Cấp sổ đỏ trái pháp luật, huyện đề nghị hủy, tòa nói chỉ cần… sửa (!?)

14/09/2015 09:52
Hải Ninh
(GDVN) - Câu chuyện vô lý đang xảy ra tại huyện Xuân Trường (Nam Định) khi cấp huyện thừa nhận cấp đỏ trái luật, cần hủy nhưng Tòa lại tuyên… chỉ cần sửa một phần.

Vợ chồng cụ Vũ Khắc Huần (mất năm 1997), Mai Thị Tý (mất năm 2008, tên thường gọi là Huần) ở xóm 1, xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường (Nam Định) có 05 người con (gồm: Vũ Khắc Tản, Vũ Khắc Tán, Vũ Khắc Toản, Vũ Thị Thu và Vũ Khắc Tính).

Khi mất các cụ để lại thửa đất 990m2 (đo thực tế của Tòa án là 1.097m2) cho 05 người con, không có di chúc. Tuy nhiên, không biết từ khi nào, người con trai út (Vũ Khắc Tính) lại làm được “sổ đỏ” đứng tên mình trên toàn bộ thửa đất.

Cấp sổ đỏ trái pháp luật, huyện đề nghị hủy, tòa nói chỉ cần… sửa (!?) ảnh 1

Ông Vũ Khắc Tản (áo xanh) và Vũ Khắc Toản bức xúc vì sự "tham lam" và "bất hiếu" của người em út. Ảnh: Hải Ninh

Bất bình vì sự “tham lam” của người em út, 04 thành viên trong gia đình còn lại có đơn khởi kiện ra Tòa để đòi lại phần đất được hưởng thừa kế, nhằm mục đích lấy đất để xây nhà thờ bố mẹ.

Vụ việc tranh chấp kéo dài hàng chục năm, đến nay vụ án sắp được Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đưa ra xét xử phúc thẩm.

Cấp sổ đỏ trái pháp luật, huyện đề nghị hủy, tòa nói chỉ cần… sửa (!?) ảnh 2

04 người con chỉ muốn lấy lại phần thừa kế thửa đất để xây dựng nhà thờ bố mẹ. Ảnh: Hải Ninh

Theo Báo cáo số 07/BC-TNMT ngày 13/11/2015 của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Xuân Trường (Nam Định) liên quan đến hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Vũ Khắc Tính, xóm Trung Tiến, xã Xuân Phú thì: Nguồn gốc sử dụng đất của ông Tính trước đây là do bố mẹ để lại. Ngày 25/4/2002, UBND huyện có Quyết định số 381/QĐ-UBND về việc cấp giấy chứng nhận cho hộ bà Tý có diện tích 990m2, tờ bản đồ số 01. Đến ngày 29/4/2002, bà Tý có đơn xin chuyển quyền sử dụng đất cho con trai út là Vũ Khắc Tính. Đến ngày 03/12/2002, UBND huyện cấp Giấy chứng nhận thửa đất trên mang tên ông Tính. Đến năm 2007, bà Tý có đơn đề nghị lấy lại phần đất đã chuyển quyền sử dụng đất cho ông Tính vì "đối xử không tốt với mẹ", vụ việc chưa được giải quyết thì bà Tý chết...

Báo cáo của Phòng Tài nguyên ghi rõ: “Trong quá trình lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ bà Tý sang anh Tính, việc thẩm tra hồ sơ thiếu chặt chẽ của cán bộ chuyên môn nên chưa thể hiện đầy đủ chữ ký của các thừa kế là các con của ông bà Tý. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận thửa đất 990m2 cho anh Tính ngày 03/12/2002 là chưa đúng quy định của pháp luật”.

Cấp sổ đỏ trái pháp luật, huyện đề nghị hủy, tòa nói chỉ cần… sửa (!?) ảnh 3

Ông Đặng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: "Khi có việc này xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi để xảy ra sai sót và kiểm điểm trách nhiệm, trước hết là rút kinh nghiệm không để xảy ra sai sót tương tự". Ảnh: Hải Ninh

Phân tích về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, Báo cáo số 07 của Phòng Tài nguyên huyện Xuân Trường nêu: “Căn cứ vào Điều 645, Bộ luật Dân sự thì bà Huần (tức Tý) được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25/4/2002 và anh Tính được cấp Giấy chứng nhận từ ngày 03/12/2002 là còn trong thời hiệu khởi kiện về thừa kế của ông Huần”.

Ngày 13/4/2015, Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường đưa vụ án “tranh chấp về thừa kế tài sản” nêu trên ra xét xử. Tại Phiên tòa, ông Nguyễn Hùng Văn, đại diện cho UBND huyện Xuân Trường cho biết: Quan điểm của UBND huyện Xuân Trường là nếu các bên không thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế thì đề nghị Tòa án thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Tính để giải quyết theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường lại quyết định: "Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Khắc Tản, Vũ Khắc Toản, Vũ Khắc Tán và bà Vũ Thị Thu đối với ông Vũ Khắc Tính và Nguyễn Phạm Bùi. Hủy một phần nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U913144 của UBND huyện Xuân Trường đã cấp cho hộ ông Vũ Khắc Tính ngày 03/2/2002 đối với ½ diện tích thửa đất số 91, tờ bản đồ số 01 là di sản thừa kế của cụ Vũ Khắc Huần đã hết thời hiệu khởi kiện".

Phân tích về hiệu lực khởi kiện chia thừa kế, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào Điểm 2.4, Khoản 2, Phần 1 về việc áp dụng các quy định của Pháp luật về thời hiệu tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ghi rõ: “Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế trong trường hợp  kể từ thời điểm mở thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thi di sản đó chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”.

Như vậy, phần di sản của cụ Huấn để lại, UBND huyện và Tòa án đã xác nhận chưa chia cho ai, các đồng thừa kế gồm 5 người con của cụ Huấn và cụ Tý không có ai tranh chấp về đồng thừa kế. Do đó, không áp dụng thời hiệu khởi kiện chia thừa kế trong trường hợp này".  

Ông Vũ Khắc Toản bức xúc cho rằng: “Một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Tòa án đã tuyên chỉ còn một nửa giá trị thì đương nhiên giấy chứng nhận này cần phải thu hồi và hủy toàn bộ. Ở đây, giấy chứng nhận cấp cho ông Tính là không đúng quy định pháp luật, cần phải thu hồi và hủy bỏ toàn bộ theo như ý kiến của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện. Ý kiến của mẹ tôi – Vũ Thị Huần do người khác ghi, vì bà không biết chữ. Đồng thời, không có biên bản họp gia đình ngày 17/2/2002”.

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: “Việc tranh chấp đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nếu có vấn đề gì không tuân thủ pháp luật thì Tòa sẽ yêu cầu hủy. Trường hợp trên, việc cấp giấy chứng nhận là phải có sự đồng ý chấp thuận của các thành viên trong gia đình. Có thể do nhận thức không đầy đủ của cán bộ địa chính xã, phòng tài nguyên… Chúng tôi sẽ thi hành theo bản án có hiệu lực pháp luật".

Nói về việc xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Cường cho biết: "Khi có việc này xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi để xảy ra sai sót này, nhằm kiểm điểm trách nhiệm, trước hết là rút kinh nghiệm không để xảy ra sai sót tương tự... Những kiểu như thế này ở huyện Xuân Trường 1 năm cũng phải có đến 5 -7 trường hợp Tòa án tuyên hủy để cấp lại. Vụ việc này (cấp giấy chứng nhận trái pháp luật - PV) các cán bộ địa chính xã, văn phòng đăng ký, phòng tài nguyên đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác hết, chúng tôi không còn cách nào khác là thông báo về cho cơ sở mà cán bộ đó đang sinh hoạt để người ta biết được việc đó. Nếu xác định ông cố tình làm trái, động cơ cá nhân thì là việc khác còn do trình độ chuyên môn thì chỉ nhắc nhở...".

Sắp tới, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, dư luận đang mong chờ một bản án khách quan, công tâm, đúng pháp luật từ Tòa án.

Hải Ninh