Đường sắt cao tốc trị giá 5 tỷ USD
Mới đây, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo số 534, kết luận nội dung làm việc của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong với 1 số tỉnh lân cận về tuyến đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Theo đó, tuyến đường sắt này đã được giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu từ nhiều năm trước, nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long là Cần Thơ.
Đề xuất của đơn vị nghiên cứu, điểm đầu tiên của việc vận tải hành khách là nhà ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), còn điểm đầu của vận tải hàng hóa là nhà ga tàu hàng An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thuộc tuyến đường sắt Trảng Bom, Hòa Hưng.
Điểm cuối của tuyến đường sắt này sẽ đặt tại ga Cái Răng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Dự kiến, vào cuối năm 2024, dự án này sẽ được vận hành thử, rồi đưa vào sử dụng.
Đây là tuyến đường sắt đôi, khổ đường 1.435mm, tốc độ dưới 200km/h cho tàu hàng, trên 200km/h cho tàu khách.
Với chiều dài toàn tuyến là 135,5km, có 11 ga qua 6 tỉnh, thành phố khác nhau, thì thời gian đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ có thể chỉ mất 45 phút, so với khoảng 4 tiếng nếu đi bằng đường bộ như hiện nay.
Bản đồ các nhà ga của đường sắt cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh nối Cần Thơ (ảnh: CTV) |
Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD, tương đương 112.000 tỷ đồng, Trước tầm quan trọng của dự án này, nhiều năm liền, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang kêu gọi vốn đầu tư.
Vốn đầu tư ở đâu ra để đầu tư đường sắt này?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 4/7, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã nói rằng, muốn tính tới một dự án nào, cần phải thực hiện báo cáo tiền khả thi trước, cả về kỹ thuật và nguồn vốn.
Tại kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đang diễn ra, ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng ban Kinh tế, ngân sách thông tin: Vấn đề đường sắt 5 tỷ USD, nối thành phố và Cần Thơ không có trong chương trình họp, nên cũng sẽ không đưa vấn đề này ra để thảo luận tại nghị trường. |
Cụ thể, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nói cần phải nghĩ đến việc áp dụng kỹ thuật nào, đường sắt loại gì, vận tốc ra sao, nhập tàu của ai, nguồn vốn tài chính từ đâu, chi phí thực ra, vật tư, mặt bằng, trang bị tàu tốn kém như thế nào?
Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, cần phải có những ước tính cho hợp lý như vậy, thì mới nghĩ tới việc đầu tư, rồi bàn cách thu tiền từ dự án này qua năm tháng sử dụng.
Quan trọng nhất, cần phải tính tới hiệu quả về kinh tế và cả xã hội của dự án, coi có đáng để đầu tư không, nếu không thì sẽ viển vông.
Số tiền đầu tư cho dự án là 5 tỷ USD là một con số rất lớn. “Trong bối cảnh tình hình nợ công của quốc gia còn cao, thì chúng ta sẽ lấy vốn đầu tư đâu ra xây dựng? Cần phải có sự ưu tiên dự án nào đáng thì làm trước” – Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.
Chính vì thế, ông Nguyễn Thiện Tống đề xuất, không cần thiết phải đầu tư tuyến đường sắt với số vốn cực lớn đến như vậy.
Bởi lẽ, vị chuyên gia này cho rằng, hiện đường bộ đã có những bước phát triển đáng kể, hoàn toàn có thể kết nối tốt từ Đồng Bằng Sông Cửu Long lên thành phố, nên tốt nhất là phát triển hệ thống giao thông đường thủy hiện có, xây các cây cầu đường bộ thật tốt.
Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình – Phó ban Ban kinh tế, ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố thì lại cho rằng, đây là một công trình mang tính cấp thiết, nên làm để kết nối hệ thống giao thông, liên kết vùng.
“Chủ yếu là hiện đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư thôi, chứ công trình này là nên làm” – đại biểu Cao Thanh Bình nhấn mạnh.
Thạc Sĩ Phạm Thái Sơn – Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố cũng đồng tình với quan điểm của ông Cao Thanh Bình, và nói nếu làm được dự án này thì sẽ rất tốt, kết nối hệ thống giao thông vùng miền, những vùng quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Sơn thì nguồn vốn của dự án này “khủng”, nên cần nghĩ đến cách làm thể nào để huy động đủ số tiền này để làm được dự án quan trọng nói trên, và cần phải nghiên cứu kỹ trước khi triển khai.