Gặp gỡ chủ nhân ý tưởng có tính khả thi giúp các thành phố giảm ùn tắc

18/02/2023 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bỏ đèn đỏ tại các nút giao thông và hệ thống giao thông thông minh là hai ý tưởng có tính khả thi giúp Hà Nội và các thành phố lớn hết ùn tắc.

Ý tưởng bỏ đèn đỏ - tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để không ùn tắc (của tác giả Dương Anh Tuấn, kỹ sư vô tuyến điện); và Hệ thống quản lý giao thông thông minh (của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) đạt hai giải nhất của các hạng mục về ý tưởng và giải pháp công nghệ tại cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022.

Nhiều người đánh giá, nếu hai ý tưởng này được triển khai rộng rãi tại Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước, sẽ giúp giải quyết bài toán về ùn tắc giao thông.

Ý tưởng bỏ đèn đỏ đi vào hiện thực

Ý tưởng của kỹ sư Dương Anh Tuấn đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm tại vòng xuyến nút giao Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Châu Văn Liêm vào ngày 28/11/2022.

Theo đó, dải phân cách được bố trí chạy ngang nút giao, phương tiện từ Mễ Trì muốn đi Châu Văn Liêm, Đại lộ Thăng Long sẽ rẽ phải (trước đây là đi thẳng hoặc rẽ trái) rồi quay đầu cách đó một đoạn. Với chiều từ Châu Văn Liêm, Lê Quang Đạo đi Mễ Trì (trước đây đi thẳng, rẽ trái), phương tiện sẽ rẽ phải tại nút giao, đi một đoạn rồi quay đầu.

Hình ảnh chụp từ trên cao tại nút giao Lê Quang Đạo vào khoảng hơn 7h sáng ngày 22/1/2023. (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh chụp từ trên cao tại nút giao Lê Quang Đạo vào khoảng hơn 7h sáng ngày 22/1/2023. (Ảnh: NVCC)

Lúc đầu, việc tổ chức phân luồng như trên khiến mọi người không khỏi hoài nghi về giải pháp "đặc biệt" này. Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 tháng triển khai, dư luận đã đánh giá khả thi của giải pháp, tình trạng ùn tắc đã giảm đáng kể.

Ông Dương Anh Tuấn cho hay, việc tổ chức phân luồng tại nút giao Lê Quang Đạo nêu trên nếu tại điểm quay đầu được mở rộng diện tích gấp đôi, gấp ba và cắm thêm biển báo để hướng dẫn... sẽ mang lại tính hiệu quả cao hơn nữa.

Mở rộng vấn đề, ông Tuấn cho rằng, đối với tuyến đường Trần Duy Hưng (đoạn Big C Thăng Long) chạy thẳng đến gần cuối đường Văn Cao dài 5km, phương tiện phải đi 27 phút. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng loại bỏ 7 nút đèn giao thông của tuyến đường trên, thời gian di chuyển sẽ giảm xuống còn 7 phút, tức giảm 20 phút và mật độ phương tiện cũng giảm đi 62%.

Đánh giá về tính hiệu quả của việc thực hiện ý tưởng, tác giả cho biết, có thể thực hiện tại các tuyến phố có nhiều làn đường.

Cụ thể, đối với tuyến đường hai chiều, mỗi chiều đường rộng ít nhất 4 làn xe (khoảng 14-15m) trở lên áp dụng bỏ đèn đỏ tại các ngã 3,4,5.. tạo điểm quay liên hoàn, giúp cho phương tiện di chuyển liên tục không phải dừng lại. Phù hợp với các tuyến đường như Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh...

Mô hình này đang được áp dụng tại nút giao Lê Quang Đạo. (Ảnh: NVCC)

Mô hình này đang được áp dụng tại nút giao Lê Quang Đạo. (Ảnh: NVCC)

Đối với những tuyến đường hai chiều, mỗi chiều đường rộng 3 làn xe (khoảng 10,5-12m) có thể thực hiện theo hai phương án. Phương án 1 là thực hiện như với tuyến đường có ít nhất 4 làn xe ở trên và phương án 2 là nếu các chiều đường tại các nút giao không thể mở rộng được thêm lòng đường, thì áp dụng đèn xanh tại các nút liên thông với nhau, quy định vận tốc tối thiểu, lập các điểm quay - điểm dừng và chờ phân luồng cho các phương tiện... Phương án trên phù hợp với những tuyến đường như Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; đường Nguyễn Hoàng - Hàm Nghi...

Phân luồng đối với tuyến đường, mỗi chiều rộng 3 làn xe. (Ảnh: NVCC)

Phân luồng đối với tuyến đường, mỗi chiều rộng 3 làn xe. (Ảnh: NVCC)

Đối với những tuyến đường hai chiều, mỗi chiều rộng 2 làn xe (khoảng 8m) trở xuống có các tuyến đường khác chạy song song bên cạnh và các tuyến cắt ngang, có thể áp dụng chuyển những tuyến đường này thành đường một chiều ngược hướng nhau, rồi kết hợp với những tuyến đường cắt ngang tạo thành nhánh quay liên hoàn và bỏ đèn đỏ ở các nút giao giúp cho phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, vì thế không làm tăng mật độ phương tiện.

Phương án này phù hợp với các tuyến đường trong khu trung tâm như Trần Phú - Nguyễn Thái Học cắt với các đường Lê Trực - Hùng Vương - Chu Văn An... hoặc đường Tràng Thi - Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt - Trần Hưng Đạo cắt với các đường Phan Bội Châu - Quán Sứ - Quang Trung - Bà Triệu - Phố Huế...

Phân luồng đối với tuyến đường, mỗi chiều rộng 2 làn xe. (Ảnh: NVCC)

Phân luồng đối với tuyến đường, mỗi chiều rộng 2 làn xe. (Ảnh: NVCC)

Tác giả của ý tưởng đánh giá, việc bỏ đèn đỏ, tổ chức lại giao thông nút giao thông không tốn kém chi phí, và thời gian. Nó hiệu quả về mọi mặt so với xây dựng cầu vượt, hầm chui...

"Mỗi nút giao sẽ hoàn thiện trong khoảng 2-3 ngày, với chi phí lắp đặt khoảng chục triệu đồng. Nếu Hà Nội áp dụng đồng loạt, mỗi tuần xong 5 nút giao thông, thì trong khoảng 1 năm sẽ làm xong các nút giao", ông Tuấn nói và cho biết thêm, ông đang đề xuất bỏ đèn đỏ tại một số nút giao tuyến Big C- Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Ngã Tư Sở... Nếu được chấp thuận, ông sẵn sàng bỏ "tiền túi" để thực hiện.

Tác giả Dương Anh Tuấn (bên phải) nhận giải tại cuộc thi tại cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Tác giả Dương Anh Tuấn (bên phải) nhận giải tại cuộc thi tại cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về việc hình thành ý tưởng, ông Tuấn cho biết, qua 40 năm sinh sống ở Hà Nội, và với chuyên môn là kỹ sư vô tuyến điện, ông đã đúc rút: "Tôi áp dụng nguyên lý mạch điện vào giao thông. Ví như máy tính, điện thoại sẽ có mạch nguồn - y như hệ thống giao thông chằng chịt - điện chạy liên tục và nếu chặn nó lại thì sẽ chập nguồn, không hoạt động. Cũng giống như giao thông, nếu chặn nút giao này đến nút giao khác, sẽ ùn tắc cục bộ".

Hệ thống quản lý giao thông thông minh của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có thể dự báo tắc đường và đếm phương tiện vi phạm

Chia sẻ về Hệ thống quản lý giao thông thông minh - giải nhất hạng mục giải pháp công nghệ của cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022 - trưởng nhóm sinh viên đoạt giải của Đại học Bách khoa Hà Nội, em Vũ Công Duy cho biết, qua hai tháng tập hợp các ý tưởng và nghiên cứu, nhóm đã cho ra hệ thống quản lý giao thông phần mềm gồm sever (máy chủ) và trang web nhằm truy cập vào hệ thống camera đường phố theo thời gian thực.

Phần mềm quản lý hệ thống camera hiện đang tích hợp 4 tính năng gồm đếm số lượng xe, đo tốc độ xe, đếm số người vượt đèn đỏ và người không đội mũ bảo hiểm. Trong tương lai, nhóm có thể thêm tính năng như phát hiện xe đi trên vỉa hè.

Trưởng nhóm nghiên cứu giải pháp hệ thống quản lý giao thông thông minh - em Vũ Công Duy chia sẻ về nội dung giải pháp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trưởng nhóm nghiên cứu giải pháp hệ thống quản lý giao thông thông minh - em Vũ Công Duy chia sẻ về nội dung giải pháp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Phần mềm quản lý còn có thể dự đoán được lượng xe cộ trong một khoảng thời gian nhất định, từ lượng xe cộ có thể dự báo được khoảng thời gian sẽ xảy ra tắc đường...Tương lai, nó có thể dự đoán thời gian chờ của đèn giao thông tại các nút khoảng bao nhiêu để giảm ùn tắc", Duy chia sẻ.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ thông minh vào camera tích hợp tính năng đếm số xe, phát hiện xe vi phạm. Tuy nhiên để lắp đặt camera thông minh này rất tốn kém.

Trang dữ liệu thông tin phương tiện vi phạm. (Ảnh: NVCC)

Trang dữ liệu thông tin phương tiện vi phạm. (Ảnh: NVCC)

Dữ liệu thông tin tai nạn. (Ảnh: NVCC)

Dữ liệu thông tin tai nạn. (Ảnh: NVCC)

"Thay vì phải bỏ camera hiện có để lắp camera thông minh tích hợp, phần mềm của chúng em được lập trình sử dụng trí tuệ nhân tạo, nó sẽ sử dụng video trực tiếp của camera và nhận diện như camera thông minh. Nếu được áp dụng, nó sẽ giúp giảm chi phí hơn nhiều", Duy cho hay.

Nhận định về hạn chế của dự án, Duy chia sẻ, do nhóm không thể truy cập vào hệ thống camera đường phố, nên chỉ thực hiện được trên những video ghi hình sẵn. Ví như nhóm phải dùng dữ liệu của nước ngoài, với nhiều sự bất tiện như ở nước họ có nhiều ô tô, trong khi đó ở Việt Nam lại chủ yếu là xe máy...

Vũ Công Duy nhận định, nếu phần mềm được thực hiện trên hệ thống camera với thời gian thực, đòi hỏi máy chủ phải có kho chứa dữ liệu rất lớn nên nhóm đang bị vướng về chi phí cho kho dữ liệu này.

"Vì vậy, cả nhóm mong muốn có nhà tài trợ để phát triển dự án và có bộ dữ liệu chuẩn hơn, để sử dụng và khai thác", Vũ Công Duy chia sẻ.

Mạnh Đoàn