“Đưa máy bay, chụp hình bằng chứng TQ xâm phạm chủ quyền Biển Đông”

01/06/2013 11:15
Hoàng Lực
(GDVN) - Kể cả trong trường hợp Trung Quốc không sử dụng biện đó thì Việt Nam cũng phải làm mạnh hơn thế. Tại sao chúng ta không đưa máy bay ra chụp hình, quay phim ghi lại tọa độ những dẫn chứng về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
Thủ đoạn của Trung Quốc trong việc bành trướng sức mạnh quân sự Biển Đông đã hậu thuẫn và thúc đẩy các tàu cá nước này ồ ạt kéo ra đánh bắt trái phép. Cùng với chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa bị xâm phạm, đời sống cũng như tính mạng của ngư dân Việt Nam cũng đang bị đe dọa từng ngày bởi các nguy cơ đụng độ với tàu công vụ, tàu công vụ cải trang tàu cá và tàu cá Trung Quốc.  Bắc Kinh lại rất xảo quyệt khi đóng tàu lớn, kéo đàn đông ra khơi, có Hải giám, Ngư chính đi sau yểm trợ, lại cho cả phóng viên đài báo đi cùng quay phim, chụp ảnh tuyên truyền phi pháp, thậm chí là chụp mũ, dựng chuyện bất lợi cho ta nếu ngư dân ta đơn thương độc mã đánh bắt và bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam. Xoay quanh vấn đề này, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi vơi TS.LS Hoàng Ngọc Giao nguyên Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ.
Hoạt động quân sự của TQ ở Biển Đông nguy hiểm có hệ thống
Hoạt động quân sự của TQ ở Biển Đông nguy hiểm có hệ thống
PV: Có nên trang bị máy ảnh, camera và huấn luyện các kỹ năng cơ bản cho bà con ngư dân để thu thập bằng chứng về các hành động phạm pháp, gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, kịp thời tuyên truyền lên án và kêu gọi dư luận quốc tế ủng hộ? Nếu điều này cần thiết, theo ông cơ quan nào nên đứng ra triển khai? 
TS.LS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi kể cả trong trường hợp Trung Quốc không sử dụng biện đó thì Việt Nam cũng phải làm mạnh hơn như thế. Tại sao chúng ta không đưa máy bay ra chụp hình, quay phim ghi lại tọa độ những dẫn chứng về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
Phải đưa tàu thuyền ra, đưa báo chí ra thậm chí chúng ta có thể mời cả phóng viên nước ngoài tuy nhiên khi sử dụng cách này chúng ta phải lưu ý đến Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC mà ASEAN đã ký với Trung Quốc. Trong đó nói rõ các nước phải kiềm chế, giữ nguyên hiện trạng, không làm gì khiến tình hình xấu đi. Thế nhưng phía Trung Quốc cho đến nay đã liên tục vi phạm trắng trợn DOC, Trung Quốc đã đưa tàu thuyền ồ ạt kéo xuống Trường Sa. Tệ hơn nữa là họ đã dùng vũ lực lại đưa cả phóng viên báo chí truyền thông vào cuộc tuyên truyền bất hợp pháp cho “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc và làm tình hình trở nên rất căng thẳng. Còn ở Hoàng Sa Trung Quốc tổ chức đi du lịch phi pháp, trong khi một mặt Trung Quốc gây sức ép với các nước phải thực hiện cam kết DOC đã ký, mặt khác chính Trung Quốc cho mình cái quyền phá bỏ cam kết. Chúng ta tôn trọng cam kết, đặc biệt là DOC, nhưng không vì thế mà tự mình đánh mất các phương tiện hợp pháp giữ chủ quyền đảo biển đảo của chúng ta ở Biển Đông.  Vì vậy hơn lúc nào hết, Việt Nam chúng ta cần có sự hiện diện của truyền thông, sự hiện diện của các lực lượng bảo vệ các lực lượng thực thi pháp luật ở Hoàng Sa và Trường Sa, thu thập bằng chứng những hành vi của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng DOC cũng như luật pháp quốc tế bằng ảnh vệ tinh, bằng phương tiện kỹ thuật hiện nay chúng ta có. Về việc cơ quan đứng ra đảm trách việc này tôi cho rằng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư phải đứng ra tổ chức thực hiện, sát cánh cùng ngư dân và tiến hàng việc này.PV: Theo ông chúng ta nên có chính sách hỗ trợ cho ngư dân như thế nào, về kinh tế để bà con có thể yên tâm bám biển, gìn giữ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc? 

TS.LS Hoàng Ngọc Giao nguyên Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ.
TS.LS Hoàng Ngọc Giao nguyên Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ.


TS.LS Hoàng Ngọc Giao:
Về mặt hành chính phải hỗ trợ ngư dân bằng cách đưa Cảnh sát biển cũng như lực lượng bảo vệ đi cùng các đoàn tàu đánh cá của ngư dân trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam để cho ngư dân yên tâm đánh bắt. Thực hiện quyền khai thác của ngư dân ta trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam chính là thể hiện sự hiện diện, sự thực thi quyền chủ quyền của ta ở Hoàng Sa và Trường Sa. 
Về kinh tế phải có những quỹ nhất định của nhà nước, ngân sách nhà nước phải giải ngân để hỗ trợ những đội tàu, những ngư dân đánh bắt tại vùng đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong hoàn cảnh thiệt hại phải có sự bù đắp cho ngư dân. Cái này tôi tin chúng ta làm được, người dân Việt Nam sẵn sàng đóng thuế chúng ta bỏ ra 8- 9 chục nghìn tỷ làm việc này việc kia được sao lại không thể bỏ một phần ra làm quỹ để hỗ trợ ngư dân đang đánh bắt cá ở Trường Sa, Hoàng Sa. Về mặt chính sách nhà nước theo tôi phải nên làm ngay để hỗ trợ ngư dân không chỉ thuần túy về mặt kinh tế. Nên nghĩ đây là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với ngư dân những người dám đứng mũi chịu sào khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam tại mỗi nơi họ đánh bắt cá.PV: Theo ông có nên tập huấn cho ngư dân cũng như tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của ta và đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa  và Trường Sa hay không? Cơ quan nào nên đứng ra tổ chức?
TS.LS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi việc này rất cần thiết, chúng ta dùng biện pháp đấu tranh với Trung Quốc nhưng phải khéo léo và cương quyết trong từng trường hợp. Chúng ta nên tránh xung đột nhưng phải ghi lại hình ảnh, tọa độ vi phạm của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam đưa lên công luận quốc tế. Như vậy tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải chùn. Chính quyền địa phương các cấp nên tập huấn phối hợp lực lượng Cảnh sát, Kiểm ngư trên biển trao đổi chia sẻ với ngư dân về vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lực