Học tiếng Anh với cả giáo viên Việt Nam lẫn nước ngoài sẽ tốt hơn

20/09/2021 13:54
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với tôi, điều có ích nhất là giúp học sinh vượt qua nỗi sợ bản thân, rào cản ngôn ngữ và nói được tiếng Anh, sử dụng kĩ năng này để khám phá về thế giới.

Việc học tiếng Anh chưa bao giờ là vấn đề hết nóng, nhất là ở các cấp học phổ thông. Lựa chọn phương pháp học tiếng Anh thế nào luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm hàng đầu của người học và gia đình các em. Có nhiều ý kiến cho biết họ thường quan tâm đến việc nên chọn học với giáo viên nước ngoài, hay theo học giáo viên trong nước, chứ không mấy khi tìm hiểu xem con mình được học theo phương pháp nào, có phù hợp với lứa tuổi hay không.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Nguyễn Thị Chỉnh - Tổ phó Tổ tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cô Chỉnh cho biết: “Theo tôi, khi học một ngôn ngữ mới mà có được môi trường giáo viên nước ngoài giảng dạy thì học sinh sẽ được nghe và phát âm theo bản ngữ, từ đó hình thành phản xạ một cách tự nhiên, và sử dụng ngôn ngữ cũng rất tự nhiên.

Một điều cần lưu ý, nếu học sinh học ngôn ngữ thứ 2 sẽ rất khác với môi trường tiếng Anh của các em là môi trường ngoại ngữ, ở đây chúng ta có hai nhóm môi trường học. Thứ nhất là môi trường tiếng Anh, nhóm này học sinh được hòa nhập vào môi trường tiếng Anh dần dần qua những tiết học trên lớp. Thứ hai là nhóm Ngoại ngữ, nhóm này bắt buộc toàn bộ các thầy cô, cha mẹ, gia đình, môi trường sống… xung quanh con đều nói tiếng Anh.

Các con được học tiếng Anh ở trường với thầy cô người nước ngoài thì đã là một lợi thế, nhưng nó vẫn có những rào cản về mặt ngôn ngữ, giao thoa văn hóa. Vậy để giúp cho các con có nhận thức sâu sắc về ngôn ngữ tiếng Anh thì vẫn cần có sự hỗ trợ của giáo viên Việt Nam, giúp các con nắm bắt được về ngữ pháp và hỗ trợ khi cần thiết về mặt văn hóa.

Trong giờ dạy của giáo viên người nước ngoài, nếu có thêm sự quan sát của thầy cô người Việt, hỗ trợ về tâm lí, trợ giảng thì sẽ hiệu quả hơn. Thầy cô nước ngoài mang ngôn ngữ và văn hóa bản địa đến, nhưng học sinh Việt Nam đã tắm mình trong ngôn ngữ tiếng Việt nhiều năm qua, vậy để các em có thói quen và phản xạ nghe nói tiếng Anh trọn vẹn sẽ phải mất nhiều thời gian.

Nhiều học sinh Việt Nam có xu hướng chuyển dịch nói sang Tiếng Việt, bởi điều đó liên quan đến kiến thức nền, vậy ở đây thầy cô Việt Nam sẽ lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ cũng như luôn đồng hành hỗ trợ. Ngoài phần học kiến thức, còn có một phần vô cùng quan trọng là phần tâm lí, nếu làm tốt vấn đề này thì việc học kiến thức mới có hiệu quả cao.

Một vai trò rất quan trọng khi thầy cô người Việt cùng đồng hành trong giờ học tiếng Anh, sẽ dẫn dắt, giúp học sinh hình thành các kĩ năng luyện bài, làm bài cũng như ôn tập củng cố lại cho các con có được nền tảng kiến thức vững chắc, kết hợp với kĩ năng nghe, nói, đọc, viết của các con sẽ dần được hoàn thiện một cách tối đa”.

Cô Nguyễn Thị Chỉnh - Tổ phó Tổ tiếng Anh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Chỉnh - Tổ phó Tổ tiếng Anh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Cần lựa chọn phương pháp phù hợp

Cô Chỉnh chia sẻ: “Đối với tôi, điều có ích nhất là giúp học sinh vượt qua nỗi sợ bản thân, rào cản ngôn ngữ và nói được tiếng Anh, sử dụng kĩ năng này để khám phá về thế giới.

Khi luyện tập nói tiếng Anh hàng ngày cho học sinh, dù nói ít hay nhiều thì chắc chắn suy nghĩ của các con sẽ thay đổi, vốn từ giao tiếp được cải thiện rõ rệt và nó cứ tăng dần đều theo số lần luyện tập. Học sinh thấy được thầy cô khen ngợi, được bạn bè công nhận sự tiến bộ của mình, từ đó thêm động lực để luyện tập và kiên trì với việc đó. Khi thầy cô chỉ ra cho các con thấy những lợi ích mà việc luyện tập đó có thể đem lại thì chắc chắn học sinh sẽ làm theo.

Tôi lập 1 nhóm riêng cho các con luyện tập nói tiếng Anh hàng ngày, thống nhất nội quy trong nhóm, cùng đặt mục tiêu luyện tập nói tiếng Anh trong 30 ngày liên tiếp theo các chủ đề mà học sinh đã và đang học trên lớp.

Sau 30 ngày, khi học sinh đã tạo được thói quen nói tiếng Anh, tôi tiếp tục đặt mục tiêu luyện nói đến 50 ngày liên tiếp, và rồi niềm yêu thích tiếng Anh đã ngấm dần trong tâm trí của trẻ, các con luôn nhớ 1 việc đó là luyện nói tiếng Anh hàng ngày. Như vậy, thay vì các con luyện tập đơn lẻ, nhàm chán và không có mục tiêu thì các con vừa được luyện tập trong một cộng đồng an toàn.

Lúc đầu, có những học sinh chê bai bạn nói tiếng Anh thế này hay thế khác, phát âm không tốt…nhưng vì đã có nội quy nhóm nên học sinh đã có sự tôn trọng bài nói của bạn mình, tôn trọng sự khác biệt của bạn, lắng nghe các bài nói của bạn mình để học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân trong bài tiếp theo.

Thay vì việc thưa cô: Con phải đi học nhiều lắm không có thời gian trống. Cô ơi bài này khó thế. Cô ơi con không biết làm… Tôi đã kiên trì hướng dẫn cho từng con cách làm, và để bây giờ học sinh của tôi đã thực hiện được liên tục sắp tới đích 200 ngày luyện tập nói tiếng Anh liên tục”.

Theo cô Chỉnh: “Ở Việt Nam, phụ huynh học sinh có nhiều kì vọng vào việc học tiếng Anh của con em mình và thường dạy con tiếng Anh qua tiếng Việt, bắt con làm bài tập như môn Toán, tiếng Việt, hay bắt luyện ngữ pháp và mong muốn cô giáo tiếng Anh của con mình cũng tập trung cho học sinh luyện các dạng bài tập và phiếu bài tập nhiều hơn.

Trong khi học tiếng Anh, chức năng quan trọng nhất là giao tiếp. Khi đọc nhiều tài liệu về việc dạy và học tiếng Anh, tôi nhận thấy học sinh ở bậc tiểu học có thể nghe, hiểu âm thanh, bắt chước được và dễ dàng điều chỉnh.

Những ngày đầu tiên của năm học, khi yêu cầu học sinh cố gắng giao tiếp bằng tiếng Anh, các con có phần lo lắng vì sợ sai, sợ bị cô và các bạn cười, sợ mình phát âm không tốt…Sau một, hai tháng liên tục kiên trì luyện tập, khuyến khích, việc nói và sử dụng tiếng Anh không còn là trở ngại lớn đối với các con, được lắng nghe, và thấu hiểu nên dần dần mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giao tiếp hơn.

Gặp thầy cô ở hành lang là chào bằng tiếng Anh. Có những học sinh còn thú vị hơn khi gặp cô giáo nói chuyện bằng tiếng Việt, con đối đáp ngay bằng tiếng Anh với những câu trả lời phù hợp với tình huống giao tiếp.

Học sinh bắt đầu nói và phản xạ lại bằng những từ đơn giản, sau đó nói được câu ngắn và đoạn hội thoại dài hơn. Sau gần 1 năm học kiên trì, các con học sinh thay đổi từ việc ngại nói, ngại giao tiếp sang nói một cách tự nhiên hơn như đó là câu chuyện của chính mình.

Điều đặc biệt là ngay cả những học sinh được coi là gặp khó khăn trong học tập môn tiếng Anh, nhút nhát, ngại nói, ít tham gia hoạt động nói tiếng Anh và cần sự trợ giúp nhiều từ giáo viên cũng đã tiến bộ rõ rệt”.

Cô Nguyễn Thị Chỉnh và học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Chỉnh và học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Cô Chỉnh nói: “Khi nhận lớp, tôi làm quen với học sinh thông qua những hoạt động chơi để học, các con học tiếng Anh một cách vui vẻ thông qua các bài hát tiếng Anh, những câu chuyện với hình ảnh sinh động theo các chủ đề của chương trình, qua những bài hát mang tính truyền cảm hứng và động lực cho học sinh

Tôi lồng ghép hỏi học sinh với bộ câu hỏi để đánh bay “tảng băng” giữa cô và trò, giữa hai người xa lạ chưa từng được giao tiếp với nhau thông qua một số câu hỏi như: Trong số các con ngồi đây, có những ai là người thích học tiếng Anh? Ai là người rất thích học tiếng Anh? Ai là người không thích học tiếng Anh? Và vì sao lại không thích tiếng Anh?

Học sinh lần lượt giơ tay theo cảm nhận của cá nhân mình. Thoạt đầu các con còn e ngại, ngượng ngùng, nhưng sau khi tôi động viên và hỏi thêm: Ai trong số các con muốn học tiếng Anh tốt mà chưa được? Ai muốn nói tiếng Anh giỏi và tự tin nói chuyện với người nước ngoài?

Con số giơ tay lúc đầu thì thật khiêm tốn, 1, 2, 3, 4 dần tăng lên 5, 6, 7…Chỉ khi học trò tin vào việc mình làm được, các con sẽ mạnh dạn và tiến về phía trước để đón nhận kiến thức, kĩ năng mới, chủ động trong việc học tập của mình”.

Giáo viên cần phải kiên trì

Cô Chỉnh nhớ lại: “Có cậu học trò tên Q. với dáng người nhỏ nhắn và có phần nhút nhát, chưa dám nói khi giao tiếp. Cậu học trò ấy đến từ Tuyên Quang, Q. theo mẹ và chị gái xuống Hà Nội học tập.

Những tiết học đầu tiên với con quả là gian nan khi tôi được nghe cô giáo chủ nhiệm lớp chia sẻ về việc mẹ của Q. gọi điện xin được chuyển lớp, lí do Q. nói con không thích học ở lớp này, con chẳng hiểu gì khi cô giáo và các bạn nói tiếng Anh mẹ ạ. Các bạn nói được nhiều lắm còn con thì chẳng biết gì.

Tôi đã lắng nghe và thấu hiểu được sự lo lắng của mẹ học sinh đó. Tôi chủ động gọi điện cho mẹ Q. để hỏi thăm và chia sẻ trực tiếp. Tôi nói với mẹ Q.: Bản thân con sẽ học tốt hơn nếu mẹ có niềm tin ở con, tin con tài giỏi con sẽ có động lực để cố gắng. Chỉ cần mẹ làm đúng cách.

Sau buổi nói chuyện hôm đó, tôi bắt đầu gửi các đường link giúp con học từ vựng với nhóm chủ đề quen thuộc về gia đình, đồ ăn, đồ uống, những vật dụng trong nhà, các phòng trong nhà,….và dặn dò các bước làm qua tin nhắn riêng cho mẹ.

Một tuần trôi qua, Q. vẫn thấy khó và chưa thay đổi được nhiều. Hai tuần lại đến khi tôi kiên trì gửi những cách mà tôi chỉ cho Q. tự luyện ở nhà, con nhúc nhích lên một chút. Ngoài ra, khi dạy tại lớp, tôi liên tục quan sát, để ý đến các biểu hiện của con để nhắc nhở và hướng dẫn sâu hơn việc con nên làm.

Một tháng trôi qua, thật bất ngờ khi Q. đã dám giơ tay phát biểu, tôi khích lệ kịp thời, điều đó dường như tiếp thêm sức mạnh cho con để tham gia các hoạt động trong lớp. Hai tháng, rồi đến 3 tháng là lúc các con chuẩn bị thi học kì 1, tôi nhận ra sự thay đổi rõ rệt ở Q. và chính con cũng cảm nhận được điều đó.

Lần đầu tiên, Q. tự mình mang về cho mình điểm kiểm tra học kì 1 bài viết tiếng Anh điểm 10 và bài thi nói được 8 điểm. Con cảm thấy tự hào về điều đó và chia sẻ với cô cảm xúc của con ngay khi con được thông báo điểm thi. Q. nói: Cô ơi, con vui lắm vì từ trước đến giờ con chưa bao giờ được điểm cao như vậy. Con toàn được 5 với nhiều nhất là 6 thôi. Con cũng không biết nói tiếng Anh như bây giờ. Lời cậu học trò chia sẻ với ánh mắt rạng ngời, đầy tự tin đã khiến trái tim nhỏ bé của tôi cũng thấy vui theo”.

Tùng Dương