Quốc mà bỏ biển. Vì cuộc sống của chúng tôi đều phụ thuộc cả vào biển, bỏ biển lấy gì mà sống. Cùng với đó mỗi tấc lưới chúng tôi thả xuống biển là góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo hợp pháp của tổ quốc. Vì ý nghĩa đó mà những ngư dân như chúng tôi kiên quyết bám biển để góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của nước nhà”, anh Phương cho biết.
Với những ngư dân như anh Bùi Duy Phương ngoài việc bám biển để đánh bắt mưu sinh thì còn là để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc. |
Ngư dân Nguyễn Đình Thắng (trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) khi được thả về sau 6 tháng bị lực lượng liên ngành Trung Quốc bắt giam, mặc dù cạn kiệt vốn nhưng cũng đã vay mượn tiền góp vốn cùng các ngư dân khác tiếp tục mua tàu để bám biển. Hiện nay hàng ngày anh cùng các ngư dân khác vẫn ra khơi xa để đánh bắt.
“Có bám biển mới có cái để sống, để nuôi gia đình chú ạ! Tôi xem biển cả tổ quốc như ngôi nhà của chính mình. Vì vậy, dù lực lượng liên ngành Trung Quốc có dùng sự xảo trá gì đi nữa tôi vẫn quyết tâm bám biển. Những ngư dân như chúng tôi bám biển cũng chính là nghĩa vụ và quyền lợi để khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước”, anh Thắng khẳng định.
Tình hình Biển Đông đang căng thẳng nhưng những ngư dân này vẫn kiên quyết bám biển và ra khơi đánh bắt |
Cùng với tinh thần bám biển vừa để mưu sinh và cũng là để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, ngư dân Đậu Văn Quân (xã Tiến Thủy) và Nguyễn Ngọc Diện (xã Quỳnh Long) cùng nhiều ngư dân khác sau khi được lực lượng liên ngành Trung Quốc thả về đều tiếp tục bám biển xa khơi. Với các ngư dân họ biết bất trắc trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông như hiện nay nhưng họ vẫn kiên quyết ra khơi đánh bắt để góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của tổ quốc và phát huy truyền thống cao đẹp “chắc tay súng, vững tay lưới”
Thành lập lực lượng dân quân biển để bảo vệ ngư dân
Huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 1.300 tàu, thuyền với hàng nghìn ngư dân tham gia đánh bắt thủy, hải sản trên Biển Đông. Trong đó, có hơn 700 tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ ngoài khơi của Biển Đông. Khi chúng tôi có mặt tại đây, mặc dù việc Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam khiến tình hình trên Biển Đông căng thẳng. Nhưng những ở vùng quê này tàu vẫn vào cập cảng bốc hải sản đánh bắt được xuống bến. Một số tàu khác thì các ngư dân tiếp tục đưa ngư cụ và các nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị ra khơi.
Các tàu cá vẫn hàng ngày cùng với những ngư dân bám biển chở đầy ăm ắp cá về cảng |
Trước thực trạng các ngư dân bị tàu liên ngành Trung Quốc vô cớ bắt rồi đòi tiền chuộc khi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc ngư trường của Việt Nam. Những năm trở lại đây không còn hiện tượng tàu ngư dân bị lực lượng liên ngành Trung Quốc bắt nhưng vẫn còn hiện tượng tàu ngư dân bị xua đuổi khi đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. Cùng với đó còn có những bất trắc khác cho ngư dân đánh bắt trên biển nên chính quyền địa phương đã thành lập mỗi xã có tàu, thuyền đánh bắt trên biển một đội dân quân biển và một đội đoàn kết. Các tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ, giúp đỡ để ngư dân để các ngư dân vững tâm hơn trong mỗi lần ra khơi đánh bắt.
“Mỗi xã có tàu, thuyền đánh bắt trên biển đều được thành lập một đội đoàn kết và một đội dân quân biển để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân vững tâm hơn khi ra khơi bám biển. Tuy lực lượng này còn nhỏ, yếu và không có trang bị gì nhưng họ góp phần liên kết sức mạnh cho các ngư dân. Mong muốn của ngư dân và chính quyền nơi đây là các đơn vị chức năng, cùng các cấp trên tăng cường lực lượng bảo vệ, hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên biển”, ông Đặng Ngọc Bình – Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Qua đây, cho thấy dù trong hoàn cảnh nào những ngư dân Việt Nam vẫn luôn kiên quyết, vững chí bám biển và quyết tâm khẳng định chủ quyền biển đảo của nước nhà.