Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
The Moscow Times ngày 8/12 bình luận, cuộc gặp gỡ cuối tuần qua giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cung cấp cho Paris cơ hội thay thế Berlin trở thành nước trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây, ngăn chặn mối quan hệ này lao xuống vực, Tatiana Kastueva Jean từ Viện Quan hệ quốc tế Pháp cho biết.
Đối với Pháp, vươn sang Nga giúp Tổng thống Hollande gia tăng ảnh hưởng đang bị suy giảm và duy trì chiến lược độc lập tương đối trong hoạt động đối ngoại của Paris. Nhưng nỗ lực này có thành công hay không còn phụ thuộc vào Điện Kremlin và các cường quốc phương Tây khác, Arnaud Dubien, một học giả về quan hệ Pháp - Nga nhận định.
Theo Dubien, mọi người đều thiệt hại nếu không có một hành động ngay bây giờ. Hollande đã gặp Putin tại sân bay Vnukovo ngoại ô Moscow hôm Thứ Bảy vừa qua để thảo luận về tình hình Ukraine. Các chuyên gia cho biết Moscow và Paris dường như đã tìm được tiếng nói chung về Ukraine. Pháp có khả năng cam kết sẽ đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Đây là điều chính quyền ông Putin lo ngại nhất.
Mặc dù Pháp đã ủng hộ lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga vì khủng hoảng Ukraine, nhưng Paris có một lập trường "vừa phải" với Moscow. Hollande là một tron số ít các nhà lãnh đạo phương Tây không tỏ ra lạnh nhạt hay tẩy chay Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane của Úc hồi tháng trước. Pháp cũng không ép các doanh nghiệp cắt quan hệ làm ăn với Nga như Đức đã làm.
Kim ngạch thương mại song phương Nga - Pháp ở mức khiêm tốn khoảng 15,6 tỉ USD chiếm 2,4% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài của Nga trong 10 tháng đầu năm nay. Theo Hải quan Liên bang Nga, nó đã bị thu hẹp trong vài năm qua.
"Đồng minh" chính của Nga ở phương Tây cho đến gần đây là Đức, Thủ tướng Angla Merkel đã chủ trương theo đuổi một lập trường mềm dẻo với Nga kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine. Nhưng thái độ của bà đã thay đổi sau các cuộc hội đàm với Putin bên lề G20 tháng trước
Hollande đã vươn tới chỗ Putin như một nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng của Đức trong EU, Kastueva Jean bình luận. Pháp là quốc gia lớn cuối cùng có thể hòa giải giữa Nga và phương Tây, Dubien nhận xét.
Những nỗ lực của ông Hollande được cho là noi gương người tiền nhiệm Sarkozy. Năm 2008 Tổng thống Sarkozy đã trở thành nhà trung gian hòa giải trong cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia tại tỉnh ly khai Nam Ossetia. Tuy nhiên thành bại của nó còn phụ thuộc vào thái độ của Washington, Brussels và Moscow, có thể trong vài ngày tới sẽ có câu trả lời.
Nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội này để kết thúc cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, các cánh cửa đối thoại sẽ có thể bị đóng lại trong một thời gian nữa, ít nhất là 1 tháng.