South China Morning Post ngày 26/10 dẫn nguồn tin hãng Kyodo cho biết, trong cuộc hội đàm chính thức hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khẳng định: hai nước hợp tác thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, họ có cùng quan điểm về sự mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Duterte nói rằng, Philippines sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, thượng tôn pháp luật và giải quyết các tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của các biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các điều ước quốc tế khác mà không được sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.
Phát biểu trong cuộc hội đàm, ông Rodrigo Duterte nói rằng, Philippines sẽ không vượt khỏi khuôn khổ Phán quyết Trọng tài. Đồng thời ông cũng xoa dịu lo ngại của Tokyo rằng, chiến lược phát triển quan hệ với Trung Quốc sẽ không làm đảo lộn quan hệ với Nhật Bản.
Cả Shinzo Abe lẫn Rodrigo Duterte không chính thức đề cập đến các phát biểu gần đây của Tổng thống Philippines về quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ.
Thứ Năm tuần trước khi ông đang ở Bắc Kinh, Rodrigo Duterte nói ông sẽ "chia tay nước Mỹ".
Khi tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật Bản hôm qua, Rodrigo Duterte lại nói ông muốn tất cả binh lính nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Philippines trong vòng 2 năm tới. Nếu cần, ông có thể xem lại các hiệp ước đã ký.
Hai nước đã ký kết thỏa thuận trong đó Nhật Bản cung cấp 2 tàu tuần tra lớn cho Cảnh sát biển Philippines sử dụng vốn vay Nhật Bản. Trước đó Tokyo đã giao cho Philippines 10 tàu tuần tra nhỏ.
Nhật Bản và Philippines cũng ký thỏa thuận cho thuê máy bay huấn luyện TC-90 để Manila sử dụng trong các cuộc tuần tra hàng hải.
Sau hội đàm, Nhật Bản cam kết cho Philippines vay 47,3 triệu USD xúc tiến thương mại nông nghiệp trên đảo Mindanao, nơi Rodrigo Duterte từng làm Thị trưởng Davao.
Ông Duterte mang được gì về cho Philippines từ Trung Quốc mới là điều quan trọng |
South China Morning Post lưu ý, khoản vay này bị lép vế, lấn át so với khoản tiền Bắc Kinh cam kết cho vay, đầu tư vào Philippines lên tới 24 tỉ USD.
Nikkei Asian Review ngày 27/10 bình luận, ông Rodrigo Duterte đã khéo léo cân bằng quan hệ giữa Philippines với Nhật Bản và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Sang Trung Quốc thì ông tránh nói đến Phán quyết Trọng tài 12/7 mà đồng ý giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại "giữa các quốc gia liên quan trực tiếp".
Đến Nhật Bản ông nhắc ngay từ khi ngồi vào bàn hội đàm với Shinzo Abe: Philippines không thể vượt khỏi khuôn khổ Phán quyết Trọng tài 12/7.
Tổng thống Philippines nhấn mạnh, chuyến thăm các nước của ông sau khi nhậm chức chỉ thuần túy thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tuyệt nhiên không bàn mua vũ khí hay liên minh quân sự với nước nào.
"Nổi tiếng với những phát biểu hùng biện bất cần, Rodrigo Duterte đã đánh dấu một sự cân bằng mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều có thể chấp nhận được", Nikkei Asian Review bình luận. [2]
Giáo sư Carl Thayer từ Australia được VOA ngày 27/10 dẫn lời bình luận: "Biển Đông đã không còn là vấn đề (căng thẳng) như trước. Cách Rodrigo Duterte xử lý nó là tháo ngòi nổ và để cho Trung Quốc chấp nhận sáng kiến ngoại giao của mình."
Tuy nhiên những tuyên bố "chia tay Mỹ", theo Giáo sư Thayer ông Duterte nên thảo luận với các nước ASEAN trước khi nói.
Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh quốc tế Bangkok bình luận, chính sách đối ngoại của Rodrigo Duterte liên tục thay đổi có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực trong ASEAN.
Các sự kiện gần đây cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc không ngừng phát triển tại một số nước ASEAN. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ phải suy nghĩ lại về kế hoạch của mình nhằm cân bằng quyền lực. [3]
Tài liệu tham khảo: