Dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục – đào tạo thuộc Phòng Văn hóa – Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo đó, phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bổ sung thêm 2 nhiệm vụ mới cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã so với quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.

Một trong 2 nhiệm vụ đó là: Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.

Đồng thời, tham mưu quyết định công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.

Rút gọn quy trình, thủ tục hành chính

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Việt Đang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Văn Phán (xã Trần Phán, tỉnh Cà Mau) cho biết, nếu giao cho cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Cụ thể, cấp xã, phường là đơn vị gần gũi nhất, sát sao với các trường học trên địa bàn nên việc theo dõi, đánh giá đội ngũ cán bộ, giáo viên sẽ thuận lợi và thực chất hơn. Cán bộ của Ủy ban nhân dân xã, phường nắm rõ đặc điểm dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội và tình hình nhân sự của địa phương, từ đó có thể tham mưu và quyết định công tác nhân sự một cách kịp thời, chính xác.

Theo Nghị định 142/2025/NĐ-CP, nhiệm vụ trên vốn thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo. Song, cán bộ ở sở dù có chuyên môn sâu về giáo dục nhưng do khoảng cách địa lý, nhất là khi địa giới hành chính được mở rộng sau khi sáp nhập tỉnh, thành khó có thể nắm bắt đầy đủ năng lực, phẩm chất cán bộ ở từng trường học cụ thể.

Mặt khác, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, số lượng trường học tại mỗi tỉnh, thành phố tăng lên đáng kể. Nếu giao toàn bộ nhiệm vụ này cho Sở Giáo dục và Đào tạo, có thể khối lượng công việc của sở sẽ quá tải, không thể bao quát hết, trong khi sở vẫn phụ trách cả những công việc liên quan đến trường trung học phổ thông.

z6812058834197-269d261c0a52c17be80fa4205d600791.jpg
Thầy Nguyễn Việt Đang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Văn Phán. Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Vũ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Phúc (xã Bắc Thái Ninh, tỉnh Hưng Yên) cho hay: Khi vẫn còn cấp huyện và chưa sáp nhập tỉnh, thành, quy trình thành lập hội đồng trường căn cứ vào quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học.

Về thành phần của hội đồng trường, hiệu trưởng đề nghị chính quyền địa phương (Uỷ ban nhân dân xã) cử đại diện tham gia hội đồng trường; tổng hợp danh sách hội đồng trường do chính quyền địa phương, tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu; làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận hội đồng trường.

Hiệu trưởng tổ chức phiên họp đầu tiên của hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường bằng phiếu kín; làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở) ra quyết định công nhận chủ tịch hội đồng trường. Thư ký hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường chỉ định.

Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 5 năm. Hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, hiệu trưởng làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở) ra quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng trường".

Thầy Thắng nhận định, hiện nay, với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, không còn cấp huyện, việc giao các nhiệm vụ này lại cho cấp xã, phường là hoàn toàn hợp lý.

Thứ nhất, điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp xã mới. Theo Nghị định 142/2025/NĐ-CP, chính quyền cấp xã đang được giao rất nhiều thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở. Cụ thể, cấp xã có thẩm quyền thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia tách, giải thể trường, quản lý cơ sở vật chất, phân bổ dự toán cho giáo dục; tổ chức các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp xã; quản lý, cấp phát văn bằng tốt nghiệp…

Thứ hai, Ủy ban nhân dân xã, phường nắm rõ tình hình đội ngũ, hoạt động chuyên môn cũng như đặc thù của từng trường. Khi thẩm quyền được phân cấp hợp lý, các quyết định về nhân sự, tổ chức sẽ kịp thời, sát thực tế hơn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục tại cơ sở.

Do đó, việc giao cho cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường và các quyết định về thành viên hội đồng trường giúp thống nhất đầu mối quản lý, rút gọn quy trình hành chính, linh hoạt và thuận tiện hơn.

Khi phòng Văn hóa – Xã hội cấp xã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong công tác nhân sự giáo dục, nhà trường sẽ chủ động lập tờ trình đề xuất nhân sự dựa trên đánh giá nội bộ và thực tiễn hoạt động chuyên môn. Sau đó, phòng Văn hóa – Xã hội sẽ xem xét, tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định.

Quy trình này không chỉ đảm bảo đúng thẩm quyền, mà còn tạo điều kiện để địa phương phát huy vai trò quản lý trực tiếp, đồng thời vẫn giữ được sự chủ động và minh bạch trong đề xuất nhân sự từ phía nhà trường.

z6811637903734-30cd7d736383f10c03e187b87d62a8d6-7834.jpg
Thầy Vũ Văn Thắng (đang phát biểu) và các giáo viên tại Hội nghị Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Phúc. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, cô Nguyễn Khoa Hảo Thư - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Hòa (phường Phú Xuân, thành phố Huế) nhận định, việc phân quyền cho phòng chuyên môn về lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân xã tham mưu, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định nhân sự hội đồng trường thể hiện rõ tinh thần trao quyền gắn với trách nhiệm. Cấp xã là đơn vị quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, khi được trao quyền, cấp xã sẽ chủ động hơn trong việc theo dõi, đánh giá đội ngũ, từ đó có những quyết định nhân sự phù hợp và sát với thực tiễn từng địa phương, từng trường học.

Đặc biệt, với vai trò là cấp gần gũi nhất với nhà trường, Ủy ban nhân dân xã sẽ dễ dàng tiếp cận thông tin, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận hành của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tại cơ sở. Nhờ đó, việc tham mưu, ra quyết định nhân sự trong hội đồng trường sẽ rút ngắn thời gian, quy trình thủ tục, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của nhà trường.

Đồng thời, việc này cũng thể hiện rõ hơn vai trò trong công tác quản lý giáo dục của cấp xã, tăng tính chủ động, giảm áp lực cho cấp cao hơn. Từ đó, nâng cao hiệu quả điều hành và chất lượng giáo dục ngay từ cấp cơ sở.

Cô Thư cũng bày tỏ mong muốn khi giao nhiệm vụ tham mưu, quyết định về công tác nhân sự hội đồng trường cho cấp xã, cần phải có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo đúng người, đúng việc, phù hợp với chức năng, thẩm quyền và thực tiễn tại cơ sở giáo dục.

Cán bộ xã, phường có đủ năng lực chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ

Nếu dự thảo thông tư được thông qua, để triển khai hiệu quả vai trò mới của Ủy ban nhân dân xã trong công tác nhân sự trường học, yếu tố then chốt chính là năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã, phường.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Phúc, hiện nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Ủy ban nhân dân xã nói chung và Phòng Văn hóa - Xã hội nói riêng đều có trình độ chuyên môn tốt, nhiều người từng đảm nhiệm vị trí trưởng, phó phòng tại các phòng, ban cấp huyện trước kia. Thậm chí, một số cán bộ còn được điều chuyển từ cấp tỉnh về. Nếu so với mô hình xã trước đây, đội ngũ cán bộ hiện nay đã có bước chuyển đáng kể cả về chất lượng và năng lực chuyên môn, có thể đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn quản lý giáo dục tại cơ sở.

Chính quyền địa phương hiện nay mới chuyển sang mô hình hai cấp, với nhiều nhiệm vụ lần đầu tiên được giao trực tiếp về cấp xã. Nếu dự thảo thông tư được thông qua và triển khai trong thực tế, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các bên phối hợp nhịp nhàng, tránh lúng túng. Dù vẫn còn nhiều điều đang trong quá trình định hình, song nhà trường kỳ vọng rằng, khi có sự đồng thuận, chủ động tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng, việc thực hiện sẽ diễn ra trơn tru và thực sự phát huy hiệu quả.

z5872866752660-cca3f43b2edaedd5493cec1a2480d79a1.jpg
Cô và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Phúc trong một buổi học. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Văn Phán đánh giá, cán bộ cấp xã, phường hoàn toàn có đủ năng lực và chuyên môn để đảm nhận vai trò tham mưu công tác nhân sự trong trường học. Khi được phân công đúng chức năng, thẩm quyền, đội ngũ lãnh đạo cấp xã có thể đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong bối cảnh đã có sự chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả vai trò này, cần đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn đội ngũ phụ trách lĩnh vực giáo dục tại phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã. Việc bố trí cán bộ có chuyên môn, am hiểu giáo dục sẽ giúp phòng Văn hóa - Xã hội chủ động hơn trong việc tham mưu, xử lý các công việc liên quan đến tổ chức, nhân sự, quản lý và điều hành hoạt động giáo dục ở địa phương.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tại cấp xã, nhất là những người phụ trách trực tiếp công tác giáo dục nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan và hiệu quả trong quá trình triển khai các chính sách nhân sự đối với các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn.

Hồng Mai