Mọi người thường biết đến TS. Trương Gia Bình như một doanh nhân thành đạt chứ ít người biết rằng vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT này còn có rất nhiều “duyên nợ” với lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Bên cạnh vai trò của một doanh nhân, TS. Trương Gia Bình còn đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Anh có thể chia sẻ với độc giả về điều này?
Tôi được khơi nguồn từ những ý tưởng, lời khuyên, lời động viên của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư đã giúp đỡ tôi rất nhiều để thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) – ĐHQGHN vào năm 1995.
Quay ngược lại dòng thời gian về với thời điểm sau khi anh tốt nghiệp Cử nhân Toán tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov – Nga vào năm 1979 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý vào năm 1982. Có một thắc mắc là tại sao anh không theo đuổi con đường trở thành thày giáo mà chuyển hướng thành doanh nhân, phải chăng vì thời đó giáo viên thường gắn liền với khái niệm “ba cọc ba đồng”?
Thế hệ của tôi được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc, sinh ra là người Việt Nam đã là điều hạnh phúc. Tuy nhiên trong một lần ra nước ngoài, tôi gặp phải một sự thật phũ phàng là không phải ai cũng tôn trọng chúng ta và điều ấy là một nỗi đau. Những năm 1980, khi đang là cộng tác viên Viện Hàn lâm Xô Viết, hôm tôi ra sân bay tiễn một người bạn về Việt Nam, tôi chứng kiến cảnh một cảnh sát đã cầm hộ chiếu của cô gái này vứt toẹt xuống đất. Lúc đó tôi mới thấm thía nghèo là hèn, hèn là nhục; cũng tóc đen da vàng nhưng thời điểm đó, cầm giấy tờ Nhật Bản thì người ta được kính trọng.
Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình. |
Năm 1985, tôi về ViệtNam, một người bạn than thở: “Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ?”. Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu, và tôi quyết định lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện Cơ rồi bắt đầu làm kinh tế. Năm 1988, FPT chính thức ra đời với 13 thành viên.
Sau khi đã gặt hái nhiều thành công trên vai trò doanh nhân, tại Diễn đàn ICT Summit gần đây, có vẻ như anh rất hào hứng khi tham gia chủ tọa tiểu ban Giáo dục. Vì sao vậy?
Nếu khoa học - công nghệ là động lực của phát triển kinh tế - xã hội, thì giáo dục, đào tạo là chìa khoá của khoa học - công nghệ. Để nâng cao trình độ, năng lực công nghệ thì không có con đường nào khác ngoài việc đẩy mạnh giáo dục và đào tạo.
Thế giới đang trở nên phẳng hóa, cuộc cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra ngay tại nơi chúng ta đang sống. Việt Nam đã 11 năm nằm trong bẫy thu nhập trung bình thấp. Hàn Quốc vượt bẫy này sau 19 năm, Malaysia là 27 năm còn Philippines đã 36 năm mà chưa thấy lối thoát. Tiền đồ Việt Nam sẽ theo kịch bản nào, như Phillipines hay khá hơn như Malaysia, hay thực sự hóa “rồng” như Hàn Quốc?
Vấn đề then chốt của chúng ta là giáo dục và đào tạo. Không cạnh tranh được nguồn nhân lực, không giải tỏa được sức mạnh của con người Việt Nam thì chúng ta không thể có một tương lai tươi sáng được. Việt Nam cần đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, học ở Việt Nam mà có thể làm ở mọi nơi trên thế giới. Nếu chúng ta đặt mục tiêu như vậy ngay từ lớp mẫu giáo cho tới đại học thì chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp.
Cá nhân anh và các thành viên trong gia đình có bao giờ là nạn nhân của những tiêu cực trong ngành giáo dục – đào tạo hiện nay hay không?
Hiện tại tôi không chịu áp lực gì. Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp khó khăn trong việc xin học cho con. Số lượng trường học có chất lượng tốt hiện nay còn hạn chế, trong khi nhu cầu của các bậc cha mẹ muốn con em mình được giáo dục tiếp thu ở những trường tốt này rất cao. Do vậy tôi mong muốn chúng ta cố gắng nhân rộng mô hình các trường tốt để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trăn trở lớn nhất với giáo dục hiện nay của anh là gì?
Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần đẩy mạnh việc đổi mới giáo dục, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và khai thác tốt nhất cơ hội dân số vàng. Hệ thống giáo dục Việt Nam cần tái kiến trúc nhằm giúp định hướng, phân luồng nghề nghiệp sớm, hướng tới việc học suốt đời. Chương trình đào tạo phải hướng tới toàn cầu hóa, tương thích với nhiều quốc gia, đảm bảo tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập và trao đổi giáo dục quốc tế. Đặc biệt phải chú trọng đào tạo ngoại ngữ. Chúng ta cũng cần hiện đại hóa giáo dục, áp dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục đào tạo. Học sinh phải là trung tâm của việc dạy và học.
Ngoài việc đào tạo ra những chuyên gia có trình độ chuyên môn xuất sắc, hệ thống giáo dục cũng cần quan tâm đào tạo nhân cách, về tính trung thực, sự cần cù, ham học hỏi và đào tạo kỹ năng phát triển cá nhân toàn diện giúp sinh viên thích nghi được với sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, xã hội và nền kinh tế.
Quay lại với vai trò doanh nhân Trương Gia Bình, anh đã, đang và sẽ làm gì để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước nhà?
FPT đã, đang và sẽ liên tục nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ mới áp dụng trong giáo dục và đào tạo như phương pháp học tích hợp tăng cường kỹ năng sinh viên “Blended Learning”, hệ thống quản trị tài nguyên học tập OneLMS, thư viện điện tử, hệ thống quản lý sinh viên CMS,... Với việc số hóa trong giảng dạy và học tập, Đại học FPT đang từng bước áp dụng triết lý đào tạo hiện đại, qua đó biến đổi từ môi trường “đào tạo” (training) với giảng viên làm chủ sang môi trường “học tập” (learning) với sinh viên làm chủ quá trình học tập.
Tính tới thời điểm hiện tại, khối giáo dục FPT đã có hơn 15.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng chính quy và khoảng 55.000 học viên các khóa ngắn hạn trên toàn quốc, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.
Ý tưởng thành lập Đại học FPT phải chăng cũng xuất phát từ mong muốn cải thiện chất lượng giáo dục – đào tạo trong nước của TS. Trương Gia Bình?
Ý tưởng đầu tiên bắt đầu từ thực tiễn “khát” nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đáp ứng cho chính Tập đoàn FPT. Đơn cử, tại Công ty Phần mềm FPT, chúng tôi có hợp đồng nhưng không đủ nhân lực để thực hiện. Dự kiến năm 2013, Công ty Phần mềm FPT cần tuyển thêm 2.000 - 2.500 nhân viên và con số sẽ là 9.000 nhân viên mới vào năm 2015. Đại học FPT chính là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của FPT.
Mặt khác, mong muốn khi thành lập Trường Đại học FPT là xây dựng mô hình của một trường Đại học thế hệ mới, có triết lý giáo dục hiện đại, gắn liền đào tạo với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu nhân lực của đất nước, góp phần đưa ngành công nghệ thông tin Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới.
Anh có thể “bật mí”mong ước của anh về sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong năm tới chứ?
Tôi cho rằng cần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa và lấy học viên làm trung tâm.