Gánh từng viên gạch gieo yêu thương trên vùng cao Lũng Hồ

12/09/2020 10:56
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gạch xây dựng lớp học do người dân gánh bộ vận chuyển vào. Từ điểm nhận vật liệu vào bản xa đến vài cây số, mỗi lần chỉ mang theo được vài viên gạch.

Lũng Hồ là một xã vùng cao khó khăn của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Tại đây, năm học nào cũng bắt đầu với niềm vui tựu trường xen lẫn lo lắng, vì sợ mưa lũ có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Năm nay, thầy trò ở Lũng Hồ phấn khởi đón chào năm học mới với các lớp học được xây dựng khang trang, không còn lo có mưa lớn nữa.

10 điểm trường lẻ được xây sửa trong 2 năm

Đó là kết quả nỗ lực bền bỉ qua những lần vận động đến từ các nhóm thiện nguyện, các mạnh thường quân, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang suốt từ năm 2018 đến nay.

Trong niềm vui ấy, thầy Vũ Đức Thân - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điểm trường Ngài Trồ 2 là điểm khó khăn nhất, cũng là điểm trường thứ 10 nhà trường vận động được kinh phí từ xã hội để xây sửa. Đây là điểm trường xây mới do điểm trường cũ xuống cấp quá, không còn an toàn. Điểm trường xây dựng hai lớp học, một phòng giáo viên, một khu vệ sinh và sân chơi.

Mặc dù, được xây dựng gấp rút nhưng vẫn phải đảm bảo đúng an toàn, tiến độ để thầy trò phấn khởi bắt đầu năm học trong phòng học mới sạch sẽ, kiên cố hơn”.

Lũng Hồ, một trong những xã nghèo nhất của huyện vùng cao biên giới Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Nơi đây, 98% là đồng bào dân tộc Mông. Nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều hạn chế.

Để duy trì sỹ số học sinh đạt tỉ lệ cao là một sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân và đặc biệt là các thầy cô giáo bám bản, đưa con chữ về Lũng Hồ.

Điểm trường Ngài Trồ 2, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trước khi được xây dựng. Tường đắp đất, mái lợp tạm, cửa là những phên gỗ cũ nát. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Điểm trường Ngài Trồ 2, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trước khi được xây dựng. Tường đắp đất, mái lợp tạm, cửa là những phên gỗ cũ nát. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Con đường nhỏ bé và lầy lội nhiều năm trời nhưng các thầy cô và học trò vẫn kiên trì bám trụ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Con đường nhỏ bé và lầy lội nhiều năm trời nhưng các thầy cô và học trò vẫn kiên trì bám trụ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ hiện có tất cả 19 điểm trường. Trước đây, khi chưa được xây dựng, các điểm trường xuống cấp, xập xệ, học sinh và giáo viên đều rất vất vả, “nắng đến mặt, mưa đến đầu” vì phòng học hay chỗ ở đều tạm bợ, cũ nát.

Sống tronghoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng nhận thức được sự quan trọng của học tập, bà con nơi đây cùng nhà trường đều ước nguyện có trường, có lớp mới kiên cố để phục vụ giáo dục, với mong muốn đưa tri thức thay đổi vùng cao.

Những phòng học mới cho học sinh, những phòng nghỉ cho giáo viên sau mỗi giờ dạy không chỉ đơn thuần là nơi học, nơi ở của thầy và trò.

Màu ngói đỏ trường học là cả một con thuyền, chở đầy mơ ước của con người ở Lũng Hồ về sự thay đổi cuộc sống mà bắt nguồn đầu tiên từ giáo dục.

Nhớ lại hành trình kêu gọi của mình cùng các đồng nghiệp thầy Thân chia sẻ: “Lần đầu kêu gọi thì rất khó khăn, họ không tin có nơi còn khó khăn như thế. Nhưng sau khi mình gửi hình ảnh, những nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm họ lên tận nơi. Họ ăn cùng dân, ngủ cùng dân mới thấm thía dần những vất vả trong đời sống thì họ sẵn sàng giúp đỡ ngay bằng mọi cách.

Thêm vào đó, chỉ cần là công trình đầu tư giáo dục, đầu tư vào mầm non tương lai của đất nước thì tất cả mọi người đều nhiệt tình và trách nhiệm đến từ chính cái tâm của họ”.

Thầy Thân chia sẻ, có những nhóm thiện nguyện họ cũng lên làm việc, hứa hẹn nhưng rồi cũng không thấy quay lại.

Cũng có những nhóm lên kế hoạch nhưng không đủ kinh phí để làm, thì chính họ lại đi tìm kết nối với những nhóm thiện nguyện khác để hoàn thành các công trình đã đặt ra.

“Cứ thế dần dần, sự kiên trì, thuận lợi và may mắn, nhà trường đã xây, sửa được 10 điểm trường mới. Các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm bây giờ rất thiết thực, rất văn minh và đậm tình người. Nhà trường và đồng bào Lũng Hồ biết ơn họ rất nhiều”, thầy Thân tâm sự.

Đường xa và rất khó đi nhưng người dân và các nhóm thiện nguyện cố gắng vận chuyển vật liệu vào với mong muốn có lớp học được xây bằng gạch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đường xa và rất khó đi nhưng người dân và các nhóm thiện nguyện cố gắng vận chuyển vật liệu vào với mong muốn có lớp học được xây bằng gạch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đồng lòng cùng nhà trường để con em miền núi được đi học

Khi nói về công lao lớn nhất trong việc xây sửa thành công các điểm trường trong hai năm qua, thầy Vũ Đức Thân nói rằng: "Không có bà con đồng bào ở đây cùng chung sức thì không bao giờ có những điểm trường như Nậm Luông, Dì Thàng, Phe Phàng, Lùng Chủ Ván hay như Ngài Trồ 2 mới hoàn thiện cơ bản vào dịp khai giảng năm học mới.

May mắn được các nhóm thiện nguyện kêu gọi đóng góp chi phí, nhưng công lao lớn nhất khi xây dựng các điểm trường cho giáo dục trên miền núi phải kể đến bà con dân tộc nơi đây".

Như các điểm trường khác, Ngài Trồ 2 nằm trên lưng chừng đồi, cách thị trấn Yên Minh 50km, chỉ có xe máy mới vào tận bản, đi lại rất vất vả, lúc lên cao, lúc xuống dốc. Trời nắng thì đường trơ sỏi đá, xe cứ rung bần bật. Trời mưa thì bùn lầy quấn bánh xe chỉ có dắt bộ đẩy lết đi từng đoạn.

Bà con dân bản ở đây rất hồ hởi ủng hộ, vì “họ muốn có ngôi trường xây bằng gạch” - điều chưa bao giờ có ở nơi này.

Cứ thế ngày này qua ngày khác, bà con bảo nhau chuyển từng viên gạch, từng ít vật liệu vào tận bản, xây lớp học cho bọn trẻ.

Chi phí để xây dựng hai lớp học, một phòng giáo viên, một khu vệ sinh và sân chơi cho điểm trường cuối cùng được dự tính vào khoảng 400 - 450 triệu đồng. Kinh phí xây các điểm trường đều do các thầy cô giáo và các nhóm thiện nguyện vận động tài trợ như những điểm trường trước đó.

Sở dĩ các hạng mục khá đơn giản nhưng vì địa hình di chuyển xa và khó khăn nên chi phí cho các loại nguyên vật liệu đều cao, đó cũng là lý do mà các thầy cô và các nhóm thiện nguyện phải dành nhiều thời gian vận động mới xin đủ tài trợ.

Các nhóm thiện nguyện vừa đồng hành các thầy cô trong quá trình xây dựng vừa đóng vai trò giám sát để đảm bảo những khoản kinh phí hỗ trợ được sử dụng đúng với mong muốn của người quyên góp.

Phụ huynh vô cùng hạnh phúc vì các con đã có lớp học mới, bàn ghế mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phụ huynh vô cùng hạnh phúc vì các con đã có lớp học mới, bàn ghế mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tìm hiểu về hành trình thiện nguyện, chúng tôi đã có dịp được tiếp xúc ới anh Nguyễn Huy Hoàng, trưởng nhóm Thiện nguyện Ngọc Bích (Hải Phòng) là nhóm chính ủng hộ kinh phí để xây dựng điểm trường Ngài Trồ 2.

Anh Hoàng cho biết: “Tình cờ, một người em của mình báo trên Hà Giang có một điểm trường đang kêu gọi xây dựng gấp, vì đã có một đơn vị từ thiện nào đó kêu gọi nhưng rồi không thực hiện được.

Lúc đấy điểm trường đã được dỡ bỏ chỉ còn miếng đất trống, ai cũng hy vọng xây dựng kịp năm học mới cận kề. Thế nhưng, việc xây trường lỡ dở khiến học sinh phải đi học nhờ, cô giáo phải đi ở tạm nhà dân rất vất vả. Chỉ cần kể đến đó thôi là mình nhận lời ngay vì mình đã có nhiều chuyến đi thiện nguyện nên hình dung ra khung cảnh đầy khó khăn, rất xót xa và mong muốn chia sẻ với các cháu nhỏ và thầy cô bám bản”.

Anh Hoàng chia sẻ, lúc nhận lời giúp đồng hành xây điểm trường này thì nhóm cũng chưa có đủ chi phí để thực hiện, nhưng luôn tin sẽ làm được.

Khi anh đề cập đến vấn đề này thì “mọi người trong nhóm hết sức đồng lòng và cố gắng đẩy nhanh tiến độ hết mức để tháng 9 này các em có trường mới vào học”.

Phải lên tận nơi, chứng kiến sự vất vả của cả cô và trò trên đó, thì mới thấm thía trước cảnh sống nghèo khổ, heo hút của bà con đồng bào dân tộc.

“Dù nghèo nhưng con người vùng cao rất tình cảm. Hội thiện nguyện cùng tổ xây dựng ăn uống, ngủ nghỉ tất cả đều trong nhà dân, trong bản hết. Họ quan tâm mọi người từ ngụm nước sạch, đến miếng ăn, giấc ngủ. Dù giản dị, mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người nơi đây”, anh Hoàng tâm sự.

Để hoàn thành kịp được các công trình trường lớp vào dịp lễ khai giảng, ngoài sự đóng góp của các nhóm thiện nguyện và sự chung sức của bà con trong các bản thì không thể không kể đến công lao to lớn của các thầy cô giáo.

Thầy Thân tâm sự: “Để có trường học mới cho học sinh trên này, các thầy cô bám bản phải hy sinh tất cả những mưu cầu của bản thân để tập trung cho công tác giáo dục miền núi.

Trên trường mình có rất nhiều giáo viên vì quyết tâm bám bản để mang “con chữ” cho học sinh mà quá lứa, lỡ thời. Không ít gia đình các thầy, cô giáo hạnh phúc không trọn vẹn vì thực hiện ước mơ “gieo chữ” nơi này. Giáo dục miền núi được ghép từ những hy sinh cá nhân thầm lặng mà tạo nên”.

Quan điểm của các thầy cô được xác định ngay trong tư tưởng khi bắt đầu nghề trồng người ở miền núi. Nếu chỉ cho các em bữa ăn thì không đưa các em đến tương lai sau này được. Vì vậy mà đường lên bản khó khăn là thế nhưng các thầy cô quyết tâm cùng nhau vượt qua, không để học sinh thất học, bỏ học giữa chừng.

Các thầy cô cũng xác định, chỉ có xây dựng được trường học, điểm trường vững chắc thì mới đảm bảo được công tác học tập, giảng dạy ổn định lâu dài. Học tập là con đường duy nhất để giúp bọn trẻ có cơ hội vươn ra khỏi bản, thay đổi cuộc đời của mình, không còn nghèo khó.

Vất vả ấy của các thầy cô đã được đền đáp bằng những điểm trường xây dựng khang trang, học sinh đến lớp không còn lo mưa rét như trước nữa. Ngài Trồ 2 cũng là điểm trường mới nhất, xa nhất và khó khăn nhất trong xã Lũng Hồ được hoàn thành đón mừng năm học mới.

Những điểm trường được xây dựng bằng tình yêu thương sẽ luôn bền vững, ở đó luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc, ở đó luôn có niềm tin, hy vọng của các thầy cô và lũ trẻ.

Cao Kim Anh