LTS: Thời gian qua, việc đào tạo tiến sĩ nảy sinh nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong dự thảo quy chế đào tạo Tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT chuẩn bị ban hành để lấy ý kiến đóng góp có tiêu chuẩn yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên nghành, có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế...
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Xuân Quang - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý và Viện Khoa học Vật liệu về vấn đề này.
Vì sao phải cần có bài báo công bố ISI?
Theo GS. Quang, công tác nghiên cứu sinh là quan trọng số 1 trong đào tạo cán bộ trẻ hiện nay.
GS.TSKH Vũ Xuân Quang yêu cầu nghiên cứu sinh do mình hướng dẫn phải có hai bài báo quốc tế ISI. Ảnh: An Nguyên |
“Theo kinh nghiệm của tôi, ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu thì nhóm làm việc khoa học, hiệu quả nhất là thầy – trò (người hướng dẫn và nghiên cứu sinh). Những người này có động lực để làm việc và cống hiến. Đó là những tập thể nghiên cứu rất quan trọng cho sự phát triển của các Trường đại học và các Viện nghiên cứu”.
Lúc cần thiết, ta có được bài báo nào bằng tiếng Anh để bảo vệ quốc gia? |
Để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học rất cần các nhóm này. Đây là nhân lực quan trọng nhất.
“Hiện chúng tôi đang tổ chức một nhóm nghiên cứu sinh gồm năm người. Theo kế hoạch trong năm 2018, tất cả đều hoàn tất việc bảo vệ luận án tiến sĩ. Khi đó chúng tôi sẽ có một tập thể khoa học trẻ và có khả năng hợp tác tốt. Hiện hai người đã nộp luận án và bảo vệ cấp cơ sở”.
GS. Quang cũng đề ra một quy tắc cho các nghiên cứu sinh mình hướng dẫn là phải có hai bài báo công bố trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện thông tin khoa học – ISI (gọi tắt là chuẩn ISI).
Lý giải điều này, GS. Quang cho rằng, muốn bảo vệ luận án tiến sĩ thì việc có bài báo công bố ISI mới đảm bảo độ tin cậy và chứng tỏ tính mới mẻ của nghiên cứu.
“Nếu không có bài báo quốc tế sẽ rất khó đánh giá luận án. Còn nếu có bài báo khoa học có nghĩa rằng các nghiên cứu đó đã được các nhà khoa học quốc tế đọc,đánh giá và chấp nhận” GS. Quang nói.
Cũng theo GS.Quang, hệ thống các tạp chí ISI đã được lựa chọn một cách dân chủ, trí tuệ ở quy mô toàn cầu. Do đó, nên sử dụng bài báo ISI làm một thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng tiến sĩ.
Nghiên cứu khoa học, công bố hay không? |
“Thông thường một bài báo khoa học có nhiều người cùng đứng tên chung. Nếu một người đã dùng bài báo để bảo vệ luận án thì người kia không được dùng lại”.
GS. Quang cho biết thêm, ở ta đã có quy định, khi nghiên cứu sinh dùng bài báo để bảo vệ luận án thì phải nhận được sự đồng ý của những người còn lại đứng tên trên bài báo đó (cùng ký tên đồng thuận). Vì vậy, không cần lo ngại việc dùng một bài báo để bảo vệ nhiều luận án khác nhau.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc công bố nghiên cứu khoa học qua bài báo chuẩn ISI là việc làm “sống còn”, nâng tầm của các nhà khoa học Việt Nam, sánh ngang với thế giới.
Quy trình đào tạo bắt buộc có bài báo công bố ISI cũng là cách hội nhập trong đào tạo Tiến sĩ ở Việt Nam. Tiến tới, đưa văn bằng tiến sĩ đào tạo ở Việt Nam phải tương đương chất lượng với văn bằng tại các nước khác.
Tuy nhiên, GS. Quang cũng cho biết, hiện có nhiều tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng chưa cao. Do đó, các nghiên cứu khoa học nên đượcxem xét, đánh giá qua các tạp chí có chỉ số ISI hoặc các tạp chí có chất lượng tin cậy.
Từ bài báo ISI đến thực tiễn còn khá xa
GS. Quang cũng dẫn ra một thực tế, hầu hết các công bố ISI chỉ có ý nghĩa khoa học nhưng chưa có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn.
“Ở các bài báo công bố ISI, người ta đã đưa ra những giả thuyết có lý và mới mẻ về mặt khoa học. Và người có trình độ, kiến thức sâu mới đưa ra được những giả thuyết này. Có thể nói: các công bố ISI là các kết quả các nghiên cứu khoa học có thể chấp nhận được” GS. Quang cho hay.
Nghịch lý tiến sĩ đúng quy trình |
Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa dùng được mà còn ở dạng giả thiết. “Có thể xem những người làm ra những nghiên cứu có chỉ số ISI là những cán bộ khoa học có năng lực”.
GS. Quang chia sẻ thêm, làm luận án tiến sĩ thì phải có kiến thức mới và có giá trị khoa học. Những yêu cầu này có thể tìm thấy trong các bài báo ISI.
“Các nhà khoa học luôn cố gắng hướng các nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Nhưng để làm được điều này không dễ” GS. Quang nói.
Mỗi luận án cần được xem xét dưới góc độ ứng dụng thực tiễn. Nhưng từ chỗ đó đến ứng dụng thì rất khó.
GS. Quang nói thêm: “Nhưng ứng dụng thực tiễn mới là mục tiêu cao nhất của chúng ta. Các bài báo ISI mới chỉ là các tiêu chuẩn cần chứ chưa phải là tiêu chuẩn đủ để đánh giá các nhà khoa học lớn”.
Góp ý về chương trình đào tạo Tiến sĩ hiện nay, GS. Quang cho rằng, nhà nước nên khuyến khích việc làm nghiên cứu sinh.
Nghiên cứu sinh là giải pháp rất cơ bản để phát triển tiềm lực khoa học, đồng thời cũng là lực lượng rất quan trọng triển khai công tác nghiên cứu khoa học.
“Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các nghiên cứu sinh vì khoa học cần họ. Bù lại thì chất lượng nghiên cứu sinh phải gắn liền với những công bố khoa học có chất lượng, tốt nhất là các bài ISI” GS. Quang góp ý.