The Straits Times ngày 9/1 dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, sau 3 chuyến bay thử nghiệm Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) những ngày gần đây, việc làm thế nào để tránh xung đột bùng phát ở Biển Đông đang trở thành một thách thức ngoại giao ngày càng gay gắt.
Máy bay Trung Quốc hạ cánh thử nghiệm bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam tuần qua. Ảnh: Reuters/Tân Hoa Xã. |
Trung Quốc sẽ chưa dừng leo thang
Các nhà phân tích xem hoạt động bay thử mà Trung Quốc tiến hành trên sân bay ở đá Chữ Thập mà nước này xây dựng (bất hợp pháp) chỉ là bước khởi đầu của Bắc Kinh nhằm củng cố một "trạng thái bình thường mới" mà họ tạo ra trên Biển Đông. Trung Quốc có yêu sách (bành trướng, vô lý và phi pháp) với gần như toàn bộ Biển Đông.
Hoạt động hạ cánh của máy bay Trung Quốc tại đá Chữ Thập đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản, nó làm tăng căng thẳng và đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tiến sĩ Ian Storey, một chuyên gia hàng đầu về an ninh hàng hải khu vực tại Singapore cho biết: "Những gì chúng ta đã thấy trong vài tuần qua đã trở thành 'căng thẳng bình thường mới' ở Biển Đông. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn chủ yếu do việc vận hành các cơ sở hạ tầng trên đảo nhân tạo".
"Trung Quốc đang xây dựng 3 đường băng, tôi đoán là họ sẽ đưa vào hoạt động trong vài tháng tới. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể tạo ra một sự hiện diện lớn hơn, và điều này có khả năng làm gia tăng căng thẳng và dẫn đến những tai nạn khác", ông Ian Storey bình luận.
Đã có những sự cố xảy ra trên Biển Đông khi tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc đâm va. "Một người nói với tôi rằng sự cố xảy ra trên thực tế còn nhiều hơn những gì được công bố. Tôi không nghĩ rằng xung đột sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, nhưng thực tế xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian. Một trong những sự cố có thể xảy ra là một ai đó bị giết", Tiến sĩ Ian Storey nhận định.
Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp một số thực thể ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam để hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp. |
Đừng đổ thừa cho Mỹ và Việt Nam
Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 8/1 có bài viết trên The Diplomat cho rằng, năm 2016 Biển Đông sẽ bớt căng thẳng hơn năm 2015 vì Mỹ tập trung cho bầu cử Tổng thống, và vì thế ít "can thiệp" vào Biển Đông.
Ông Lực đã lờ đi một thực tế, đó là chính Trung Quốc đang leo thang bồi đắp, quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông mới là nguồn gốc gây nên căng thẳng, nguy cơ xung đột đối đầu.
Trong khi Trung Quốc vừa hạ cánh thử nghiệm bất hợp pháp máy bay dân sự ở Chữ Thập, Từ Quang Dụ, một Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu nhận định trên South China Morning Post ngày hôm qua 8/1 rằng, trong nửa đầu năm 2016, Trung Quốc sẽ hạ cánh thử nghiệm máy bay quân sự ở Chữ Thập, Trường Sa.
Rõ ràng đây sẽ là những bước leo thang mới hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên học giả Sun Yun từ Trung tâm Henry L. Stimson cho biết: "Thông điệp mà tôi nhận được, thực sự đó là năm 2016 Trung Quốc không tìm kiếm rắc rối ở Đông Nam Á". Quan điểm và lập luận của bà Sun Yun không khác mấy so với ông Tiết Lực.
Tuy nhiên bà Sun Yun cũng thừa nhận: "Tôi bi quan rằng ASEAN có thể đối phó với Trung Quốc một cách có ý nghĩa. Bà tin rằng chính nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong 10 nước ASEAN đã giúp Trung Quốc chia rẽ cả khối trong vấn đề Biển Đông.
Đáng chú ý nhất là bình luận của Tiến sĩ Zachary Abuza, giảng viên Học viện Chiến tranh Quốc gia trụ sở tại Washington trên The Straits Times rằng, việc tăng cường năng lực phòng thủ của Việt Nam trong những năm qua có thể là nhân tố làm gia tăng bất ổn ở Biển Đông?!
Abuza nói: "Việt Nam đã mua sắm một số lượng lớn hỏa lực trong 3 năm qua. Càng có nhiều vũ khí ở đây, càng làm tăng nguy cơ sai lầm. Nhưng mối quan tâm lớn nhất là một sự cố trên biển."
Hệ thống vũ khí trang bị của Việt Nam chỉ nhằm mục đích phòng thủ, tự vệ, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam không mua vũ khí để xâm lược hay bành trướng.
Mặt khác, nếu nhìn tổng thể trên Biển Đông thì Trung Quốc mới là nước mua sắm vũ khí nhiều nhất với mục đích hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp, biến Biển Đông thành ao nhà, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp cũng như không gian sinh tồn của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Do đó ai đó nói Việt Nam mua sắm vũ khí làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông là hoàn toàn sai trái, có mục đích chính trị lèo lái sự chú ý của dư luận khỏi những hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng giống như lập luận của một số học giả Trung Quốc đổ tội cho Mỹ "khuấy căng thẳng ở Biển Đông", đổ thừa cho Việt Nam cũng là một hành vi gắp lửa bỏ tay người - PV.