Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thành phố Cần Thơ tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà 8.847 đối tượng là các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, với tổng số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
Các quận, huyện, xã, phường cũng tổ chức họp mặt, trao quà là các nhu yếu phẩm từ nguồn vận động của địa phương, nhằm hỗ trợ thêm những hộ gia đình chính sách khó khăn, ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo Công an Thành phố Cần Thơ tặng quà các gia đình chính sách phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. |
Đến thăm, trao quà tặng gia đình bà Trương Hồng Dân, 71 tuổi thương binh ¼, ngụ tại số 244/62, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, chúng tôi vô cùng cảm phục chiến công cũng như nghị lực của bà trong chiến đấu và trong cuộc sống.
Bà Dân tham gia giao liên ở chiến trường Cà Mau năm 11 tuổi, sau đó làm công tác quân báo.
Năm 1963, bà bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man qua nhiều nhà tù khác nhau.
Năm 1968, sau khi ra tù bà tiếp tục tham gia địa phương quân và được phân công giữ chức vụ Trung đội trưởng Ðội pháo binh huyện đội Giá Rai, tỉnh Cà Mau (nay là tỉnh Bạc Liêu), tham gia tiểu đoàn U Minh 3.
Trong quá trình chiến đấu, bà bị thương ở đầu, ở mắt, chân… với tỷ lệ thương tật 81%.
Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, bà được điều trị tại các bệnh viện lớn trong cả nước, với hơn 20 lần phẫu thuật giúp dần hồi phục sức khỏe.
Từ năm 2000 đến 2010, bà tham gia công tác chi hội phụ nữ khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, tích cực vận động, hỗ trợ nhiều phụ nữ vay vốn ưu đãi làm ăn thoát nghèo.
Hiện, với mức trợ cấp hằng tháng cho thương binh nặng, người nhiễm chất độc hóa học, người bị tù đày, bà cũng tạm đủ trang trải cuộc sống khi phải nuôi con bị nhiễm chất độc hóa học, thờ cúng chồng là liệt sĩ.
Năm nay, thương binh Trương Hồng Dân là đại biểu được chọn tham gia Hội nghị tuyên dương thương binh, người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ |
Bà Dân cho biết: "Các chế độ cho thương binh nặng và các chính sách cho gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng được Nhà nước, Thành phố Cần Thơ quan tâm và ngày càng nâng cao, góp phần ổn định cuộc sống.
Ðặc biệt, chế độ trợ cấp cho người chăm sóc thương binh nặng rất phù hợp vì rất ít thương binh bị thương tật từ 81% trở lên tự chăm sóc được mình.
Thời gian tới, Nhà nước cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ người có công nói chung, thương binh nặng nói riêng cải thiện cuộc sống".
Bị thương ở chiến trường biên giới Tây Nam năm 1986, với tỷ lệ thương tật 81%, thương binh Vũ Xuân Ðại, 59 tuổi, ngụ khu dân cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, được Nhà nước quan tâm điều trị, chăm sóc chu đáo.
Năm 1990, khi sức khỏe hồi phục, ông xuất ngũ về địa phương.
Với ý chí người lính, ông nỗ lực vượt qua khó khăn cuộc sống gia đình, bệnh tật của bản thân, tích cực tham gia công tác ở cơ sở.
Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Khánh.
Với cương vị của mình, thương binh Vũ Xuân Ðại làm tốt công tác chăm lo đời sống hội viên cựu chiến binh, nhất là cựu chiến binh thuộc diện người có công.
Thủ tướng thắp hương tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Yên Bái |
Hội Cựu chiến binh phường đã thành lập Câu lạc bộ trồng hoa kiểng, với 48 hội viên nhằm tận dụng đất trống ở khu dân cư, công viên để trồng hoa kiểng bán, tăng thu nhập cho hội viên.
Tham gia câu lạc bộ này, hội viên được Uỷ ban Nhân dân quận Ninh Kiều hỗ trợ 40% giống hoa kiểng.
Hằng năm, mỗi hội viên câu lạc bộ có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống; thành lập tổ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, hỗ trợ 16 hộ vay 485 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, thương binh Vũ Xuân Ðại còn tích cực tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua những buổi nói chuyện ở các trường học...
Ông Ðại chia sẻ: "Tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, không may bị thương nặng, được Nhà nước quan tâm chăm sóc sức khỏe, tôi và người thân được nhận trợ cấp của Nhà nước, cuộc sống gia đình ổn định. Tôi tự giác tham gia công tác ở cơ sở để hỗ trợ đồng đội khó khăn hơn mình như lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế", để thấy mình có ích cho xã hội, cũng là giảm gánh nặng cho gia đình".
Ỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, quận Bình Thủy tổ chức thăm, tặng quà của Chủ tịch nước cho 1.297 đối tượng có công với cách mạng; 1.314 đối tượng nhận quà của Thành phố Cần Thơ với tổng số tiền hơn một tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quận Bình Thủy xây dựng, bàn giao tám nhà tình nghĩa cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, mỗi căn giá trị từ 50 đến 57 triệu đồng; đưa nhiều thương binh đi điều dưỡng một số nơi trong nước và chi chế độ điều dưỡng tại nhà cho 522 đối tượng, số tiền 1,11 triệu đồng/người…
Ngoài tổ chức họp mặt, trao quà của Chủ tịch nước, của Thành phố Cần Thơ tặng hơn 2.000 đối tượng chính sách, Uỷ ban Nhân dân quận Ninh Kiều còn tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa, khám, chữa bệnh miễn phí, tổ chức tham quan các di tích lịch sử cách mạng cho các gia đình chính sách…
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Cần Thơ Trần Thanh Lam khẳng định:
Chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp được lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành và xã hội chung sức thực hiện kịp thời, sâu sát.
Ðến nay, Thành phố Cần Thơ không còn hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện nghèo, khó khăn về nhà ở nhờ được hỗ trợ nhiều mặt, giúp họ có cuộc sống ổn định.
Ngoài chi trả trợ cấp thường xuyên (hơn 10 tỷ đồng/tháng) nhanh chóng, chính xác, những dịp lễ, tết trong năm, ngoài quà của Trung ương, Thành phố Cần Thơ trích từ ngân sách hơn 10 tỷ đồng tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… góp phần hỗ trợ, động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, cũng là tri ân những hy sinh to lớn của các gia đình thương binh, liệt sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.