Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/12 đăng lại bài xã luận của Nhân Dân Nhật báo hôm Thứ Sáu tuần trước 19/12 chỉ trích Philippines không tiếc lời xung quanh vụ kiện đường lưỡi bò - Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Samma TV. |
Lý sự cùn
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhắc lại 2 điểm: Không tham gia, không chấp nhận phiên tòa cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan về vụ kiện này. Nhân Dân Nhật báo giễu cợt vụ kiện của Philippines là "trò hề", "chà đạp luật pháp quốc tế", "hoàn toàn mang màu sắc chính trị".
Lập luận của Nhân Dân Nhật báo không có gì mới, ngoài việc cố tình đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm hòng làm lệch lạc bản chất vụ kiện áp dụng và giải thích UNCLOS thành vụ kiện "chủ quyền, phân định biển". Thiết nghĩ phán quyết của PCA hôm 29/10 đã là một câu trả lời đầy đủ.
Nhưng lời lẽ của Nhân Dân Nhật báo lần này dường như cay cú, nghiệt ngã hơn. Nó thể hiện sự bế tắc về lập luận và căn cứ pháp lý nên không còn cách nào khác ngoài lý sự cùn, chính trị hóa các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên càng tiếp tục chạy theo phương châm đối đầu với luật pháp quốc tế, cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ càng lớn.
Trong một động thái khác có liên quan, ông Hồng Lỗi - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần này còn lôi cả nhân dân Trung Quốc ra làm lá chắn trước áp lực dư luận về vụ kiện. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/12, ông Lỗi tuyên bố:
"Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc chỉ được quyết định bởi tất cả người dân Trung Quốc, không một cá nhân hay tổ chức nào khác có quyền xử lý vấn đề này. Chúng tôi kêu gọi Philippines từ bỏ ảo tưởng và bắt đầu lại quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp".
5 cái giá phải trả
Tiến sĩ Mingjiang Li, một Phó giáo sư và là điều phối viên chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore bình luận trên chuyên trang của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS Hoa Kỳ, những tháng tới PCA có hể ra phán quyết trên ít nhất 7 nội dung trong số 15 nội dung Philippines đệ trình.
Khả năng rất lớn là Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của PCA như họ đã tuyên bố. Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho điều này trên ít nhất 5 phương diện. Thứ nhất, tranh chấp Biển Đông sẽ ngày càng được pháp lý hóa. Dư luận quốc tế về cơ bản sẽ xem xét phán quyết của PCA có tính ràng buộc đối với Trung Quốc.
Tiến sĩ Mingjiang Li, Singapore. Ảnh: Fiia.fi. |
Dư luận, truyền thông quốc tế trong các vấn đề, sự vụ liên quan đến Biển Đông sẽ có khả năng ngày càng làm nổi bật những khía cạnh pháp lý hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi có phán quyết của PCA. Báo chí quốc tế sẽ liên tục nhắc đến phán quyết này khi có bất kỳ xung đột hay căng thẳng nào xuất hiện trên Biển Đông. Trung Quốc chắc chắn sẽ bị lên án bởi dư luận, truyền thông quốc tế.
Thứ hai, các tranh chấp ở Biển Đông được quốc tế hóa mạnh mẽ hơn trước. Các bên yêu sách khác, thậm chí cả các nước không có yêu sách ở Biển Đông sẽ cảm thấy thất vọng trước việc Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của tòa.
Khi cảm thấy kiệt sức trong việc tìm kiếm cách đối phó với hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, họ có thể quyết định khuyến khích các cường quốc ngoài khu vực tham gia sâu hơn trong việc quản lý an ninh ở Biển Đông.
Thứ ba, phán quyết của PCA có khả năng kích hoạt những căng thẳng mới ở Biển Đông do một số nước yêu sách có thể có những hành động, chẳng hạn như tăng cường đánh bắt cá, thăm dò khai thác tài nguyên và mở rộng các hoạt động thực thi pháp luật, đặc biệt là nếu đường lưỡi bò bị PCA bác bỏ.
Lúc này nếu Trung Quốc cản phá, các nước khác dễ tìm tới cơ quan tài phán và khởi kiện Trung Quốc.
Thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và các nước lớn khác ở Biển Đông có thể sẽ gia tăng sau phán quyết của Tòa. Biển Đông không chỉ có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, phân định ranh giới biển, áp dụng và giải thích UNCLOS, mà nó còn liên quan trực tiếp đến cấu trúc an ninh, cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bất kỳ cuộc xung đột hay căng thẳng nào ở Biển Đông có khả năng nhắc nhở Mỹ phải có phản ứng. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy Hoa Kỳ chịu lép vế trong vấn đề Biển Đông.
Trên thực tế, vụ kiện này còn có thể tăng cường sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông, ngoài ra còn có Nhật Bản và Úc cũng sẽ có cách tiến hành hoạt động của riêng họ để bảo vệ tự do, an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Thứ năm, Trung Quốc có thể gặp phải những thách thức ngoại giao nghiêm trọng hậu phán quyết của PCA. Vài năm qua, mối quan tâm của các nước Đông Nam Á về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng lớn. Quan điểm của khu vực có khả năng sẽ thay đổi nhiều hơn sau phán quyết của Tòa.
Bắc Kinh có thể khó khăn hơn trong việc triển khai 'sáng kiến' Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Đồng thời cũng rất có khả năng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn ngoại giao lớn hơn trong các diễn đàn đa phương ở châu Á - Thái Bình Dương khi Biển Đông thường xuyên được nhắc tới.
Trung Quốc sẽ rất khó khăn (thực tế là không thể) thuyết phục dư luận rằng, phán quyết của PCA là bất công, bất hợp pháp nên mới bỏ qua nó. Về mặt chiến lược, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là làm thế nào để cân bằng chiến lược, an ninh, chính trị và lợi ích kinh tế trong khu vực sau khi phớt lờ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.