Thành tích, danh hiệu và nỗi buồn xin điểm ở cấp Tiểu học!

25/12/2019 06:23
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Người được xin điểm, rất khó chối từ bởi vì người đi xin điểm là đồng nghiệp của mình- những người mà ngày nào cũng gặp mặt nhau trong nhà trường.

Chuyện giáo viên xin điểm đồng nghiệp để học trò của mình được xếp loại cao trong học tập hiện đang rất phổ biến ở cấp Tiểu học. Người được xin điểm, rất khó chối từ bởi vì người đi xin điểm là đồng nghiệp- những người mà ngày nào cũng gặp mặt nhau trong nhà trường.

Chối từ thì rất dễ dàng, nhưng sau những lời chối từ ấy kéo theo mối quan hệ đồng nghiệp sẽ sứt mẻ. Nhất là đối với những thầy cô dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục- những môn học mà từ trước đến nay ở nhà trường vẫn mặc nhiên đó là môn phụ.

Chuyện xin điểm vẫn đang xảy ra khá nhiều ở trường học (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Chuyện xin điểm vẫn đang xảy ra khá nhiều ở trường học (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Câu chuyện giáo viên chủ nhiệm ở cấp Tiểu học xin điểm các môn chuyên đã được phản ánh khá nhiều lần nhưng tình trạng này không thuyên giảm, nhất là những giáo viên ở thành phố- nơi mà tình trạng dạy thêm đang diễn ra khá phổ biến trong tất cả các lớp học.

Vì sao giáo viên chủ nhiệm phải xin điểm giáo viên chuyên?

Theo quy định hiện hành, việc đánh giá, xếp loại học tập của học sinh Tiểu học được căn cứ vào Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh được xếp loại “xuất sắc” cuối học kỳ, cuối năm học thì bắt buộc các môn kiểm tra viết phải đạt từ 9 điểm trở lên. Các môn xếp loại (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục) phải được xếp ở mức “hoàn thành tốt” (T).

Chính vì vậy, những môn mà kiểm tra viết thì nằm trong tầm tay của giáo viên chủ nhiệm bởi vì họ dạy, học ra đề và họ chấm nhưng các môn còn lại bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải xin giáo viên chuyên, nếu học sinh của mình bị xếp loại “hoàn thành” (H).

Khi các môn xếp loại đều xếp ở mức T, cùng với các môn kiểm tra cho điểm được từ 9 điểm trở lên thì đương nhiên học sinh được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mà đây mới là mức mà giáo viên chủ nhiệm hướng tới và cũng là điều mà nhiều phụ huynh trông chờ.

Bởi vì chỉ tiêu đã được các nhà trường ấn định ngay từ đầu năm học, giáo viên và các tổ cũng đã đăng ký chỉ tiêu đầu năm.

Thành tích, danh hiệu và nỗi buồn xin điểm ở cấp Tiểu học! ảnh 2Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích

Hơn nữa, nhiều giáo viên chủ nhiệm dạy thêm cho học trò đương nhiên sẽ phải có “trách nhiệm” với học trò mà mình đã dạy. Chỉ khi học sinh đạt được thành tích học tập cao thì “uy tín” giáo viên chủ nhiệm mới được nâng lên.

Chính vì thế, cửa ải khó khăn là mà bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải đối mặt hàng năm là xin giáo viên chuyên để xin điểm. Những em học tạm được thì xin còn dễ nhưng có em không học môn chuyên được thì đương nhiên giáo viên dạy môn chuyên họ không muốn muốn nâng lên.

Tuy nhiên, cũng vì giáo viên trong trường với nhau nên nhiều giáo viên chủ nhiệm chuẩn bị rất chu đáo công việc này bằng cách gần đến ngày kiểm tra học kỳ thì đưa danh sách những học sinh “cần lưu ý” cho giáo viên chuyên.

Những em được tổng kết ở mức “T” thì không sao nhưng những em đạt mức “H” mà giáo viên chủ nhiệm cần nâng lên thì họ nhờ giáo viên chuyên “kéo” lên để đủ điều kiện xếp loại cho học trò mình ở mức “xuất sắc”.

Rất nhiều giáo viên chuyên ở cấp Tiểu học khi trao đổi với chúng tôi đầu ngao ngán với thực trạng mà họ phải đối mặt hàng năm khi chuẩn bị bước vào kiểm tra học kỳ.

Nâng mức xếp loại cho học trò mà thực học các em không đạt được như vậy thì có nghĩa là trái với quy chế của ngành, trái với lương tâm, đạo đức của người thầy và đôi khi họ cảm thấy như mình là “con rối” trong tay giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường.

Dạy suốt cả học kỳ nhưng khi đánh giá, xếp loại học tập cho học trò lại phải làm theo “định hướng” của người khác.

Không nâng mức xếp loại cho học trò có nghĩa là đối đầu với giáo viên chủ nhiệm và đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, thành tích dạy và học của nhà trường.

Bởi, trường càng nhiều học sinh xuất sắc thì đương nhiên “uy tín” sẽ được nâng lên trong mắt lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục và lãnh đạo địa phương. Đồng thời cũng sẽ là điểm nhấn cần thiết cho phụ huynh học sinh.

Một số phụ huynh nhiều khi không chú trọng việc học hàng ngày của con nhưng luôn coi trọng thành tích cuối kỳ, cuối năm của con mình. Tất nhiên, khi con được khen thưởng có nghĩa là con học giỏi và tất nhiên họ luôn nhớ đến thầy cô chủ nhiệm con mình đã "tận tình" dạy bảo.

Khen thưởng kiểu “ngoại giao”

Thành tích, danh hiệu và nỗi buồn xin điểm ở cấp Tiểu học! ảnh 3Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?

Nếu học sinh giỏi thật, khen thật thì không có gì phải bàn cãi. Hiện tượng không giỏi mà vẫn được khen thưởng vì cách xếp loại “ngoại giao” như học sinh đó là con của ông nọ, ông kia đã gửi.

Học sinh đó là con của Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Học sinh ấy là con của phụ huynh đóng góp nhiều nhất cho lớp, cho trường. Học sinh ấy được cha mẹ gửi học thêm từ những ngày đầu năm học…

Những kiểu xếp loại “ngoại giao” này vô cùng nguy hiểm và tạo nên một tiền đề xấu trong một số trường Tiểu học hiện nay.

Năm học 2020-2021 tới đây là học sinh lớp 1 bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hy vọng, Thông tư 22 cũng được điều chỉnh phù hợp cho thống nhất cách xếp loại với các cấp học ở trên.

Chẳng hạn, cách xếp loại ở cấp Trung học cơ sở hiện nay đối với các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục chỉ có 2 mức là “Đạt” và “Chưa đạt”. Học sinh được khen thưởng chỉ cẩn xếp loại “Đạt” các môn xếp loại là được.

Trong khi, cấp Tiểu học đang được xếp ở 3 mức: “chưa hoàn thành; hoàn thành; hoàn thành tốt”.

Bởi, quy định học sinh được xếp loại ở mức “Xuất sắc” phải đạt mức “hoàn thành tốt” các môn chuyên nên tạo ra chuyện trớ trêu là giáo viên chủ nhiệm năm nào cũng phải đi xin điểm giáo viên chuyên.

Chính vì “góc khuất” này mà nhiều em học tốt hơn thì xếp loại “hoàn thành” mà học dở hơn lại được xếp loại “hoàn thành tốt” vì những toan tính của giáo viên chủ nhiệm. Tất cả việc làm này vì bệnh thành tích và cũng vì lợi ích của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường mà ra.

NGUYỄN NGUYÊN