Gần đây, nhiều người truyền nhau một bài văn của nhóm “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học” rất lạ, một bức thư của nữ sinh khiếm thị tên là Thanh Nga (sinh năm 1992) ở thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh) gửi đến người mẹ kính yêu khiến nhiều người không kìm được cảm xúc.
Theo chia sẻ của tác giả bài viết Trần Tiến Sơn, khi được một đồng nghiệp gửi cho, thấy hay nên anh đã gõ lại nội dung rồi chia sẻ lên nhóm để mọi người cùng đọc và cảm nhận.
Cô gái hiếu thuận khiếm thị Thanh Nga (Ảnh: Phạm Lương Thiện) |
Nội dung bức thư thể hiện cái nhìn trong trí tưởng tượng của mình về hình ảnh người mẹ kính yêu, sự hồi tưởng về quá khứ trong những lần mẹ vất vả đưa con đi các bệnh viện mới mong muốn mang lại ánh sáng cho con và kết thúc là lời tự vấn, những tâm sự thầm kín mà cô con gái muốn nhắn nhủ tới mẹ.
Bức thư gửi mẹ có đoạn viết: “Từ khi tấm bé tới giờ, tôi đã đi khắp các bệnh viện này, gặp hết các bác sĩ nọ, trải qua biết bao con đường, thế mà điều đáng nói ở đây là trên cuộc hành trình tìm kiếm “tia sáng” ấy, người duy nhất đồng hành với tôi chỉ có mẹ mà thôi.
Để rồi, cứ mỗi lần rời cổng bệnh viện là một lần mẹ rơi lệ vì thương tôi. Xưa nay vẫn vậy mà: hi vọng càng nhiều thì đổi lại thất vọng càng lớn lao. Tôi chẳng thể đếm được số lần mẹ khóc nữa.
Nhưng tôi cảm nhận được tình thương và những giọt nước mắt kia sẽ dạt dào, mênh mông hơn theo tháng năm và sẽ chỉ có mình tôi mới có may mắn được đón nhận tình cảm ấy mà thôi. Tôi sợ, sợ lắm một ngày nào đó sức mẹ sẽ hao mòn, nước mắt mẹ sẽ cạn mà nghĩa tình chẳng khi nào vơi…”
Sinh ra đã mang trong mình nỗi khiếm khuyết, thiệt thòi vì không thấy ánh sáng nên tác giả bức thư hình dung ra hình ảnh người mẹ từ trái tim và tâm hồn của mình.
Bài văn dài 4 trang của nữ sinh khiếm thị (Ảnh: Phạm Lương Thiện) |
Đó là một phụ nữ “chẳng lộng lẫy như công chúa, càng chẳng uy quyền như một bà hoàng hậu, vậy mà trong mắt tôi, mẹ luôn là số một.
Mẹ không quý phái, rực rỡ như hoa hồng mà chỉ giản dị, khiêm cung như những đóa sen, một loài hoa mang trong mình biết bao phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt.
Chắc hẳn mẹ tôi phải phúc hậu lắm với khuôn mặt trái xoan hiền từ. Và có lẽ, mái tóc xanh óng ả thuở nào của mẹ giờ đã điểm những sợ bạc, sợi trắng vì năm tháng chở che đời các con”.
Ngoài khéo vun vén gia đình, người mẹ trong bài còn vất vả thức khuya dậy sớm, bận rộn với vô số việc nhỏ, to trong nhà, ngoài ruộng.
Bài văn thu hút nhiều lượt người "thích" và "chia sẻ" (Ảnh: Phạm Lương Thiện) |
Bạn đọc sẽ cảm động trào nước mắt khi nào không hay khi “bắt gặp” hình ảnh người mẹ bất chấp nắng nôi, gió bão đưa tác giả bức thư lên Hà Nội khám bệnh với niềm khát khao cháy bỏng rằng, nhất định khoa học sẽ giúp tác giả nhìn thấy tất cả.
Vậy mà mấy ai biết được “chữ ngờ”. Vẻ mặt mẹ nặng trĩu u buồn khi mọi hi vọng dù là nhỏ nhất đều không là sự thật.
Xuyên suốt bức thư cảm động, da diết là những dòng thơ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng:
Mẹ ơi! Con muốn nói một lời thôi
Rằng: Con luôn yêu mẹ nhất trên đời
Mẹ ơi! Hãy giữ niềm tin sâu thẳm
Vì cuộc đời chẳng thiếu những ước mơ
Dẫu mai kia thuyền con đến bến bờ
Mái nhà xưa con nhớ mẹ vẫn chờ
Và con chẳng thể quên thuở ấu thơ
Cái thời bên mẹ nâng niu, che chở
Sau gần một ngày được đăng tải, bài văn đã nhận được hàng trăm lượt “thích” và “chia sẻ”. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đã đưa ra ý kiến của mình khi đọc xong bức thư gửi mẹ này.
Sự ngưỡng mộ và đồng cảm với Thanh Nga (Ảnh: Phạm Lương Thiện) |
Thành viên Nhóc Bướng nêu cảm nghĩ: “Thật xúc động, mình đã khóc khi đọc bài văn bạn viết. Mình nghĩ rằng bạn phải có tình cảm mãnh liệt, lòng biết ơn, tình thương vô hạn với mẹ thì bạn mới có thể viết về mẹ hay đến vậy. Cảm ơn bạn đã cho tôi một bài học làm người cho tôi”. Đó cũng là quan điểm chung của một nhiều người khác.
Trong khi đó, thành viên Phuc Hoang lại đồng cảm khi cho rằng: “Ai không rơi nước mắt người đó không có cảm xúc”.
Thành viên Nguyen Thi Kham thì chia sẻ: “Tôi đã làm bà rồi nhưng khi đọc bài viết của cháu, tôi đã phải lau nước mắt nhiều lần. Cháu có một người mẹ tuyệt vời và cháu là người giàu tình cảm…”
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều người thể hiện niềm xúc động mãnh liệt của mình, có ý kiến khẳng định “Mẹ là tất cả của đời con, mẹ hạnh phúc vì có con bên đời”.
Bài văn dài 4 trang được viết dựa trên những cảm xúc của một học sinh khiếm thị dù không thực sự chuẩn theo bố cục bài văn viết thư nhưng với cách diễn đạt gọn, mạch lạc đã thực sự mang lại những phút giây tĩnh lặng để mọi người nhìn lại về tình mẫu tử thiêng liêng.