Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày hội nghề nghiệp.
(Ảnh: Hoài Nam)
Ông Nguyễn Xuân Ngọc - giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng cũng tâm đắc với ý kiến của TS Hoàng Văn Cẩn rằng hiện nay nhiều địa phương dạy đại học SP. Nếu các địa phương đào tạo tràn lan kiểu này thì chất lượng ra trường không đảm bảo. Về nguyên tắc sinh viên ra trường thì được dự tuyển trên Sở nhưng vì quyền lợi học sinh, chúng ta phải làm động thái là sẽ chọn sinh viên của những trường có chất lượng để tuyển.
Ở góc độ người tiếp nhận thành quả của các trường SP, ông Phan Văn Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa đánh giá chất lượng đào tạo của sinh viên ra trường có nhiều vấn đề. Ông Dũng chia sẻ rằng trong số 600 hồ sơ thi tuyển GV mà Sở này nhận được trong năm qua thì trên 100 hồ sơ có kết quả tốt nghiệp xếp loại Giỏi. Ấy nhưng trong số đó không thể tìm được một em giỏi ở những trường SP trọng điểm. Có những em điểm tốt nghiệp rất cao chúng tôi cho về dạy ở trường chuyên nhưng chỉ 2 tháng thôi cũng rất khó khăn. Sở GD-ĐT Khánh Hòa buộc phải đề xuất nếu sau 1 năm không dạy được thì không thể ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, cử nhân có chứng chỉ nghiệp vụ SP nhưng nghiệp vụ rất kém. Cách đây 1 tuần, Sở GD-ĐT Khánh Hòa phải ký văn bản để kiểm tra lại toàn bộ chứng chỉ SP vì hiện nay chứng chỉ nghiệp vụ SP nở rộ như hoa mùa xuân, ở chỗ nào cũng mở được lớp dạy chứng chỉ nghiệp vụ SP, thậm chí có chứng chỉ chỉ học trong 1 tháng.
Trong phương hướng nhiệm vụ năm học 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ quy hoạch nhân lực ngành SP, sắp xếp lại hệ thống các trường SP trong cả nước. Điều chỉnh chỉ tiêu các trường SP phù hợp với quy hoạch, tiến tới chấm dứt tình trạng đào tạo vượt quá nhu cầu gây lãng phí như hiện nay.