Từ ngày 1/7/2025, khi chính quyền địa phương thực hiện theo mô hình hai cấp, cấp huyện sẽ không còn. Theo đó, từ năm học 2025-2026, hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi sẽ do cấp xã, phường tổ chức, thay cho cấp huyện như trước đây.
Theo lãnh đạo nhiều trường phổ thông, việc phân cấp chính quyền địa phương hai cấp là cần thiết để tinh gọn bộ máy và tăng tính tự chủ. Tuy nhiên, để tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp xã, phường đạt hiệu quả và công bằng, các cấp quản lý cần thống nhất quy trình tổ chức, đồng thời bố trí đội ngũ nhân sự có năng lực để giám sát và hỗ trợ chuyên môn. Khi bảo đảm được các yếu tố đó, hội thi mới thực sự trở thành sân chơi công bằng, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy ngay từ cơ sở.
Hội thi cần gắn với lợi ích cụ thể của giáo viên, tránh tình trạng “thi cho có”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (xã Sín Chéng, tỉnh Lào Cai) cho biết, đây là năm đầu tiên cấp xã, phường trực tiếp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi. Do đó, để hội thi đảm bảo chất lượng, công bằng, trên thực tế nhiều địa phương vẫn còn một số bất cập, đặc biệt liên quan đến năng lực chuyên môn và điều kiện tổ chức tại cơ sở.
Theo cô Hường, yếu tố then chốt quyết định chất lượng hội thi giáo viên dạy giỏi là đội ngũ cốt cán về chuyên môn ở từng xã, phường. Với những địa phương có nhiều trường học, việc tuyển chọn giáo viên giỏi, có kinh nghiệm làm ban giám khảo hoặc tham gia ban tổ chức sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa, số lượng trường học ít, điều kiện còn khó khăn thì việc tìm đủ nhân lực chuyên môn để tổ chức một hội thi quy mô, nghiêm túc là điều không đơn giản. Điều này dễ dẫn đến sự chênh lệch trong cách tổ chức và chất lượng hội thi giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được đặt ra là năng lực của cán bộ quản lý cấp xã, phường. Trong thực tế, nhiều nơi đội ngũ cán bộ không có chuyên môn sư phạm, chưa từng tham gia tổ chức các hoạt động chuyên môn sâu trong giáo dục. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ giáo viên cốt cán tại địa phương, việc tổ chức hội thi có nguy cơ mang tính hình thức hoặc thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể khắc phục nếu chính quyền cấp xã làm tốt vai trò điều phối, quản lý chung, đồng thời giao phần chuyên môn cho đội ngũ giáo viên có năng lực đảm nhiệm.
“Theo tôi, để đảm bảo chất lượng và tính công bằng của hội thi giáo viên dạy giỏi, các xã, phường có thể phối hợp tổ chức theo cụm. Việc thành lập ban giám khảo chung, chia sẻ nguồn lực tổ chức sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu người chấm thi, giám sát và đảm bảo khách quan trong đánh giá. Đây cũng là cách để tạo sự cân bằng giữa các trường trong khu vực, tránh tình trạng nơi có giám khảo, nơi không, dẫn đến những bất cập trong kết quả hội thi.
Nhìn chung, việc phân cấp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi về cấp xã, phường là bước đi thể hiện tinh thần đổi mới và phân quyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả thực chất, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các địa phương, và sự hỗ trợ chuyên môn từ cấp trên. Chỉ khi đó, hội thi mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, thay vì trở thành một hình thức mang tính phong trào”, cô Hường nêu quan điểm.
Cùng bàn vấn đề này, thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng) bày tỏ, hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay đang dần trở nên mang tính hình thức. Trước đây, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi còn có thể được ưu tiên trong nhiều hoạt động chuyên môn hay xét thưởng cuối năm. Nhưng nay, một số giáo viên coi hội thi như một thủ tục, tham gia vì trách nhiệm, không còn kỳ vọng hay động lực phấn đấu thực sự.
Theo thầy Quốc, trên thực tế, tình trạng “thi để hoàn thành nhiệm vụ” xảy ra ở một số nơi. Do đó, nếu vẫn tiếp tục duy trì hội thi giáo viên dạy giỏi, cần có sự điều chỉnh toàn diện cả về quy trình tổ chức lẫn chính sách đi kèm.
Trong đó, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp xã, phường cần được tổ chức bài bản với sự tham gia của những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm sư phạm, đặc biệt là đảm bảo tính minh bạch, công tâm. Ngoài ra, quyền lợi của giáo viên đạt danh hiệu cũng phải được quy định rõ ràng hoặc tạo điều kiện tham gia các chương trình bồi dưỡng chuyên môn nâng cao.
“Chỉ khi hội thi gắn với lợi ích cụ thể và mang tính đánh giá thực chất, giáo viên mới thực sự tâm huyết và kỳ vọng vào sân chơi này. Ngược lại, nếu chỉ tổ chức để hoàn thành chỉ tiêu, thiếu chiều sâu và thiếu sự công nhận xứng đáng, thì hội thi sẽ không có tác dụng thực chất nhằm nâng chất lượng giáo dục, thúc đẩy giáo viên trau dồi nghiệp vụ”, thầy Quốc nêu quan điểm.
Cần có một khung tham chiếu chung để đảm bảo chất lượng
Theo thầy Nguyễn Duy Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Liên Châu (xã Liên Châu, tỉnh Phú Thọ), việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi những năm gần đây đã và đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn ở cấp xã, phường bởi vì đội ngũ cán bộ tại cấp này nhiều nơi không có chuyên môn sâu về giáo dục nên khi được giao tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, sẽ gặp không ít lúng túng, nhất là trong khâu chuyên môn, ra đề, đánh giá hay tổ chức chấm thi.

Theo thầy Hưng, để đảm bảo tổ chức thành công hội thi giáo viên dạy giỏi cấp xã, phường, trước hết cần phải có sự chỉ đạo rõ ràng và thống nhất từ cấp trên nhằm hướng dẫn quy trình tổ chức, tiêu chí đánh giá cũng như đảm bảo tính công bằng, khách quan cho giáo viên dự thi. Hội thi cần được thực hiện một cách bài bản, có kế hoạch cụ thể và đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn để triển khai.
“So với những năm trước đây, quy trình tổ chức một hội thi giáo viên dạy giỏi thường trải qua các bước như: Giáo viên xây dựng và trình bày một biện pháp nâng cao chất lượng dạy học theo bộ môn đang phụ trách, sau đó trình bày trước ban giám khảo, trả lời các câu hỏi phản biện để làm rõ tính hiệu quả và khả năng áp dụng thực tiễn của biện pháp đó. Đây được coi là một bước đánh giá năng lực sư phạm, khả năng phân tích và sáng tạo của giáo viên.
Không chỉ vây, giáo viên được khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thiết kế bài thuyết trình, minh họa bài giảng nhằm thể hiện năng lực ứng dụng công nghệ trong giảng dạy - một yêu cầu không thể thiếu trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Do đó, năng lực chuyên môn và khả năng ứng dụng công nghệ là hai yếu tố cần song hành, bổ trợ lẫn nhau để giúp giáo viên thể hiện đầy đủ năng lực nghề nghiệp trong hội thi.
Sau phần trình bày biện pháp, giáo viên sẽ bốc thăm một bài dạy trong phạm vi chương trình giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 9 (đối với bậc trung học cơ sở). Sau khoảng 1-2 ngày chuẩn bị, giáo viên sẽ lên lớp giảng dạy một tiết học minh họa. Phần thi này thường chiếm khoảng 100 điểm, với các tiêu chí chấm điểm cụ thể như: mục tiêu bài học rõ ràng, phương pháp giảng dạy phù hợp, khả năng tương tác với học sinh, ứng dụng công nghệ, kỹ năng sử dụng đồ dùng dạy học, năng lực kiểm tra đánh giá học sinh tại lớp…”, thầy Hưng thông tin.
Thầy Hưng cho biết, mỗi địa phương có thể xây dựng hệ thống tiêu chí chấm điểm riêng phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển giáo viên. Tuy nhiên, vẫn cần có một khung tham chiếu chung, thường dựa vào hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức hội thi giáo viên cấp xã, phường sẽ gặp khó khăn hơn do sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn và những thay đổi về bộ máy hành chính. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục địa phương cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác chuyên môn tại cấp cơ sở, đồng thời cân nhắc việc tổ chức hội thi một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương.
Tóm lại, hội thi giáo viên dạy giỏi vẫn là một hoạt động chuyên môn quan trọng, giúp thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, để hội thi thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ cấp chỉ đạo đến đội ngũ thực hiện ở cơ sở, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay”, thầy Hưng nhấn mạnh.