Nikkei ngày 21/12 đưa tin, Nhà Trắng đang cố gắng thu xếp để mời các nhà lãnh đạo ASEAN sang Hoa Kỳ hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Sunnylands, Nam California vào tháng 2/2016 để củng cố đoàn kết trong khối ASEAN trước chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi ASEAN tích cực hỗ trợ, ủng hộ TPP.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Kualar Lumpur tháng trước, ảnh: Washington Times. |
Báo Nhật bình luận, ông Obama và các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN vừa có cuộc họp tại Kualar Lumpur, Malaysia trong tháng 11/2015. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế, ông chủ Nhà Trắng lại muốn gặp gỡ lãnh đạo 10 nước ASEAN tại Hoa Kỳ là điều hiếm thấy.
Địa điểm gặp được xác định là Sunnylands, nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của Hoa Kỳ mà ông Obama từng tiếp ông Tập Cận Bình lần đầu tiên năm 2013. Một quan chức chính phủ Mỹ nói với Nikkei, chỉ có những trường hợp đặc biệt Nhà Trắng mới tiếp khách ở Sunnylands. Điều này cho thấy Washington đặc biệt coi trọng hội nghị thượng đỉnh với ASEAN lần này như thế nào.
Ngoài 2 nội dung nêu trên, dự kiến Tổng thống Barack Obama sẽ hối thúc các bên liên quan thúc đẩy việc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên BIển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để có căn cứ pháp lý ràng buộc giải quyết tranh chấp, hạn chế nguy cơ xung đột chiến tranh.
Động thái Hoa Kỳ điều máy bay ném bom B-52 tuần tra Biển Đông, trong đó 1 chiếc áp sát đá Châu Viên chỉ cách đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp 2 hải lý, được xem như hành động kiềm chế (tham vọng bành trướng của) Trung Quốc.
Trong khu vực, Philippines cũng đang đẩy mạnh hoạt động tăng cường năng lực phòng thủ. Hôm qua 21/12, Tổng thống Benigno Aquino III cho biết, trước khi nghỉ hưu vào năm tới, ông sẽ để lại cho người kế nhiệm một quân đội lớn mạnh hơn, để có thể đương đầu với những thách thức trên Biển Đông.
Ông Aqunino cam kết trước khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ đâu tư khoảng 17,7 tỉ USD để tăng cường vũ khí trang bị không quân, hải quân cho quân đội. Mặt khác, nếu không có gì thay đổi thì giữa năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện đường lưỡi bò.
Cho đến hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khi được hỏi thái độ của Bắc Kinh với vụ kiện, vẫn tiếp tục "lắc đầu quầy quậy" nói rằng, Trung Quốc "không tham gia, không chấp nhận" phiên tòa và phán quyết của PCA.
Đa Chiều ngày 22/12 bình luận, Washington không muốn đối đầu trực diện với Bắc Kinh trên Biển Đông, và càng không muốn để Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc. Trước tình thế Biển Đông có thể sinh biến, Nhà Trắng không thể khoanh tay ngồi nhìn, và ông Obama đã quyết định chọn kế rút củi đáy nồi.
Kế hoạch "hiệu triệu quần hùng" ASEAN tập trung về Sunnylands tháng 2/2016 bàn chuyện Biển Đông cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang muốn củng cố khối đoàn kết giữa các quốc gia Đông Nam Á nhằm tiêu hao ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á vừa qua ở Kualar Lumpur, chỉ có Campuchia, Lào, Myanmar là không lên tiếng về Biển Đông.