Lần theo dấu thông tin chia sẻ trên mạng, chúng tôi tìm về thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh) một ngày cuối tháng 6 để tìm gặp em Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhân bức thư gây xúc động cho nhiều người.
Không khó để hỏi vào nhà Nga bởi bất kỳ người dân nơi đây, từ già tới trẻ, ai ai cũng biết em Nga khiếm thị học giỏi.
Tới cổng nhà, chúng tôi thấy hình ảnh cô gái đang giúp mẹ bê từng rổ rau cho đàn lợn. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, khuôn mặt thanh tú, nước da trắng trẻo và giọng nói dễ thương của em thì không ai tin đây là cô gái khiếm thị.
Gia cảnh khó khăn
Nguyễn Thị Thanh Nga sinh năm 1992 ở vùng quê thuần nông, xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh) trong một gia đình có 4 anh em, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào vài sào ruộng ở khu trũng thường xuyên mất mùa, vì thế, trong nhiều năm, gia đình em được xếp vào diện “hộ nghèo”.
Nguyễn Thị Thanh Nga trong cuộc trò chuyện với tác giả bài viết. Ảnh: Phạm Lương Thiện. |
Bố em ngoài thời gian làm ruộng còn tranh thủ đi đánh lưới ven sông kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Mẹ em, cô Bùi Thị Hằng cũng tranh thủ tăng gia nuôi thêm ít gia súc, gia cầm, thu nhập chẳng đáng là bao trong khi nhà lại đông con (Nga là con gái duy nhất).
Ông Bùi Văn Hiền, trưởng thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh) cho chúng tôi biết, gia đình em Nga có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sống chan hòa cùng bà con, lối xóm. Đặc biệt, em Nga không chỉ học giỏi mà còn nổi tiếng chăm ngoan khiến ai cũng nể phục.
Tâm sự về nỗi thiệt thòi bản thân, Nga bùi ngùi cho biết, khi sinh ra, em là một bé gái trắng trẻo, bụ bẫm và đáng yêu. Khi được 18 tháng tuổi, một trận cảm đã “chạy” vào khớp chân khiến em không thể đi lại từ đó đến khi lên 5, muốn di chuyển chỉ còn cách lết trên sàn, rất đau đớn.
Cũng khoảng thời gian đó, gia đình phát hiện em có biểu hiện không bình thường về mắt. Trời đất như quay cuồng sụp đổ trước mắt bố mẹ em khi bác sĩ kết luận Nga bị đục thủy tinh thể cả hai mắt.
Cũng từ đó, mẹ em không quản nắng mưa, tốn kém đưa em đi hết bệnh viện này, gặp bác sĩ nọ, kể cả thấy có ông lang ở tận vùng rừng núi xa xôi nào có khả năng chữa khỏi, cô đều quyết tâm đưa em đến với mong muốn mang lại ánh sáng cho cô con gái thiệt thòi của mình.
Trái ngược với sự tốn kém, vất vả ngược xuôi ấy vẫn là con số 0 tròn trĩnh khi bệnh của Nga được phát hiện quá muộn, vô phương cứu chữa.
Khi đó, người mẹ lam lũ, gầy gò của em lại rơi nước mắt vì bao hi vọng không thành. Đó cũng chính là lý do em viết bài văn kể về mẹ khiến nhiều người không kìm được nước mắt thời gian qua.
Tàn nhưng không phế
Như bao người khuyết tật khác, đặc biệt là người khiếm thị, Nga luôn luôn lo sợ nếu gặp phải sự kỳ thị, phân biệt đối xử của mọi người. Chính vì vậy, khi được đến trường cùng các bạn, em luôn cố gắng hòa đồng, học thật tốt để bố mẹ, thầy cô và bạn bè vui lòng.
Gia cảnh khó khăn khiến hai anh trai lớn của Nga phải bỏ học giữa chừng đi làm thuê phụ giúp bố mẹ nên lúc nào em cũng tự nhủ phải cố gắng học tập để làm gương cho em trai út noi theo và không phụ lòng bố mẹ, thầy cô.
Mang trong mình khuyết tật, tưởng rằng không có khả năng học tập nên mãi đến năm 8 tuổi, em mới được cùng các bạn cắp sách đến trường.
Từ năm học lớp 1 đến lớp 9, Nga luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Lên cấp ba, việc học của em bị gián đoạn vì điều kiện gia đình khó khăn song khi quay lại trường, em vẫn quyết tâm chăm học để theo kịp các bạn và duy trì danh hiệu học sinh tiên tiến, điểm tổng kết các môn cuối năm luôn đạt trên 7,5.
Cô nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Nga xinh tươi bên bạn trong tà áo dài duyên dáng ngày Tổng kết năm học. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Với cô gái khiếm thị giàu nghị lực Nguyễn Thị Thanh Nga, đôi mắt mất đi khả năng nhìn mọi vật dường như không phải là rào cản quá lớn.
Em tâm sự: “Trên lớp, em cũng được các thầy cô ưu tiên hơn, không phải ghi chép bài quá nhiều mà chỉ tập trung nghe giảng nên khả năng tập trung vào bài học tốt hơn, ghi nhớ bài học nhanh hơn các bạn.
Đồng hành với em còn có các thầy cô luôn tận tình chỉ bảo, các bạn trong lớp yêu thương, đùm bọc, đặc biệt sau mỗi bài giảng của thầy cô, em đều tự học tại nhà, đọc trước bài và nhờ em trai giảng thêm những phần chưa rõ để khi lên lớp có thể theo kịp các bạn”.
Xúc động với bài văn của nữ sinh khiếm thị về hình ảnh người Mẹ |
Chia sẻ về cô học trò đặc biệt của mình, thầy Vũ Đình Phùng - giáo viên dạy Văn Trường THPT Lương Tài I nhận xét: “Nga là một học sinh dù mang trong mình nỗi khiếm khuyết song luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, đặc biệt là em luôn hòa đồng cùng bè bạn, có tinh thần kỷ luật cao và chưa từng nghỉ học.
Bài văn em viết khi được cô giáo chủ nhiệm đọc trước toàn trường dịp 20/11 năm ấy đã khiến tập thể giáo viên, học sinh chúng tôi không cầm được nước mắt”.
Nga chia sẻ: “Là một người khuyết tật nên em muốn tự mình vượt qua những khó khăn, phải chứng minh rằng, dù mang trong mình khiếm khuyết nhưng những người khuyết tật như chúng em đều mong muốn được sống, học tập và cống hiến chút gì đó cho xã hội”.
Nguyễn Thị Thanh Nga (hàng trên, ở giữa (thứ năm từ phải/trái sang)) chụp ảnh cùng bà Tòng Thị Phóng – Phó chủ tịch Quốc hội trong Đại hội Ddại biểu Cháu ngoan Bác Hồ huyện Lương Tài năm 2009 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nhờ những nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền em là học sinh giỏi toàn diện, đạt giải Nhất cấp huyện thi đấu cờ vua năm học lớp 6, là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của thiếu nhi Lương Tài đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc năm 2009.
Sắp tới, em sẽ được đặc cách, xét tuyển thẳng vào Đại học. Nga bật mí, Sư phạm là lựa chọn hàng đầu của em xong vì nhận thấy điều kiện bản thân không cho phép nên em sẽ học ngành tiếng Anh.
Mẹ Nga – nhân vật được nói đến trong bài văn gây sốt đang chải tóc cho con gái. Ảnh: Phạm Lương Thiện |
Chia sẻ về những khó khăn trong tương lai, nhất là sắp tới phải lên Hà Nội học, xa mẹ, xa người thân yêu, phải tự lập hoàn toàn, Nga chỉ nói với niềm quyết tâm mãnh liệt rằng, em tin rằng khi người khác làm được thì mình cũng thế, chỉ cần có ý chí vươn lên thì em tin sẽ thành công.
Em mong muốn thành thạo được ngành tiếng Anh ở Trường Đại học Hà Nội để sau này trở thành một phiên dịch viên, tự nuôi sống được bản thân, phụ giúp gia đình và cống hiến cho xã hội.
Hơn 20 năm mang trong mình nỗi thiệt thòi so với nhiều người khác nhưng niềm tin, ý chí và nghị lực trong tâm hồn cô nữ sinh xinh đẹp, giỏi giang Nguyễn Thị Thanh Nga chưa bao giờ vơi cạn.
Em như một đóa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời để tỏa sáng. Em thật xứng đáng với lời dạy của Bác: “Tàn nhưng không phế”.