Giáo viên có vài góp ý đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

24/02/2023 06:41
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên nêu một số ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Ngày 18/2/2023, chia sẻ về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thông tin:

"Số môn thi hiện đang được các chuyên gia xây dựng và sẽ trình Chính phủ xin ý kiến. Đến năm 2024 sẽ có thông báo điều chỉnh, các em học sinh và thầy cô yên tâm việc thi cử sẽ tập trung vào 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Ngoài ra trong các môn học lựa chọn sẽ có cân nhắc một số môn thi phù hợp để đảm bảo các cơ sở đại học có cơ sở để tuyển sinh". [1]

Trước thông tin này, người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông, xin có đôi điều cùng chia sẻ.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Nên thi bao nhiêu môn bắt buộc, tự chọn?

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay được tổ chức với 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).

Bàn về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tập trung vào 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ và một số môn thi phù hợp (trong các môn học lựa chọn).

Cá nhân tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức 4 môn thi bắt buộc là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy vậy, ngoài 4 môn thi bắt buộc, có thể học sinh phải thi thêm ít nhất 2 môn, sẽ gây quá tải cho các em trong việc học và ôn thi. Cùng với đó, thêm môn thi bắt buộc sẽ kéo theo khâu tổ chức thi phức tạp hơn.

Tôi đề xuất, nếu học sinh chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông thì các em chỉ cần thi 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Các em cũng có thể lấy kết quả của 4 môn thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phù hợp với các tổ hợp tương ứng, ví dụ: Toán - Ngữ văn - tiếng Anh; Toán - Ngữ văn - Lịch sử; Ngữ văn - Lịch sử - tiếng Anh.

Học sinh nào có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo khối A, B truyền thống thì các em được phép chọn thi thêm 2, 3 môn nữa (tuỳ nhu cầu).

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để bàn phương án thống nhất trong việc xét tuyển sao cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi của thí sinh là trên hết.

Hiện tại, một số trường đại học đưa ra những tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo, chương trình đào tạo, gây khó khăn cho sinh viên trong quá trình học, kể cả sau khi các em tốt nghiệp.

Ví dụ, ngành sư phạm Vật lý xét tổ hợp D01 (Toán - Văn - Tiếng Anh); ngành Sư phạm Hóa học xét tổ hợp D01 hoặc C01 (Văn - Toán - Lý); ngành sư phạm Lịch sử xét các tổ hợp D01, D15 (Văn - Địa - Tiếng Anh).

Việc trường đại học xét tuyển theo tổ hợp "lạ" (so với các khối thi truyền thống) làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển.

Cần xây dựng lộ trình thi trắc nghiệm trên máy tính

Tôi nhận thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính là hoàn toàn khả thi và mang lại nhiều ưu điểm.

Đó cũng là xu hướng giáo dục chung trên toàn thế giới, nhằm đem đến sự công bằng, minh bạch trong kết quả thi cũng như tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc trong khâu tổ chức thi.

Việc tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gian lận thi cử như đã từng xảy ra.

Theo các chuyên gia, công nghệ thông tin giúp ngăn chặn một cách hữu hiệu việc can thiệp của con người làm sai lệch kết quả thi.

Thi trắc nghiệm trên máy tính sẽ ngăn chặn được việc thí sinh trao đổi bài vì máy tính có khả năng trộn đề ngẫu nhiên. Mỗi thí sinh đều có một mã đề riêng biệt, tránh được tình trạng quay cóp, gian lận.

Sau khi thí sinh làm bài thi xong, kết quả thi được trả về máy chủ ngay nên con người rất khó can thiệp vào quá trình thi cử.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam từng nhận định: “Một hệ thống giáo dục kỹ thuật số, nhà trường thông minh không chấp nhận cách thi thiếu sự hỗ trợ của công nghệ”. [2]

Tuy vậy, việc triển khai thi trắc nghiệm trên máy tính vẫn chưa thể triển khai đồng loạt ở các địa phương trên cả nước. Bởi, hạ tầng cơ sở (công nghệ thông tin) ở vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn chưa đảm bảo.

Trước mắt, việc tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính nên thí điểm triển khai ở những địa phương có điều kiện rồi sau đó dần nhân rộng ra cả nước. Như thế, chúng ta phải chấp nhận vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy theo cách thi hiện nay.

Bảo mật và chuẩn hoá ngân hàng đề thi

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 xảy ra vụ sửa điểm ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây chấn động.

Tiếp đến, đề thi môn Sinh học kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 được xác nhận giống đến trên 90% so với bài tổng ôn của một giáo viên luyện thi.

Lỗ hổng mấu chốt của những sự cố, theo nhiều chuyên gia là do cách xây dựng ngân hàng câu hỏi (đề thi) "có vấn đề".

Do đó, đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát quy trình xây dựng câu hỏi, đề thi để bịt kẽ hở, ngăn chặn sai phạm của kẻ xấu.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tránh tình trạng ra đề thi quá dễ hoặc quá khó như đã từng xảy ra ở các năm trước - minh chứng là, năm 2018 quá khó và năm 2021 lại dễ. [3]

Số liệu thống kê cho thấy, 2018 là năm có đề thi khó nhất vì có điểm trung bình các môn và số điểm 10 thấp nhất. Ngược lại, 2021 là năm có đề thi dễ nhất, khi điểm trung bình các môn và số điểm 10 cũng cao nhất.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp và có độ phân hóa cao nhằm phân loại học sinh, giúp các trường đại học có cơ sở để tuyển sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-du-kien-so-mon-thi-tot-nghiep-tu-nam-2025-tro-di-post233200.gd

[2] https://vietnamnet.vn/khong-tri-hoan-lo-trinh-thi-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-571202.html

[3] https://thanhnien.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-can-phan-hoa-de-khong-con-mua-diem-10-1851466220.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương