Nữ giảng viên có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học

28/12/2019 05:56
LÃ TIẾN
(GDVN) - 15 năm công tác tại trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Hương Giang đã có hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, trường phục vụ giảng dạy.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ khi còn là học sinh, cô giáo Lê Thị Hương Giang đã có niềm đam mê mãnh liệt với kỹ thuật và tin học.

Chính vì vậy, tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Giang quyết định thi vào Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam chuyên ngành Công trình cảng.

Được học tập tại cái nôi khoa học, tiếp xúc với nhiều thầy cô dạy giỏi và tâm huyết, niềm đam mê trong cô ngày càng được nuôi dưỡng và phát triển.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Giang được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.

Để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, cô giáo Giang bắt đầu tập sự nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Lê Thị Hương Giang với hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, trường được đánh giá cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tiến sĩ Lê Thị Hương Giang với hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, trường được đánh giá cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong 15 năm công tác tại trường, cô giáo Giang luôn xác định việc nghiên cứu khoa học là con đường để mở rộng tri thức, áp dụng những kiến thức vào thực tiễn.

Đến nay, Tiến sĩ Lê Thị Hương Giang là chủ nhiệm của 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, trường; là tác giả của 9 bài báo trên kỷ yếu và tạp chí quốc tế, 16 bài báo trên kỷ yếu và tạp chí trong nước.

Trong đó, năm 2018, đề tài “thử nghiệm đánh giá, phân tích, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải” của cô được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo.

Về đề tài “Thử nghiệm đánh giá, phân tích, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải”, Tiến sĩ Lê Thị Hương Giang cho biết: Việt Nam là một trong số quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về hoạt động kinh tế hàng hải.

Tuy nhiên, điều đó kéo theo hệ lụy về nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải.

Trong khi đó, việc phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển theo quy định pháp luật Việt Nam chủ yếu dựa trên hiện trạng chất lượng nước biển, thông qua chỉ số rủi ro của các thông số chất lượng nước mà chưa được đánh giá theo nguồn tác động.

Trong khi thực tế, mức độ rủi ro ô nhiễm cao khi tại đó tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng biển như hàng hải, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp ven biển.

Nữ giảng viên năng động cùng giải pháp giáo dục đạo đức cho sinh viên
Nữ giảng viên năng động cùng giải pháp giáo dục đạo đức cho sinh viên

Từ những hạn chế trên, Tiến sĩ Giang đã nghiên cứu, xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải, thử nghiệm cho vùng nước cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh.

Với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế quá trình nghiên cứu hoạt động hàng hải, các sự cố tai nạn và các nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải, sau một thời gian ngắn, cô Giang cho ra đời bộ chỉ số về rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải tại các vùng nước cảng biển.

Từ bộ chỉ số xây dựng riêng về nguy cơ, rủi ro do hoạt động hàng hải, cô Giang áp dụng để phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh và thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường cho hai khu vực thử nghiệm này.

Qua đánh giá của cơ quan chức năng, giải pháp của Tiến sĩ Giang góp phần quan trọng trong việc xác định khả năng xảy ra sự cố hàng hải và ô nhiễm môi trường tại các vùng biển có hoạt động hàng hải;

Xác định mức độ thiệt hại do các sự cố hàng hải gây ra để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật và chuẩn bị nguồn lực ứng phó, ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại ô nhiễm môi trường.

Từ đó, giảm thiệt hại về kinh tế và con người, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của ngành kinh tế hàng hải vào nền kinh tế chung của cả nước.

 Song song với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong công tác giảng dạy, Tiến sĩ Giang luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”.

Từ đó, không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp, sáng kiến, giảng dạy theo phương pháp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”.

LÃ TIẾN