Trường mẫu giáo: Nơi ao ước, nơi bỏ hoang

29/08/2011 11:02
Theo Dân Việt
Tại Quảng Nam, Đà Nẵng có thực tế là khá nhiều trường mẫu giáo được xây rồi... bỏ hoang.

Trong khi đó, nhiều nơi khác, các cháu mẫu giáo phải chen chúc học trong những mái nhà tạm, nhà mượn, nhà che bạt...

Những ngôi trường bỏ hoang

Tại thôn Cẩm Toại Trung (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng), có một phòng học mẫu giáo khang trang do Hội Chữ thập đỏ huyện Hòa Vang huy động nguồn tài trợ từ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam xây dựng năm 2007, nhưng đến nay chưa có trẻ em nào được vào đây học.

Anh Trần Minh Hùng - một người dân trong thôn, bức xúc: “Không hiểu sao các ngành chức năng lại chọn ngay chỗ trũng để xây phòng học cho trẻ mẫu giáo. Chưa xây xong đã bị ngập nước rồi, làm sao trẻ em dám học.

Tốn cả đống tiền xây dựng, rốt cuộc phòng ốc bỏ hoang, cửa kính bị trẻ nhỏ đập phá, trâu bò vào phóng uế bừa bãi”. Không chỉ vậy, phòng học này còn không có nhà vệ sinh, điện, nước… Vì vậy, công trình được xây dựng từ lòng từ thiện, đã bị bỏ lãng phí nhiều năm nay.

Ở thôn Phước Sơn (Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng có phòng học mẫu giáo bị bỏ hoang đã nhiều năm nay. Vào năm 2002, Phòng GDĐT huyện quyết định đầu tư xây dựng một phòng mẫu giáo ngay giữa thôn nhằm giúp con em trong thôn đi học được thuận tiện. Nhưng khi hoàn thành xong chỉ dạy được một năm rồi khóa cửa im ỉm cho đến nay.

Chị Nguyễn Thị Tiến, sống bên cạnh, cho hay: Phòng học thì có nhưng không có trẻ. Chẳng hiểu họ điều tra ra sao mà tự dưng xây trường lên rồi để đó vì không có trẻ em đến học. Phòng học khang trang nhưng không được sử dụng, giờ tường vôi đã ố vàng, rêu phong.

Thôn họp thì học sinh nghỉ học

Trong khi nhiều nơi lớp học bỏ hoang thì tại xã Tam Xuân 1 (Quảng Nam) lại thiếu trường lớp trầm trọng. Xã có 10 thôn, trong đó 7 thôn không có trường, lớp mẫu giáo nào. Để giải quyết chỗ học cho con em, địa phương phải mượn nhà họp thôn làm lớp mẫu giáo.

Ông Ngô Cung Cần - Trưởng thôn 10, bộc bạch: “Ở đây mỗi lớp có đến 30 cháu nhưng vẫn chưa có phòng học nên địa phương đành mượn nhà văn hóa thôn làm phòng học cho các cháu. Nhiều lúc cô giáo đang dạy thì đành cho các cháu nghỉ vì thôn họp ở nhà văn hóa, họp xong các cháu lại vào học tiếp, thật tội cho các cháu”.

Nhà văn hóa thôn ở Tam Xuân 1 trở thành trường học cho các em hơn 10 năm qua.
Nhà văn hóa thôn ở Tam Xuân 1 trở thành trường học cho các em hơn 10 năm qua.

Chúng tôi ao ước có một mái trường cho các em. Mái trường không cần khang trang, chỉ cần chắc chắn, có những tiện nghi tối thiểu, và quan trọng là các cháu không phải đi ra khỏi lớp khi có người đến họp thôn - Cô giáo Ung Thị Minh Hiền

Theo ông Cần, tại nhiều cuộc họp thôn, bà con đề nghị chính quyền địa phương quan tâm xin kinh phí đầu tư xây dựng trường, lớp mẫu giáo cho các cháu nhưng nói hoài mà chưa thấy kết quả.

Cô giáo Ung Thị Minh Hiền - giáo viên lớp mầm non tại thôn 10, người đã gắn bó với… nhà văn hóa thôn này được 10 năm, tâm sự: “Các cháu ở đây phải nộp học phí như các cháu học trong các trường mẫu giáo khác, nhưng việc học thì rất khác, học không yên ổn, đủ thứ lý do để phải nghỉ giữa chừng, như thôn họp, mưa dột…

Sợ nhất là khi có gió lớn, “trường” cứ rung lên, chực đổ, trong khi bên dưới đến mấy chục cháu ngồi thu lu. Dụng cụ học và dạy lại không có, phụ huynh phải lấy ván đóng và kẻ thành bảng cho các cháu học tạm”.

Theo cô Hiền, các cháu ở đây rất thích đi học, ngày hai buổi, các em đều đặn đến “trường”. “Nhìn những ánh mắt thơ ngây, trong sáng của các em, tôi thấy xót xa khi nghĩ về một mái trường cho các em. Mái trường không cần phải khang trang, chỉ cần chắc chắn, có những tiện nghi tối thiểu cho việc dạy và học, và quan trọng đó là trường - nơi các cháu không phải đứng dậy đi ra khi có người đến họp thôn…” – cô Hiền ao ước.

Theo Dân Việt