Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi. [1]
Là giáo viên dạy bậc trung học phổ thông, tôi cơ bản đồng tình với nguyên tắc xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Chẳng hạn, đề thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của quá trình tổ chức thi tốt nghiệp...
Tôi cũng đồng tình với các môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tuy vậy, tôi cũng xin có đôi điều về nội dung dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sau đây.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn. |
Thứ nhất, theo dự thảo, thí sinh học chương trình trung học phổ thông dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tôi cho rằng, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải dự thi 6 môn (chương trình chương trình giáo dục thường xuyên thi 5 môn) là chưa theo hướng "giảm áp lực" (Nghị quyết 29/TW) và "gọn nhẹ, giảm áp lực" (Nghị quyết 88/2014/QH13) theo tinh thần các Nghị quyết.
Bởi, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay được tổ chức với 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên - Vật lí, Hóa học, Sinh học hoặc Khoa học xã hội - Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân), thí sinh phải thi 6 môn.
Từ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, thí sinh cũng phải thi 6 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học) thì vẫn chưa thấy kì thi này gọn nhẹ, giảm áp lực ở đâu cả.
Chưa kể, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay được tổ chức 4 ngày, trong đó 1 ngày hội đồng thi chuẩn bị các khâu, thí sinh làm thủ tục trước ngày thi; 2 ngày thi chính thức; 1 ngày dự phòng.
Còn theo dự thảo, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ tăng thêm 1 ngày, tổng là 5 ngày. Cụ thể, 1 ngày hội đồng thi chuẩn bị các khâu, thí sinh làm thủ tục trước ngày thi; 3 ngày thi chính thức; 1 ngày dự phòng.
Kì thi kéo dài thêm 1 ngày vừa gây áp lực cho thí sinh vừa khiến khâu tổ chức thi phức tạp hơn vì liên quan đến các yếu tố: thời gian, công sức, tiền bạc.
Tôi đề xuất, nếu học sinh chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông thì các em chỉ cần thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Các em có thể lấy kết quả của 4 môn thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phù hợp với các tổ hợp tương ứng. Học sinh nào có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng các tổ hợp khác thì các em được phép chọn thi thêm 2 môn nữa.
Thứ hai, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ phần Đọc hiểu như hiện nay vì việc thiết kế các câu hỏi (4 câu) tủn mủn, vụn vặt, dễ dãi (câu 1, 2) và trùng lắp nội dung phần Làm văn (câu nghị luận xã hội), khó đánh giá chính xác năng lực thí sinh.
Thay vào đó, thí sinh được phép được chọn 1 trong hai câu: viết bài luận (trên 1200 chữ) hoặc viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học (thơ, văn xuôi) ngoài sách giáo khoa.
Ngoài ra, nhiều năm qua còn có hiện tượng một số tỉnh thành chấm môn Ngữ văn theo cảm tính, chênh lệch phổ điểm giữa các địa phương rất lớn gây mất công bằng cho các thí sinh xét tuyển vào đại học.
Ví dụ, số lượng và tỉ lệ thí sinh đạt mức điểm cao môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 của tỉnh An Giang vượt trội so với các tỉnh thành khác và so với chính tỉnh này các năm trước đó. [2]
Kết quả phân tích dữ liệu điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy năm 2020 An Giang là tỉnh có điểm trung bình môn Ngữ văn cao nhất nước, với mức điểm là 7,62.
Là giáo viên có thâm niên dạy môn Ngữ văn lớp 12 hàng chục năm, tôi băn khoăn về vấn đề này. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án chấm thi môn tự luận Ngữ văn thời gian tới để tránh sự chênh lệch nếu có.
Thứ ba, tôi đề xuất kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên được tổ chức vào giữa tháng 6 hàng năm, không nên kéo dài đến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Khoảng từ 25/5 đến 31/5, các nhà trường trung học phổ thông đã tổ chức lễ tổng kết năm học. Các khâu chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần thực hiện trong 2 tuần là đủ.
Cũng trong thời gian này, giáo viên có thể tổ chức ôn thi cho học sinh hoặc các em tự ôn tập ở nhà dưới sự trợ giúp của thầy cô qua mạng Internet. Như thế sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm sẽ giảm được áp lực tâm lí cho thí sinh, giáo viên cũng hoàn thành nhiệm vụ và được nghỉ hè sớm. Hiện nay, giáo viên bậc trung học phổ thông có thời gian nghỉ hè rất ít vì kì thi này tổ chức quá muộn.
Ngoài ra, theo quan điểm của người viết, năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhưng từ kì thi năm thứ hai sau đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu giao cho một số tỉnh thành, chẳng hạn các thành phố trực thuộc trung ương, chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Luật Giáo dục hiện hành, quy định học sinh hoàn thành chương trình trung học phổ thông, đủ điều kiện thì được dự thi, đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Ở đây, không nói rõ kỳ thi cần triển khai ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giao việc tổ chức cho các địa phương.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-se-gom-nhung-mon-nao-post233808.gd
[2] https://thanhnien.vn/diem-thi-mon-van-cua-an-giang-cao-dot-bien-185989101.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.