Thưởng tiền tỷ
Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành ngày 16/03/2015 vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2015.
Theo đó, Thông tư này quy định rõ việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Thông tư quy định các hình thức khen thưởng như sau: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Bằng khen của người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương).
Tiêu chuẩn khen thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 76/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.
Ngoài mức thưởng được áp dụng theo quy định tại Điều 72, Điều 75 Nghị định 42 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua - khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cụ thể như sau.
Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là mức lương cơ sở); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở.
Riêng trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,45 tỷ đồng).
Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV quy định việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2015 (ảnh QUỐC TOẢN) |
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã hành Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản án.
Theo đó Thông tư này quy định rõ, khi nhận được đơn tố cáo, người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu.
Đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng về hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.
Ý tưởng tốt, nhưng dân tham gia chống tham nhũng thường không phải vì tiền
Giới phân tích trong nước đưa ra nhận định, việc áp dụng khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng là ý tưởng tích cực.
Bình luận về vấn đề này, hôm 1/5, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: “Nội dung Thông tư vừa được ban hành thể hiện ý tưởng, thái độ tích cực của giới chức trong việc khuyến khích người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng”.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, điều người tố cáo hành vi tham nhũng kỳ vọng lại nằm ở chỗ, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để sai phạm, làm trong sạch bộ máy quản lý.
“Từ trước tới nay, rất nhiều người dân có tâm huyết, tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng. Họ vô tư tố cáo các hành vi tham nhũng tới các cơ quan chức năng trước những điều tai nghe, mắt thấy. Có người sẵn sàng bỏ công sức, thu thập bằng chứng, tố cáo tham nhũng, nhưng không phải để nhận tiền thưởng", ông Hùng cho biết.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, thực tế hiện nay cơ quan chức năng chưa thật sự chú trọng việc bảo vệ người tố cáo.
“Người tố cáo tham nhũng đang cảm thấy bị lẻ loi, không được bảo vệ. Có những người kiên trì thực hiện tố cáo, nhưng việc xử lý tố cáo lại chưa đến nơi đến chốn. Do vậy, vấn đề còn nằm ở chỗ, giải quyết tố cáo như thế nào chứ không chỉ dừng lại ở việc tố cáo tham nhũng?”, ông Hùng nêu quan điểm.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: internet) |
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cũng đưa ra quan điểm, Ý tưởng khen thưởng người tố cáo là tốt, tuy nhiên hiệu quả từ Thông tư này mang lại sẽ khó đạt được như kỳ vọng của giới chức.
“Xét về mặt lý luận, bản chất, cách thức xử lý tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc lấy nguồn tin, khen thưởng cho việc tố cáo tham nhũng. Vấn đề tham nhũng phải được xử lý tận gốc - nơi phát sinh tham nhũng..”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng cho rằng, có khá nhiều cán bộ công chức hiện nay khá thờ ơ với công tác phòng chống tham nhũng. Họ sẵn sàng “sống chung với lũ” bởi người ta cảm thấy bất lực trước công tác phòng chống tham nhũng".
Bảo vệ người tố cáo, xử lý triệt để kẻ sai phạm
Giới phân tích cùng chung nhận định, để công tác phòng chống tham nhũng ở nước phát huy hiệu quả hơn nữa, cần đưa ra các biện pháp tổng thể, đồng bộ từ trên xuống.
Về việc này, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, để khuyến khích được người dân tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, cần thiết phải có những địa chỉ tin cậy, cụ thể để họ có điều kiện trình bày, thể hiện quan điểm, tố cáo tham nhũng. Những địa chỉ ấy phải biết lắng nghe dân, thực hiện xác minh cụ thể những điều dân nói”.
“Thực tế, hiện nay người dân tố cáo tham nhũng đang đối diện với nhiều rủi ro (trả thù, trù dập, đe dọa tính mạng…). Ví dụ, người tố cáo tham nhũng là cấp dưới, sẽ khó tránh khỏi chuyện bị cấp trên hoặc người có liên quan trả thù, trù dập. Do vậy, cần phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách hiệu quả.”, ông Vũ Quốc Hùng đề nghị.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng |
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng phát huy hiệu quả, cần phải đưa ra cơ chế chống tham nhũng hiệu quả.
“Phải tạo ra sự tin cậy trong công tác phòng chống tham nhũng. Cơ quan thực hiện công tác phòng chống tham nhũng phải gương mẫu, trong sạch, vô tư, công tâm”, ông Hùng cho hay.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh thì đưa ra quan điểm, bản chất của công tác chống tham nhũng nằm ở chỗ công khai, minh bạch, kết hợp với những cải cách về mặt thể chế...
“Vấn đề xử lý tham nhũng không nằm ở chỗ xử lý tố cáo tham nhũng. Điều cốt yếu là việc tạo ra hệ thống quản lý vận hành trơn tru, ít nảy sinh ra “rác” tham nhũng. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm tới việc cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách (hệ thống phản biện, tiền lương, việc làm, công tác cán bộ…). Có như vậy mới hạn chế được tham nhũng phát sinh”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu giải pháp.