Éo le tai nạn đánh răng, nuốt chửng cả răng giả

08/12/2011 07:54
Theo GĐ&XH
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc tiếp nhận bệnh nhân T.T.M. trong tình trạng nuốt nghẹn, đau tức vùng hõm ngực.
Gia đình cho biết, chị M. đã nuốt phải răng giả khi đang đánh răng.
Trên phim Xquang, hàm răng giả có kích thước 4 cm nằm ở khoảng đốt sống ngực 1-2 phía trên cung động mạch chủ khoảng 3 cm. Ca nội soi thực quản cấp cứu được các bác sĩ ở đây nhanh chóng thực hiện, sau hơn 1 giờ đã gắp ra hàm răng giả gồm 5 răng liên tiếp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo BS Nguyễn Thị Thái - Khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc) cho biết, thời gian gần đây, những tai nạn do răng giả gây nguy hiểm đến sức khỏe như trường hợp trên xảy ra không phải là hiếm. Nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều.
Đó có thể là một chút sơ sểnh, chủ quan của người mang răng giả như: nhai, nuốt đồ dẻo, dính; khi vệ sinh răng miệng hay trước khi ngủ không tháo răng giả ra khỏi miệng… khiến răng giả tuột khỏi hàm chui vào thực quản dẫn đến làm rách thực quản, dạ dày, gây chảy máu bộ phận tiêu hóa… Hoặc răng giả có thể rơi vào khí quản sẽ khiến nạn nhân bị khó thở, suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong.
BS Thái cho hay, để tránh những tại nạn không mong muốn như trên, người có nhu cầu mang răng giả cẩn đến khám và tư vấn tại các cơ sở làm răng có bác sĩ chuyên khoa răng, hoặc đến khoa Răng- Hàm- Mặt thuộc các bệnh viện đa khoa. Bởi, nếu kỹ thuật làm răng không đảm bảo, các móc không đặt đúng vị trí, hàm giả quá lỏng không có độ lưu giữ trên cung hàm sẽ khiến bệnh nhân dễ làm tuột răng và nuốt phải trong quá trình ăn uống hay vệ sinh răng miệng.
Ngoài ra, việc chăm sóc hay tháo lắp hàm giả sao cho đúng quy cách tránh những tình huống như trên cũng rất quan trọng mà người dùng cần phải hỏi kỹ các nha sĩ như: đánh sạch răng dưới vòi nước sau khi ăn, để khô rồi cho vào hộp kín, kiểm tra răng định kỳ, không mang răng giả trong khi ngủ, cẩn thận trong lúc ăn, uống, nói, cười…
Đặc biệt, theo BS Thái, theo tuổi tác, nướu của con người dần teo nhỏ lại, hàm răng giả dễ bị lỏng lẻo. Do đó, người mang răng giả cần đến bác sĩ kiểm tra răng giả thường xuyên. “Đối với những người có tuổi đến khám tại khoa Răng – Hằm- Mặt, bệnh viện Thu Cúc chúng tôi sẽ được tư vấn rất kỹ về vấn đề ăn uống hay vệ sinh răng miệng, cách tháo lắp răng để giảm nguy cơ nuốt phải nếu răng giả chỉ phục vụ yếu tố thẩm mỹ cho người mang.
Song, để bảo đảm an toàn, tốt nhất nên cố định răng, còn trong trường hợp răng chỉ phục vụ yếu tố thẩm mỹ thì cần thận trọng trong ăn uống hoặc có thể tháo ra trước bữa ăn để tránh gặp phải tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra như trên”.
Theo GĐ&XH