May mà ông Trời có mắt!

07/11/2013 08:08
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Ông Chấn được minh oan trở về nhưng những người chà đạp lên pháp luật để "dồn ép" ông lâm vào hoàn cảnh “khốn nạn” vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Câu chuyện chỉ thực sự được coi là kết thúc có hậu khi những “con sâu” đó của xã hội phải đứng trước vành móng ngựa, đối diện với lương tâm và luật pháp - cái mà chính họ đã dùng để đẩy ông Chấn, một người lương thiện vào tù.
Ông Chấn ra mộ thắp hương cho người bố của mình là liệt sỹ Nguyễn Hữu Phan tại nghĩa trang
Ông Chấn ra mộ thắp hương cho người bố của mình là liệt sỹ Nguyễn Hữu Phan tại nghĩa trang

Vụ án 10 năm ngồi tù oan tại Bắc Giang thực sự đang gây chấn động trong dư luận. Người đang được minh oan là không hề giết người nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã phải chịu án tù chung thân và ngồi “bóc lịch” hơn 10 năm trời chỉ vì sự tắc trách của một số cán bộ ở các cơ quan tố tụng. 10 năm trời dài đằng đẵng, ông Chấn và gia đình đã gửi đi hàng nghìn lá đơn kêu oan nhưng phần lớn trong số đó đều không có kết quả...

Không biết những lá đơn đó qua bao nhiêu khâu "trung gian", có đến được tay của những người có thẩm quyền hay không? Chỉ biết rằng, vụ án được sáng tỏ khi thủ phạm thực sự ra đầu thú.


Ông Chấn trở về nhà trong những tiếng khóc, tiếng nấc vui mừng xen lẫn uất ức của người thân và làng xóm. Và trong số họ, đã có những người trước kia đã chửi ông như chửi những kẻ "cặn bã" trong xã hội vì hành vi “khốn nạn, tàn ác” thì hôm nay, họ đã ôm chầm lấy ông rưng rưng nước mắt khi thấy ông được minh oan trở về.

Giờ đây, mọi tâm điểm trong dư luận đang đổ dồn về những người đã tham gia vào quá trình điều tra, xét hỏi ông Chấn 10 năm về trước. Họ đã làm gì để biến một người vô tội thành có tội, đổi trắng thành đen và đẩy ông Chấn – một con người lương thiện vào tù?

Ai cũng nói, may mà ông Trời có mắt. Ông Chấn bị oan, “may” vì được tổ tiên phù hộ nên mới có thể qua được cơn tai ương nghiệt ngã này. Và có thể trong thời gian tới đây, gia đình ông sẽ được bồi thường một khoản "kha khá" để đổi lại 10 năm ngồi tù oan...

Nhưng có lẽ ít ai hiểu được rằng, một ngày trong tù dài bằng ngàn năm ở bên ngoài (Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại). Vật chất dù lớn bao nhiêu cũng không thể nào bù đắp lại được những khổ sở, mất mát, nhục nhã của ông và gia đình trong những tháng ngày qua.

Đấy là chưa kể những ngày tháng "khốn nạn" nhất của ông Chấn khi phải đối mặt với những "cực hình" thừa sống, thiếu chết trong lúc xét hỏi của CQĐT (theo như ông Chấn nhớ lại). 

Những người tham gia điều tra, xét hỏi ông Chấn cách đây 10 năm giờ có người đã chết vì tai nạn, có người đang bị bệnh nặng mất trí nhớ và cũng còn những người đang giữ vị trí rất cao ngoài xã hội. Trở về sau 10 năm bị kết án oan, câu chuyện tưởng rằng chỉ có trong cổ tích đó đang diễn ra ngay ở đời thực.

Có thể sự so sánh bao giờ cũng là khập khiễng nhưng, câu chuyện của ông Chấn khiến nhiều người nhớ đến truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Chí - một chàng thanh niên hiền lành, khỏe mạnh nhưng đã bị gia đình nhà Bá Kiến dàn xếp, gán ghép và đẩy Chí lún xuống bùn sâu của xã hội. Anh Chí ra tù đã thay đổi nhân tính và nhân hình biến thành một con quỷ dữ. Hắn suốt ngày say xỉn, đi rạch mặt ăn vạ và khi say đem cả trời ra chửi.

Tiếng chửi của một thằng say đã mở đầu cho thiên truyện ngắn đặc sắc “Chí Phèo” của Nam Cao. Nhà văn đã mở ra một cuộc đời đầy bi kịch của một Chí Phèo – thù hận với tất cả: cuộc đời – xã hội – con người và ngay cả bản thân. Một Chí Phèo triền miên trong những cơn say, mất cả lương tri, trên hành trình dài đằng đẵng của một kiếp sống không ra sống, trong không gian tăm tối ngột ngạt của xã hội phong kiến Việt Nam đêm trước của cách mạng.

"Ai cho tao lương thiện?" Câu hỏi chất chứa nỗi đau của một con người thấm thía được nỗi đau khôn cùng của bi kịch cá nhân. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội phong kiến bất lương thời bấy giờ. Câu hỏi như cứa vào tâm can người đọc về một thân phận con người đầy đắng cay trong xã hội cũ. Và Chí Phèo cũng đã tự kết liễu cuộc đời mình sau khi cầm dao đâm chết tên "cáo già" Bá Kiến. Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép cái xã hội phong kiến vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người! 

Không thể so sánh ông Chấn với anh Chí trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, cũng không thể so sánh xã hội chúng ta ngày nay với xã hội tối tăm trước cách mạng, nhưng có thể thấy ông Chấn thì may mắn hơn anh Chí ở đoạn kết. Ông còn có gia đình, có người thân nhưng may hơn cả là ông…còn sống sau nhiều lần "tự kết liễu" đời mình nhưng không thành.

Ông Chấn được minh oan trở về nhưng những người đã dồn ép ông lâm vào hoàn cảnh “khốn nạn” vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Câu chuyện chỉ thực sự được coi là có hậu khi những “con sâu” đó của xã hội phải đứng trước vành móng ngựa, đối diện với luật pháp, với "tòa án lương tâm" của người đời xét xử- cái mà chính họ đã dùng để đẩy ông Chấn, một người lương thiện vào tù./.

VIẾT CƯỜNG