Đừng đặt mưu cầu lợi ích từ khoản thu xã hội hóa, phụ huynh sẽ dễ đồng thuận

28/08/2023 10:17
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Nhà trường cần làm đúng quy định về những khoản được thu, đồng thời phải để cho ban CMHS thu chi các khoản đem lại lợi ích cho học sinh làm trọng tâm".

Việc vận động tài trợ cho cơ sở giáo dục gồm chi cho hoạt động giáo dục và cơ sở vật chất nhà trường thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT và quy định hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Dù đã có những quy định rõ ràng nhưng vẫn có những cơ sở giáo dục vận động xã hội hóa không đúng tinh thần hai Thông tư trên, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) và thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hệ thống giáo dục HOCMAI).

Thầy Vũ Khắc Ngọc (bên trái ảnh), Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam (bên phải ảnh).

Thầy Vũ Khắc Ngọc (bên trái ảnh), Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam (bên phải ảnh).

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ, bản thân ông từng công tác tại cơ quan nhà nước về lĩnh vực nghiên cứu, nên ông biết được rằng, việc xin ngân sách để sửa chữa thiết bị của cơ quan phải trải qua nhiều lần kiểm duyệt mới được cấp. Tương tự, tại cơ sở giáo dục công lập cũng như vậy.

"Hiện nay, phần chi ngân sách cho các trường công lập rất là thấp, bên cạnh đó mức thu học phí với học sinh cũng ít, có nơi còn miễn khoản phí này cho học sinh. Vì vậy, việc vận động xã hội hóa trong trường học là việc phải làm, ví như việc lắp đặt điều hòa, máy chiếu... trong lớp học, nhà trường không thể tự đầu tư", thầy Ngọc nói.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, việc thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh) là điều cần thiết, bởi trong tập thể cần có những người đại diện quyền lợi để tập hợp ý kiến đóng góp của mọi người, nhằm đảo bảo những điều kiện tốt nhất cho các con trong việc học tập.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ liên quan đến việc thu chi, còn liên quan đến các hoạt động khác của các con và nhà trường, trong khi ngân sách không thể đáp ứng được.

Việc thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh lớp - trường, cần có sự tự nguyện của chính các phụ huynh trong trường và họ cần phải giám sát các hoạt động của ban. Về phía nhà trường cần phải độc lập, không tác động đến hoạt động thu chi đó.

"Trong hoạt động của ban đại diện phụ huynh cũng có lúc cần đến sự tư vấn của giáo viên. Ví dụ như việc tham gia hoạt động ngoại khóa, nếu không có sự tư vấn của giáo viên có thể sẽ xảy ra vấn đề phức tạp", thầy Ngọc chia sẻ.

Thầy Ngọc cho rằng, giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, nhận sự đánh giá, quan tâm của dư luận. Vì vậy, các thầy cô không thể đặt sự mưu cầu lợi ích trong các khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đối với những khoản vận động xã hội hóa, cần đặt lợi ích chung của học sinh sẽ được hưởng ở trong môi trường được tốt hơn. Nếu không, trong một tập thể sẽ khó có sự đồng thuận.

"Nếu những người đứng đầu ban đại diện phụ huynh lớp đưa ra khoản vận động với mức phí cao, thì các phụ huynh phải giám sát các khoản thu chi. Nếu số đông phụ huynh không đồng tình, cần phải có sự thay đổi cho phù hợp", thầy Ngọc nói.

Cũng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam cho hay, các nhà trường thường dựa trên tinh thần tự nguyện để thu một số khoản xã hội hóa, nhằm đảm bảo quy định pháp lý.

Việc nhà trường không có sự minh bạch trong những khoản thu vận động xã hội hóa, không thực sự phục vụ cho học sinh sẽ gây ra tranh luận. Từ đó, ảnh hưởng đến "thương hiệu" của nhà trường cũng như đến công tác điều hành.

"Nhà trường cần làm đúng quy định về những khoản được thu, đồng thời phải để cho ban đại diện cha mẹ học sinh thu chi các khoản đem lại lợi ích cho học sinh làm trọng tâm", Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam cũng cho rằng, đầu năm học, các gia đình phải đóng nhiều khoản thu, vì vậy nhà trường cũng cần phải tính đến tiến độ để thu cho hợp lý. Đối với việc thu, chi phải thể hiện sự minh bạch và đúng quy định, vì người học. Từ đó sẽ không có những lùm xùm "đến hẹn lại lên"...

Nhà trường không nên tạo cho phụ huynh cảm giác là khi con họ được vào học tập trong trường công lập, được nhà nước hỗ trợ, họ phải đóng góp nhiều khoản. Vì vậy, nhà trường phải tạo cho phụ huynh tâm lý thoải mái và tự nguyện khi đóng góp các khoản, khi đó phụ huynh sẽ không có các ý kiến phản ánh.

Nếu ngược lại, sẽ khiến tâm lý của phụ huynh hiểu rằng, nếu không đóng khoản vận động của nhà trường sẽ khiến con họ không được hưởng quyền lợi công bằng, kỳ thị, trù dập và họ không tin việc đóng tiền là đầu tư cho con họ.

"Nếu chúng ta không xóa tan được tâm lý trên, năm nào câu chuyện lạm thu và nỗi lo trên của phụ huynh sẽ vẫn lại tái diễn", Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.

Cần tăng cường thanh tra, giám sát các khoản vận động xã hội hoá

Bình luận về nội dung trên, luật sư Nguyễn Văn Thái, (Luật sư thành viên Công ty Luật Bross và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, thực tế hiện nay, có những trường không thu khoản dịch vụ ngoài quy định của nhà nước cho phép. Thậm chí, có trường quy định phụ huynh ủng hộ cho nhà trường còn phải có sự đồng ý của Phòng Giáo dục.

Với trường công lập, nhà nước có hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường, trả lương cho giáo viên, trang bị cơ sở vật chất... Tuy nhiên cũng có những khoản đóng góp xã hội hóa khi không có trong quy định, ví dụ như lắp điều hòa...

Đối với trường thiếu cơ sở vật chất, được phụ huynh đồng ý đóng góp để hỗ trợ nhà trường đào tạo học sinh tốt hơn, việc đó nên ủng hộ.

"Nhưng những khoản ủng hộ phải được công khai và nên đưa vào trong các khung quy định của pháp luật, những hoạt động đó được khuyến khích chứ không phải là bắt buộc", luật sư Thái chia sẻ.

Luật sư Thái cho rằng, có những trường hợp, phụ huynh đóng tiền để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị nhưng lại không được làm ngay, khiến học sinh và phụ huynh bức xúc.

Việc ủng hộ đóng góp các khoản dịch vụ trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên cũng khiến nhiều phụ huynh e ngại bởi nếu không tham gia sẽ bị giáo viên chủ nhiệm phê bình, thậm chí trù dập.

Các nhà trường nên đưa ra quy định đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì không phải đóng góp, ủng hộ, khi hội phụ huynh vận động.

Theo luật sư Thái, vấn đề lạm thu đã được pháp luật quy định về việc xử lý. Bởi vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các trường.

"Hàng lang pháp lý quy định về việc xử lý đối với cán bộ trong trường sử dụng sai mục đích, vận động sai các khoản thu cũng đã có. Việc chúng ta cần làm hiện nay là phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra với các trường", luật sư Thái nhận định.

Mạnh Đoàn