Đưa người nước ngoài vào trường công lập dạy tiếng Anh vì học trò hay nguồn thu?

25/02/2022 06:40
Lâm Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dạy học Anh văn với giáo viên bản ngữ ở thời điểm dịch Covid-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, khá nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dạy Anh văn bản ngữ cho học sinh bậc phổ thông. Học sinh học Anh văn với giáo viên nước ngoài khi dịch Covid-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại, không biết hiệu quả đến đâu.

Dạy học Anh văn bản ngữ giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng

Trung tuần tháng 2/2022, tôi rất bất ngờ khi chứng kiến học sinh 2 trường phổ thông có nhiều cấp học ở Quận 12 học Anh văn với giáo viên nước ngoài. Tôi bất ngờ vì chưa bao giờ hình dung ra cảnh thầy trò mang khẩu trang lại có thể dạy, học tiếng Anh giao tiếp - cho dù Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không cấm.

Tôi hỏi thêm một số giáo viên dạy bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở một số quận như: Bình Tân, Quận 10... thì thầy cô đều xác nhận rằng, học sinh đơn vị sở tại cũng đang học Anh văn với giáo viên nước ngoài.

Dạy phát âm tiếng Anh cần luyện khẩu hình miệng, thầy và trò đều đeo khẩu trang thì hiệu quả học tập đến đâu? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: english4u.com.vn)

Dạy phát âm tiếng Anh cần luyện khẩu hình miệng, thầy và trò đều đeo khẩu trang thì hiệu quả học tập đến đâu? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: english4u.com.vn)

Ngày 15/2/2021, tôi trò chuyện với thầy giáo người Australia đang dạy hợp đồng thỉnh giảng một trường phổ thông (xin phép không nêu tên) ở Quận 12 thì được biết, thầy nghỉ phòng dịch bệnh gần cả năm nay nên khi nghe trung tâm thông báo đi dạy lại thì mừng lắm.

Thầy nói đại ý, thầy sống ở Sài Gòn đã 15 năm nay, vợ mất, có 3 người con, mưu sinh chủ yếu bằng nghề dạy học ở các trung tâm và trường học. Trước lúc chưa dịch bệnh, thầy đi dạy khắp nơi nhưng khi dịch Covid-19 phức tạp thầy cũng gặp nhiều khó khăn, hơn nữa không được gặp học sinh cũng buồn.

Thầy cho biết, ban giám hiệu phân công thầy dạy từ lớp 9 đến lớp 11, mỗi lớp 1 tiết/tuần (lúc chưa dịch bệnh thì số tiết dạy gấp đôi). Theo nhận xét của thầy, học sinh những lớp thầy dạy rất lười, các em ít giao tiếp nhưng nói chuyện riêng nhiều lắm, ồn ào mất trật tự.

Tôi chia sẻ với thầy, sở dĩ học sinh ít giao tiếp vì thiếu vốn từ, phát âm không chuẩn kéo theo nghe không rõ - một phần vì giáo viên mang khẩu trang - nên các em chỉ biết nói chuyện cho hết giờ. Thầy trò lại bất đồng ngôn ngữ nên học sinh có tâm lí không sợ như khi học với giáo viên người Việt.

Ngày 22/2/2022, tôi hỏi đồng nghiệp là giáo viên dạy môn tiếng Anh một trường phổ thông (xin phép không nêu tên giáo viên và đơn vị) ở quận Bình Tân để biết thêm về tình hình học sinh học Anh văn với giáo viên nước ngoài thế nào. Thầy thông tin, hiện tại nhà trường cũng đang triển khai cho học sinh học Anh văn với người nước ngoài bình thường.

"Thầy trò mang khẩu trang dạy học nên hiệu quả thấp, kiểu chữa cháy sau thời gian dài dừng học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Một số học sinh nghe nói tốt thì tranh nhau nói chuyện với thầy cô, còn lại chỉ làm việc riêng cho hết giờ", thầy giáo nói thêm.

Học Anh văn bản ngữ, vì chất lượng hay nguồn thu?

Cá nhân người viết nhận thấy, việc các nhà trường triển khai dạy học Anh văn với người nước ngoài ở thời điểm dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại là rất khó nâng cao chất lượng cho học sinh (chỉ tạo thêm nguồn thu) vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, tôi đã trao đổi với 3 giáo viên dạy tiếng Anh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú thì được biết, hiện nay có rất ít giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh trong trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

"Giáo viên bản ngữ (native English speaker teacher) là những người đến từ các quốc gia sử dụng ngôn ngữ duy nhất đó là tiếng Anh hoặc tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất. Một số quốc gia được công nhận là native English speaker (bản ngữ) như Anh, Mỹ, Australia, Canada, South Africa, Ireland, New Zealand…", thầy V.Đ.H ở quận Tân phú nói thêm.

Các thầy cô khẳng định, nhiều giáo viên đến từ một số quốc gia như Bangladesh, Malaysia, Philippines... Vậy nên, nhiều trường dùng cách nói giáo viên "bản ngữ" là vừa sai lạc về ngữ nghĩa vừa lập lờ đánh lận... phụ huynh để dễ bề lôi kéo học sinh theo học và thu tiền.

Còn phụ huynh, đa số thấy con em mình được học Anh văn với giáo viên nước ngoài thì yên tâm, học phí đóng theo tháng khá thấp nên cũng chẳng mấy ai có ý kiến gì. Học sinh nhỏ tuổi chỉ biết nghe lời cha mẹ, thầy cô, các em lớn hơn phải chịu sự sắp đặt sẵn của nhà trường nên không còn cách nào khác là phải học theo thời khóa biểu mặc định.

Thứ hai, giáo viên và học sinh mang khẩu trang thì gặp rất nhiều khó khăn trong lúc học phát âm từ vựng. Bởi một từ khi được phát âm ra thì bị chi phối bởi 3 yếu tố: vị trí của lưỡi, độ mở của miệng và hình dáng của môi.

Ví dụ khi phát âm nguyên âm /i:/ ta thấy:

- Hình dáng của môi: không tròn môi, miệng mở rộng sang hai bên, khoảng cách môi trên và môi dưới hẹp.

- Hướng đưa của lưỡi: mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng.

- Độ cao của lưỡi: phía đầu lưỡi cong, đưa lên gần ngạc trên, lưỡi chạm vào hai thành răng trên.

- Độ dài của âm: âm dài. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản, có thể kéo dài.

Ngữ âm tiếng Anh khác với ngữ âm tiếng Việt. Học sinh mang khẩu trang thì làm sao giáo viên nước ngoài có thể quan sát được vị trí của lưỡi, độ mở của miệng và hình dáng của môi để giúp các em sửa chữa?

Học sinh học Anh văn với giáo viên nước ngoài nhằm mục đích được nghe phát âm chuẩn, có môi trường giao tiếp để thực hành. Tuy vậy, lấy ít nhất một lớp có 35 học sinh (sĩ số lí tưởng), học 45 phút (1 tiết) thì mỗi em được nói mấy câu với thầy cô trong giờ học?

Lẽ ra, lãnh đạo phải chỉ đạo giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh dành thời gian tự học trực tuyến tiếng Anh từ các bài giảng trên môi trường Internet mới phải. Mỗi ngày các em chỉ cần nghe người bản ngữ nói 30 phút, sau đỏ tổ chức thành các nhóm nhỏ giao tiếp thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Thứ ba, theo tìm hiểu của tôi, các trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh thu tiền học Anh văn với người nước ngoài khá chênh lệch nhau. Có trường thu 300.000 đồng/học sinh/tháng (thời điểm chưa dịch bệnh) nhưng trường khác thì thu 220.000 đồng, 250.000 đồng... theo kiểu thu hộ chi hộ.

Và ai dám chắc rằng, trường thu 300.000 đồng thì chất lượng giáo viên cao hơn trường chỉ thu 220.000 đồng? Rồi thù lao cho giáo viên trợ giảng (giáo viên Việt Nam) cũng khác nhau, mỗi nơi một kiểu. Có trường trả cho giáo viên 120.000 đồng/tiết, thậm chí có trường chỉ trả 70.000 đồng.

Có trường công khai tài chính, cuối năm giáo viên có thêm một chút thu nhập tăng thêm từ nguồn dạy học Anh văn với người nước ngoài, nhưng cũng có trường bảo thu đủ bù chi - nghĩa là không còn dư đồng nào thì giáo viên cũng chỉ biết vậy. Bởi viêc hợp đồng chi trả thù lao cho giáo viên nước ngoài thế nào là do hiệu trưởng kí với các trung tâm cung cấp nhân sự chứ thầy cô có biết gì đâu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lâm Ly