Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có xử phạt vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở tái phạm, công bố công khai các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sự nguy hiểm khi tôm bị bơm tạp chất đã được báo chí đề cập từ hơn 10 năm trước đây với hai từ “đại dịch”. Đơn cử vào năm 2001, trên địa bàn Bạc Liêu, Cà Mau cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ việc tôm bị bơm tạp chất. Tạp chất mà con buôn dùng để bơm vào tôm nguyên liệu là loại bột trắng có tên CMC (phụ gia được dùng để nén thuốc viên) và Aga. Chất này được pha với nước thành dung dịch sệt, hút vào ống tiêm và dùng hơi bình xịt (bình xịt thuốc trừ sâu) nén vào thân tôm. Cứ 1 kg chất CMC, Aga (giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg) được pha thành 50 lít dung dịch, bơm cho 500 kg tôm. Như vậy trọng lượng lô hàng đã được gia tăng lên 10%, kích cỡ tôm cũng tăng lên khoảng 20%. Nếu tính bình quân giá tôm nguyên liệu ở thời điểm lúc đó là 150.000 đồng/kg thì phần lợi bất chính trên 500 kg tôm đã là trên 20 triệu đồng.
Hiện trường vụ 400kg tôm bị bơm tạp chất tại tỉnh Cà Mau năm 2012. Nguồn ảnh: Internet. |
Năm 2012, tại tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 400kg tôm bị bơm tạp chất. Và chỉ 1 năm sau, Cà Mau phát hiện tổng cộng 69 vụ bơm tạp chất vào tôm, cơ quan chức năng đã lập biên bản tịch thu và bán phát mãi với giá trị tài sản lên tới 1,4 tỷ đồng.
Và vào ngày 24/7 vừa qua, Đội Quản lý Thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý Thị trường Vĩnh Long bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh tôm thương phẩm của ông Đinh Hữu Điền, ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 30 người đang trực tiếp bơm tạp chất gồm rau câu và bột màu trắng không nhãn hiệu vào tôm sú để tăng trọng lượng. Qua khám xét hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 49kg tôm sú đã bơm tạp chất, ước giá trị gần 10 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 1/2014, đội Quản lý thị trường số 5 cũng đã bắt quả tang 26kg tôm càng xanh loại 2 bị bơm thạch rau câu tại cơ sở mua bán tôm của hộ Nguyễn Thị Bé, ở Ấp 3, xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long).
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nói rõ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.
Giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và các Bộ liên quan nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.
Liên quan tới việc xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện trong khai thác thủy sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm và trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh nội đồng và vùng ven biển.
Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng thanh tra, kiểm ngư từ trung ương đến địa phương, chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, các ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản.
Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ, các sở Công Thương trong toàn quốc thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ công nghiệp trái phép